Đang phối giống cho rắn thì bị cắn, người đàn ông Vĩnh Phúc nguy kịch vì thói quen nhiều người áp dụng

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 11/05/2023 15:25 PM (GMT+7)

Rất nhiều người khi bị rắn cắn dùng thuốc nam, các biện pháp truyền miệng để chữa trị, điều này là vô cùng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. 

Những ngày vừa qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị do bị rắn cắn. TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, có 4 bệnh nhân đang điều trị với nhiều mức độ khác nhau tại trung tâm, trong đó có trường hợp đến viện muộn khiến tình trạng nặng nề, dự kiến thời gian điều trị phải kéo dài. 

Ông Hà Văn L. (53 tuổi, quê Vĩnh Phúc) đã nhập viện vài ngày nay nhưng cánh tay bị rắn cắn vẫn đang bị hoại tử tím đen. Bác sĩ Trung Nguyên nhận định, nam bệnh nhân này sẽ mất nhiều thời gian điều trị, ngoài xử lý các tổn thương đến mạch máu, gân thì còn phải phối hợp phẫu thuật thẩm mỹ phần da bị hoại tử. 

Ông L. làm nghề nuôi rắn với số lượng lớn. Do đang là mùa phối giống rắn nên công việc của ông tất bật từ sáng đến chiều. Để đạt hiệu quả cao nhất, ông đã không tuân thủ quy định bảo hộ khi chăn nuôi là đeo bao tay chuyên dụng khi phối giống cho rắn và khi di chuyển rắn đực từ buồng này sang buồng khác, nên đã bị rắn cắn. 

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên đang tư vấn cho bệnh nhân L bị rắn cắn nhưng đến viện muộn.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên đang tư vấn cho bệnh nhân L bị rắn cắn nhưng đến viện muộn. 

Không những thế, sau khi bị cắn, thay vì sơ cứu rồi đến viện luôn, ông L tìm tới thầy lang để dùng thuốc lá. “Tôi đã uống 3 cốc nước lá và đắp lá tươi lên vùng tay bị rắn cắn”, ông L cho hay. Sau gần 30 tiếng, ông L mới tới Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng nặng, nguy kịch, cả vùng cổ tay bị hoại tử và mất nhiều thời gian mới có thể hồi phục.

Nằm đối diện phòng bệnh ông L là ông Công Quốc T (ở Tây Hồ, Hà Nội), đã điều trị được vài ngày và hôm nay sẽ ra viện. TS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, trường hợp này sau khi bị rắn cắn đã ga-rô ngón tay và chuyển đến viện ngay, vì thế không bị hoại tử, thời gian điều trị ngắn. Ông T cho biết, ông làm nghề trồng đào quất ở Tây Hồ, gần đây vườn đào nhà ông xuất hiện 1 con rắn hổ mang, đuổi không đi. Sau khi theo dõi, ông đã bắt sống được con rắn này và cho vào túi cước. “Tôi nghĩ thế là an toàn và sẽ bán được món tiền, ai ngờ lại gặp ngay tai họa”, ông T chia sẻ và kể, khi ông đang cầm túi cước thì con rắn đã cắn xuyên qua đó vào ngón tay khiến ông phải vứt bỏ túi.

Bị cắn, ông ga-rô ngón tay chạy thẳng vào Bệnh viện E sơ cứu, sau đó đã được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Theo bác sĩ Trung Nguyên, trường hợp này là minh chứng rõ nhất cho việc đến viện sớm sẽ đáp ứng điều trị rất tốt, ít để lại di chứng, thời gian điều trị cũng nhanh hơn. 

Ngón tay của ông T tổn thương rất nhỏ vì đến viện sớm, điều trị kịp thời.

Ngón tay của ông T tổn thương rất nhỏ vì đến viện sớm, điều trị kịp thời. 

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, Việt Nam ở trong khu vực có nhiều rắn độc, đặc biệt đây là thời điểm rắn sinh sản, ra ngoài kiếm ăn nhiều (từ tháng 4 đến tháng 11) nên nguy cơ bị rắn cắn rất lớn. “Mùa hè, các gia đình hay đưa trẻ về quê, đi dã ngoại cần chú ý kiểm tra kỹ và dặn trẻ tránh xa các loại rắn, kể cả rắn thường không có độc, vì trẻ không thể nhận biết được”, TS Nguyên khuyến cáo.

Với người lớn, TS Trung Nguyên cảnh báo một thói quen rất xấu của người dân là thấy rắn sẽ bắt và đa số bắt sống bằng tay không, điều này vô cùng nguy hiểm. Ngoài ra, việc dùng các bài thuốc đắp lá, rạch vết thương, làm điện giật để chữa rắn cắn không có tác dụng, thậm chí làm việc điều trị sau này khó khăn hơn. 

Để phòng tai nạn này, người dân khi thấy rắn trước hết cần xua đuổi, nếu rắn không đi hoặc tấn công thì đập chết, chứ không bắt sống. Đồng thời tránh xa nơi rắn hay trú ngụ như đống củi, bụi rậm, đống gạch, các hang hốc… Trường hợp nuôi rắn thì cần tuân thủ nghiêm ngặt biện pháp phòng hộ để tránh bị tai nạn rắn cắn. 

Khi bị rắn cắn, cần dùng dây chun co giãn băng lỏng khu vực bị cắn, hoặc có thể băng ép cố định bộ phận bị rắn cắn thường là tay hoặc chân. Hạn chế cho bệnh nhân vận động và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. 

Bí ẩn người đàn ông miễn nhiễm với nọc độc rắn, bị rắn cắn gần 200 lần không chết
Từng bị rắn cắn gần 200 lần, trong đó có cả những loài rắn độc nhưng người đàn ông Mỹ Bill Haast vẫn sống sót và còn thọ hơn 100 tuổi nhờ khả năng đặc biệt.

Bệnh lạ

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác