Dùng thớt gỗ có tốt hơn thớt nhựa? Chỉ với quả chanh và 4 bước, thớt gỗ sạch bong, khỏi lo nhiễm khuẩn

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 13/09/2022 09:21 AM (GMT+7)

Thớt gỗ là nơi dễ bị nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi và nhiễm vào thực phẩm gây hại cho sức khỏe.

Sử dụng không đúng thớt dễ chứa cả ổ nấm mốc, vi khuẩn gây hại

Thớt là dụng cụ không thể thiếu trong mỗi gian bếp của các gia đình. Hiện trên thị trường có rất nhiều loại thớt được làm từ các vật liệu khác nhau nhưng thớt gỗ được dùng phổ biến nhất. Bởi với thớt được làm từ chất liệu nhựa hay mika ngoài nhanh hỏng, nhiều người còn lo ngại ngấm chất độc hại khi thái hoặc băm, chặt đồ chín-nóng.

Với thớt gỗ, nếu biết cách sử dụng sẽ an toàn và có độ bền cao. Tuy nhiên, chỉ cần không chú ý trong khâu vệ sinh rất dễ gây hại cho sức khỏe. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Chuyên gia công nghệ sinh học và thực phẩm) cho biết, thớt gỗ thường có độ ngấm nước cao, nếu rửa không sạch và bảo quản không đúng cách, môi trường ẩm ướt ở mặt thớt sẽ khiến nấm mốc, vi khuẩn phát triển nhanh, dễ nhiễm vào thực phẩm trong lần sử dụng sau.

PGS Trịnh Thị Ngọc cho biết nấm mốc từ thớt có thể không gây bệnh cấp tính nhưng tích tụ trong gan và có nguy cơ ung thư sau này.

PGS Trịnh Thị Ngọc cho biết nấm mốc từ thớt có thể không gây bệnh cấp tính nhưng tích tụ trong gan và có nguy cơ ung thư sau này. 

PGS.TS.BS Trịnh Thị Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Gan - Mật Hà Nội cũng cho biết, không chỉ có thực phẩm mà những vật dụng tưởng an toàn như đũa tre, đũa gỗ hay thớt gỗ cũng chứa nhiều mầm bệnh gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là thớt gỗ.

“Thớt gỗ có nguy cơ bị mốc rất cao, nếu sử dụng phải sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe, vì nhiều loại nấm mốc nhiễm vào thực phẩm dù nấu chín cũng không tiêu diệt được. Đặc biệt, các loại nấm mốc ở thớt có thể không gây ngộ độc cấp tính như ăn các loại ngũ cốc mốc, nhưng nó tích tụ dần và sẽ ảnh hưởng về sau. Trong đó, gan là bộ phận đầu tiên bị tổn thương”, PGS Ngọc cảnh báo.

Thực tế, đã có những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để đánh giá khả năng nhiễm chéo vi khuẩn từ thịt sống sang thịt chín khi dùng chung dao thớt. Kết quả cho thấy tỷ lệ lây nhiễm ở hộ gia đình dùng chung dụng cụ cho thịt sống, thịt chín là gần 78%. Ở các gia đình có điều kiện mua sắm thớt, dao riêng, đeo găng tay, tỷ lệ lây nhiễm vi khuẩn Salmonella từ thịt sống sang chín giảm đi rất nhiều.

Việc dùng thớt chung để thái đồ sống và chín nếu không vệ sinh, bảo dưỡng đúng cách sẽ gây nhiễm chéo vi khuẩn rất nguy hiểm. (Ảnh minh họa)

Việc dùng thớt chung để thái đồ sống và chín nếu không vệ sinh, bảo dưỡng đúng cách sẽ gây nhiễm chéo vi khuẩn rất nguy hiểm. (Ảnh minh họa)

Thạc sĩ Lưu Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết thớt là vật dụng không quá đắt tiền nên tốt nhất mỗi gia đình nên có thớt riêng tùy mục đích sử dụng, tối thiểu là thớt dùng để sơ chế đồ sống và thái đồ chín nhất định phải riêng biệt.

