Hiện số người hút thuốc ở Mỹ đang ở mức thấp kỷ lục trước nay nhờ các nỗ lực hạn chế hút thuốc của chính phủ.
Một nghiên cứu mới của các giáo sư xã hội học thuộc ĐH bang Ohio (Mỹ) công bố trên tạp chí sức khỏe công cộng Mỹ American Journal of Public Health cho thấy trong hai biện pháp ngăn chặn hiệu quả nhất là tăng thuế thuốc lá và cấm hút nơi công cộng thì tính hiệu quả của biện pháp cấm hút cao hơn và tác động rộng hơn.
Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 4.341 người tại 487 TP ở Mỹ. Các giáo sư đã thu thập dữ liệu về thực tế triển khai lệnh cấm hút và tăng thuế thuốc lá ở các TP này và đều đặn phỏng vấn những người tham gia hằng năm (2004-2011). Trong thời gian này, tỉ lệ các TP ở Mỹ cấm hút thuốc tăng từ 14,9% lên 58,7%, mức thuế tăng từ 0,81 USD lên 1,65 USD một gói thuốc.
Kết quả phân tích cho thấy các TP có tỉ lệ người hút thuốc thuộc hàng cao nhất là các TP không áp dụng tăng thuế hay ra lệnh cấm. Tỉ lệ người hút thuốc ở các TP có lệnh cấm hút thuốc nơi công cộng giảm đi 21%. Phân tích sâu hơn, các nhà nghiên cứu nhận thấy tăng thuế không có ảnh hưởng gì đến người hút thuốc nhưng chưa đến mức nghiện nặng.
Theo các nhà nghiên cứu, sự khác nhau về hiệu quả của hai biện pháp này nằm ở mức độ nghiện hút thuốc. Với người nghiện thuốc nặng thì tăng thuế có thể khiến họ giảm bớt lượng thuốc hút mỗi ngày để giảm gánh nặng tài chính. Tuy nhiên, với người hút thuốc nhưng chưa đến mức nghiện nặng thì tăng thuế không có hiệu quả, vì lượng thuốc họ hút mỗi ngày không nhiều nên họ không cảm thấy áp lực tài chính. Với họ việc có châm thuốc hút hay không tùy thuộc vào hoàn cảnh, nếu đó là nơi có lệnh cấm thì họ sẽ không hút, dần dần sẽ trở nên hút ít dần, khả năng trở nên nghiện nặng sẽ bị ngăn chặn. Nói cách khác, lệnh cấm hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn người hút thuốc mới.