Người phụ nữ cứ ngỡ do lâu ngày quan hệ nên mới bị đau rát mà không ngờ có một dị vật đang mắc kẹt trong "vùng kín".
Trên thị trường hiện có nhiều loại sản phẩm băng vệ sinh phụ nữ, một số chị em có thói quen sử dụng tampon (một loại băng vệ sinh) vì tính chất tương đối khô thoáng, có thể thoát khỏi cảm giác ngột ngạt, khó chịu của băng vệ sinh miếng dán.
Tuy nhiên khi sử dụng tampon, các chị em cần chú ý đến cách sử dụng và tháo ra vì đã có không ít trường hợp mắc bệnh hay thậm chí nguy hiểm tính mạng có liên quan tới loại băng vệ sinh này.
Zhang Yuqi, bác sĩ sản phụ khoa tại Bệnh viện Wanfang Đài Bắc, Đài Loan từng điều trị cho một nữ bệnh nhân gặp nạn vì tampon.
Đó là một mgười vợ 32 tuổi từng sống xa chồng một khoảng thời gian dài. Từ khi chồng về làm việc và định cư ở Đài Loan, vợ chồng có nhiều cơ hội thân mật hơn. Tuy nhiên, sau mỗi lần quan hệ, cô lại luôn cảm thấy đau ở phía dưới bên phải "vùng kín", thậm chí còn có cảm giác ngứa ran, có lúc cảm giác như bị rách nhưng khi kiểm tra chẳng thấy gì nên cô mau chóng bỏ qua, cho rằng do quá lâu không quan hệ.
Người phụ nữ bị đau rát sau khi quan hệ với chồng nghĩ là do lâu ngày mới gần gũi. (Ảnh minh họa)
Sau đó, người vợ đã đến phòng khám để làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung định kỳ. Khi bác sĩ chuẩn bị làm xét nghiệm đột nhiên phát hiện ra có một ống nhựa nhỏ bị kẹt ở bên phải âm đạo và đang bốc mùi. Vì vậy, bác sĩ đã khuyên người phụ nữ đến đến bệnh viện lớn để kiểm tra.
Bác sĩ Zhang Yuqi cho biết tại phòng khám, khi bà dùng kẹp mỏ vịt để kiểm tra bên trong âm đạo của người phụ nữ quả thực đã thấy một phần ống nhựa của que đẩy tampon bị sót lại gây tăng sản bất thường ở thành âm đạo bên phải. Bác sĩ cũng cho biết nếu ống nhựa này mắc kẹt quá lâu không được lấy ra, lớp niêm mạc âm đạo sẽ sinh ra tăng sản mô xơ xơ cứng, cần phải chỉ định điều trị bằng phẫu thuật.
Bác sĩ Zhang Yuqi giải thích rằng khi bệnh nhân sử dụng tampon, cô đã đẩy que đẩy tampon vào quá sâu và quên mất rằng bên trong que đẩy còn có một ống ngắn và đã không kiểm tra kỹ nên ống ngắn này bị mắc kẹt lại ở thành âm đạo, cách cổ tử cung khoảng 1cm.
Sau khi được bác sĩ thực hiện thủ thuật, ống nhựa ngắn đã được lấy ra. Bác sĩ Zhang Yuqi nhắc nhở rằng việc sử dụng băng vệ sinh đúng cách thực sự có thể mang lại cảm giác thoải mái hơn trong kỳ kinh nguyệt, nhưng điều duy nhất cần chú ý là sử dụng chúng cẩn thận và thay chúng thường xuyên để tránh vô tình gây ra các bệnh phụ khoa khác.
Ống nhựa trong que đẩy tampon đã bị mắc kẹt lại trong âm đạo của người phụ nữ. (Ảnh minh họa)
Những sự cố có thể xảy ra khi dùng tampon
Tampon là một loại băng vệ sinh hiện đại, có hình dạng ống tròn có thể đưa vào bên trong “cô bé”. Khác với các loại băng vệ sinh khác, tampon có khả năng thấm hút rất mạnh, không rò rỉ, giúp âm đạo luôn sạch sẽ và khô thoáng. Do vậy, phụ nữ có thể thoải mái thực hiện mọi hoạt động trong ngày “đèn đỏ”, kể cả khi đi bơi.
Tuy nhiên, việc sử dụng tampon không đúng cách có thể dễ gây ra những tai nạn ngoài ý muốn, gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Gây viêm nhiễm "vùng kín"
Khả năng gây viêm nhiễm của tampon cao hơn băng vệ sinh thông thường. Bởi vì tampon được đưa trực tiếp vào bên trong “vùng kín". Nếu tiếp xúc trong thời gian quá lâu, môi trường yếm khí, không thông thoáng sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn phát triển và gây nên tình trạng viêm nhiễm. Điều này rất nguy hiểm bởi nó có thể dẫn đến rất nhiều căn bệnh phụ khoa nghiêm trọng.
Hơn nữa nếu tay không vệ sinh sạch sẽ trước khi cho tampon vào bên trong, những vi khuẩn trên tay có thể lây nhiễm sang bộ phận sinh dục.
Để hạn chế nguy cơ viêm nhiễm khi sử dụng tampon, các bạn cần thay tampon sau 4 – 6 giờ, tùy theo cơ địa mỗi người, tuyệt đối không để tampon bên trong âm đạo quá 8 giờ. Ngoài ra, các bạn chỉ nên chọn những loại tampon có độ thấm hút vừa phải và nhớ vệ sinh “cô bé” sạch sẽ. Rửa tay sạch sẽ trước khi sử dụng tampon.
Hội chứng sốc độc tố (TSS)
Là một tình trạng hiếm gặp nhưng đe dọa đến tính mạng do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể và giải phóng các độc tố có hại. Nó thường liên quan đến việc sử dụng tampon ở phụ nữ trẻ. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do một số loại độc tố của chủng tụ cầu gây ra và hay gặp ở những bạn để tampon trong âm đạo quá lâu. Khi bị sốc độc tố, các bạn có thể gặp các biểu hiện như nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa, sốt cao, đau cơ, đau họng…
TSS trở nặng rất nhanh và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Nhưng nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, hầu hết mọi người đều hồi phục hoàn toàn.
Để đảm bảo an toàn, các chị em cần nhớ thời điểm thay tampon sau 4 - 6 giờ sử dụng, tránh dùng tampon khi đi ngủ. Nếu cảm thấy chóng mặt hoặc không khỏe khi sử dụng, chúng mình hãy lập tức ngừng sử dụng tampon. Đặc biệt, đối với những bạn có tiền sử sốc độc tố thì tuyệt đối không dùng loại băng vệ sinh này.