Trường hợp chỉ có một chiếc thớt để dùng cho mọi mục đích, thạc sĩ Liên Hương nhấn mạnh, các gia đình cần lưu ý lau rửa và bảo quản đúng cách. Cụ thể, mọi người nên vệ sinh thớt để tránh nguy cơ gây hại cho sức khỏe theo các bước dưới đây:

Bước 1: Rửa với nước nóng và xà phòng

Đầu tiên hãy làm sạch bề mặt thớt với nước nóng và xà phòng để loại bỏ các loại vụn thức ăn và vi khuẩn. Sau đó xả và rửa sạch lại với nước để loại bỏ cặn xà phòng.

Khi thớt có dấu hiệu hỏng, mốc cần loại bỏ ngay, không nên sử dụng. (Ảnh minh họa)

Khi thớt có dấu hiệu hỏng, mốc cần loại bỏ ngay, không nên sử dụng. (Ảnh minh họa)

Bước 2: Phơi khô trong không khí

Sau khi rửa, hãy dùng khăn sạch lau khô bề mặt thớt và dựng hoặc treo thớt trong không khí để khô tự nhiên. Lưu ý sử dụng các loại khăn lau trong nhà bếp có thể tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn đến bề mặt thớt. Hãy đảm bảo rằng bạn thường xuyên giặt sạch các loại khăn lau này. Cố gắng để thớt khô hoàn toàn trước khi chuyển sang bước khử khuẩn tiếp theo.

Bước 3: Khử trùng

Việc khử trùng thớt để giảm lượng vi khuẩn trên bề mặt thớt cũng như giảm mùi rất quan trọng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nước điện phân trung tính, các loại nước có chứa acid latic (như nước chanh hoặc giấm táo) và dung dịch có chứa amoni bậc 4 có thể giúp làm giảm vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm trên bề mặt thớt.

Việc sử dụng chanh hoặc dung dịch khử trùng có thể được thực hiện như sau:

Chà bề mặt gỗ của thớt bằng một miếng chanh hoặc xịt dung dịch khử trùng đã pha lên bề mặt thớt, sau đó “ngâm” khoảng 1-5 phút. Bước tiếp theo là xả sạch với nước và để khô tự nhiên trong không khí như bước 2. Các gia đình cố gắng khử trùng thớt ít nhất 1 lần mỗi tuần.

Sử dụng chanh để khử trùng thớt cũng rất tốt và nên sử dụng cách này 1 tuần/lần.

Sử dụng chanh để khử trùng thớt cũng rất tốt và nên sử dụng cách này 1 tuần/lần. 

Bước 4: Bảo dưỡng thớt bằng dầu

Thớt gỗ bị khô rất dễ bị nứt, hỏng hoặc vỡ. Do vậy, việc bảo dưỡng thớt định kỳ là cách tốt nhất để lưu giữ độ ẩm cũng như kéo dài thời gian sử dụng thớt. Các gia đình có thể thực hiện bằng cách sau:

- Thoa một lớp dầu khoáng lên bề mặt của thớt sạch, khô

- Sử dụng một chiếc chổi quét sơn loại nhỏ hoặc khăn để thoa dầu cho đến khi thớt ẩm

- Ngâm thớt qua đêm hoặc trong vài giờ trước khi sử dụng. Để có kết quả tốt nhất nên bảo dưỡng thớt gỗ 1 lần 1 tháng.

* Lưu ý: Không sử dụng dầu ăn thông thường để bảo dưỡng thớt vì có thể gây thối và dẫn đến mùi khó chịu

Ngoài ra trong quá trình sử dụng, nếu thấy thớt gỗ đã vỡ hoặc nứt thì không nên sử dụng. Các vết nứt vỡ sẽ khó làm sạch, là nơi ẩn náu của vi khuẩn và có thể góp phần tạo ra tình trạng ngộ độc thực phẩm. Tốt nhất nên thay thớt mới ngay lập tức.

Sử dụng thớt gỗ bị mốc có thể gây ung thư gan?
Bệnh ung thư gan là 1 trong 3 loại ung thư phổ biến ở Việt Nam. Bệnh này liên quan đến độc tố do mốc sinh ra. Vậy thớt gỗ mốc có là thủ phạm gây ra...

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác