Đeo vàng bạc tốt hay hại sức khỏe, tin đồn đeo vàng có thể bị nhiễm phóng xạ là đúng hay sai? Đọc bài viết dưới đây bạn sẽ có câu trả lời cho chính mình.
Một phụ nữ ở Hà Nam, Trung Quốc bị sốt cao, hai ngày sau mới hạ. Khi rửa tay, chị phát hiện chiếc vòng bạc mình đeo chuyển sang màu đen. Hiện tượng này khiến chị đặt câu hỏi: Có phải bạc giúp hút chất độc từ cơ thể con người?
Vũ Nại Anh, phó giáo sư tại Trường Khoa học thuộc Đại học Kỹ thuật Hà Bắc (Trung Quốc), cho rằng quan điểm "lắc bạc có thể hấp thụ độc tố của con người" là không chính xác. Việc trang sức bạc bị đen là một hiện tượng tự nhiên và không có mối liên hệ trực tiếp nào với sức khỏe con người.
Đeo nữ trang vàng, bạc là sở thích của nhiều người. (Ảnh minh họa)
Vậy vì sao khi một người bị cảm, dây bạc họ đeo sẽ chuyển sang màu đen? Giáo sư Vũ chỉ ra rằng trang sức bạc bị đen chủ yếu là do tiếp xúc với sunfua, dẫn đến phản ứng oxy hóa và đổi màu. Trong cuộc sống của chúng ta, nguyên tố lưu huỳnh hầu như có ở khắp mọi nơi: trong không khí, da và thực phẩm. Tính chất hóa học của bạc có thể gây ra phản ứng oxy hóa khử với nguyên tố lưu huỳnh bất cứ lúc nào, để tạo thành màng bạc sunfua màu đen, do đó, đây là một hiện tượng tự nhiên.
Ngoài ra, mồ hôi của con người cũng chứa nguyên tố lưu huỳnh. Trong mồ hôi có các ion clorua và ion natri là chất dẫn điện tốt, do đó, khi trang sức bạc ôm sát cơ thể tiếp xúc với mồ hôi sẽ đẩy nhanh phản ứng oxy hóa và tạo thành một lớp màu đen trên dây bạc.
Vậy tại sao một số người đeo trang sức bạc lại không bị chuyển sang màu đen? Một mặt, điều này liên quan đến quy trình sản xuất sợi dây bạc của nhà sản xuất, mặt khác, nó cũng có thể liên quan đến mồ hôi của người đó. Tuyến mồ hôi kém phát triển và hàm lượng lưu huỳnh trong mồ hôi thấp cũng có thể làm giảm sự xuất hiện của các phản ứng oxy hóa. Thêm nữa, một số người có thói quen mặc quần áo bằng chất liệu thô sáng và sạch sẽ, thấm hút mồ hôi, khiến hiện tượng dây bạc bị xỉn giảm đi.
Có thật đeo vàng bạc có thể gây ung thư và hạ chỉ số IQ của trẻ?
Bên cạnh tin đồn bạc hút gió độc, còn có tin đồn cho rằng trang sức vàng có bức xạ và có thể gây ung thư nếu đeo, hoặc trẻ em đeo lắc bạc có thể bị ngộ độc, IQ thấp... điều này có đúng không?
Trên thực tế, vàng và bạc đều không phải là nguyên tố phóng xạ, nhưng đồng vị của vàng có tính phóng xạ. Tuy nhiên, theo thời gian, tính phóng xạ của nó sẽ giảm dần và vàng sẽ trở nên ổn định.
Ngoài ra, trong quá trình sản xuất đồ trang sức bằng vàng và bạc, các nguyên tố phóng xạ như coban, polonium và radium... còn sót lại trong đó có thể gây hại cho cơ thể con người nhưng các nhà sản xuất luôn xử lý vấn đề này triệt để nhằm giảm phóng xạ và đáp ứng tiêu chuẩn đeo được cho cơ thể con người. Do đó, đồ trang sức bằng vàng và bạc được mua trên thị trường tại cơ sở uy tín sẽ đảm bảo an toàn.
Chì được thêm vào trong thành phần của đồ trang sức là một quá trình phổ biến do chì có độ dẻo tốt, có thể cải thiện vẻ đẹp của đồ trang sức và giảm giá thành. Cần lưu ý, hàm lượng chì trong đồ trang sức nhỏ hơn 1% không đủ gây hại cho cơ thể con người.
Vì vậy, các lời đồn thồi trên được khẳng định là nhảm nhí.
Những đồ trang sức nào thì không nên đeo?
Khi mua đồ trang sức, bạn phải tìm những sản phẩm được sản xuất bởi các nhà sản xuất uy tín và đã qua kiểm định. Ngược lại, có một số nữ trang với các chất liệu sau bạn không nên đeo:
+ Chu sa
Chu sa được gọi là "hồng ngọc mềm" vì màu sắc tươi sáng. Những chiếc vòng tay làm từ chu sa rất được giới trẻ ưa chuộng. Tuy nhiên, theo phó giám đốc của Bệnh viện Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Từ Châu, Trung Quốc, thành phần chính của chu sa là thủy ngân sunfua, có hại cho cơ thể con người và có thể hấp thụ qua da, gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, gan và thận. Một bài báo đăng trên Tạp chí Da liễu Anh cũng nhấn mạnh rằng nồng độ thủy ngân trong máu tăng có thể dẫn đến tăng nguy cơ ung thư da.
+ Mã não nhuộm
Trang sức mã não sặc sỡ và bắt mắt ở các điểm tham quan du lịch được nhiều người chuộng. Những sản phẩm này được xử lý và nhuộm bằng nguyên liệu mã não xám và trắng giá rẻ nhất, chỉ cần ngâm trong hóa chất độc hại trong một hoặc hai tháng, sau đó gia công rồi bán giá tăng gấp đôi.
Các kim loại nặng như chì, crom, thủy ngân trong mã não nhuộm vượt quá tiêu chuẩn nghiêm trọng, được cơ thể con người hấp thụ lâu ngày sẽ gây tổn thương gan, thận và hệ thần kinh trung ương của cơ thể, thậm chí gây ung thư.
+ Hạt cao su
Hạt của cây cao su có hình bầu dục và màu nâu với những mảng màu nâu sẫm. Vòng cổ hạt cao su kiểu nhiệt đới thực sự có chứa các chất độc hại như xyanua có thể gây ngộ độc nếu ăn nhầm, vì vậy không nên đeo nếu bạn có con nhỏ hoặc vật nuôi.
Cách xử lý khi trang sức bạc bị đen là gì?
Nhiều người sẽ dùng kem đánh răng để cọ trang sức bạc khi thấy nó bị đen, thực tế cách làm này không đúng. Các hạt li ti có trong kem đánh răng sẽ làm trang sức bạc bị mòn, thậm chí làm trầy xước bề mặt sợi dây.
Cách làm đúng là dùng bông nhúng vào một lượng nhỏ nước oxy già 5%, nhẹ nhàng lau sạch bề mặt gỉ đen của bạc, bạc sunfua sẽ bị oxy hóa thành bạc sunfat và hòa tan trong nước, trang sức bạc sẽ khôi phục lại độ sáng bóng.