Giáo sư dinh dưỡng chỉ 3 lỗi chăm con của mẹ Việt, điều thứ nhất hầu như ai cũng mắc

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 15/07/2021 09:25 AM (GMT+7)

Trong thời gian trẻ nghỉ học ở nhà, nếu không quản lý tốt việc ăn uống, sinh hoạt sẽ để lại hệ lụy lớn đối với sức khỏe của trẻ, nhất là nguy cơ thừa cân, béo phì.

Trong cuộc sống hàng ngày, không ít phụ huynh cho rằng cho ăn nhiều con sẽ khỏe mạnh và có sức đề kháng tốt để chống chọi với bệnh tật. Tuy nhiên, chế độ ăn quá đà, mất cân đối dễ khiến trẻ thừa cân, thiếu chất và còn đe doạ đến sức khoẻ của trẻ nhiều hơn.

GS.TS Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, trẻ nghỉ học dài ngày như hiện nay, việc nuôi con khoa học, dinh dưỡng và vận động hợp lý vô cùng quan trọng. Thế nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều người đang có tâm lý thích nuôi con bụ bẫm, nuông chiều con ăn uống… đây là vấn đề cần phải thay đổi.

Theo đó, nhiều phụ huynh đã có những lầm tưởng rằng ăn nhiều thịt, trứng sữa là bổ và khỏe hay ở nhà nên có thể ăn bất kì lúc nào hoặc con có thể ngủ nghỉ thoải mái, không nghịch phá là tốt. 

Lầm tưởng thứ nhất: Ăn nhiều thịt, trứng, sữa là bổ và khoẻ

GS Lê Danh Tuyên cho biết thịt, trứng, sữa cung cấp chất đạm cần thiết cho trẻ. Tuy nhiên, tiêu thụ quá mức các loại thực phẩm này không mang lại sức khoẻ. Đa phần các bậc phụ huynh không ước lượng được phần ăn như thế nào cho con là đủ, thường cho con ăn nhiều thịt.

Rất nhiều phụ huynh nghĩ rằng con ăn nhiều thịt, trứng là tốt, bổ nhưng thực tế lại không phải vậy.

Rất nhiều phụ huynh nghĩ rằng con ăn nhiều thịt, trứng là tốt, bổ nhưng thực tế lại không phải vậy.

Điều này không chỉ gây thừa cân, béo phì mà còn gây rối loạn chuyển hoá, đặc biệt là rối loạn chuyển hoá lipit máu. Những rối loạn sớm như vậy sẽ tăng nguy cơ bệnh tim mạch, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ ở tuổi trưởng thành.

Chế độ dinh dưỡng thiếu đa dạng như ít rau xanh, trái cây, ít chất xơ, vitamin và khoáng chất nhưng nhiều thịt, chất béo, chất đạm, tinh bột… cùng sự thúc ép trẻ ăn nhiều hơn so với mong muốn và nhu cầu thực sẽ gây ra dư thừa năng lượng. Cộng với việc thiếu vận động trong thời gian dài, năng lượng không được tiêu hao sẽ tích tụ thành mỡ, khiến trẻ tăng cân, béo phì.

“Bữa ăn cho trẻ cần đầy đủ vi chất, chất khoáng để đảm bảo sự phát triển toàn diện. Đồng thời, cần cân đối mức năng lượng tiêu hao để tránh thừa cân, béo phì", GS Lê Danh Tuyên khuyến cáo.

Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ thừa cân, béo phì nên:

- Ăn ít béo: Thịt nạc (bỏ da), luộc hấp nướng thay cho chiên quay xào, thay sữa béo bằng sữa ít béo (chỉ áp dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên) hoặc các sữa ít năng lượng, hạn chế đồ lòng, phủ tạng, nước cốt dừa.

- Ăn ít bột đường: Giảm bớt số lượng tinh bột trong ngày hay thay cơm gạo, cơm nếp bằng bún, bánh phở, hủ tiếu…, hạn chế đồ ngọt.

- Ăn nhiều thức ăn giàu chất xơ như rau xanh, trái cây ít ngọt.

- Ăn nhiều về sáng, giảm về chiều và hạn chế ăn tối.

Lầm tưởng thứ 2: Ở nhà nên có thể ăn bất kì lúc nào, miễn con không đói

Giãn cách xã hội do dịch bệnh cùng với thời điểm nghỉ hè khiến nhiều gia đình nuông chiều trẻ trong sinh hoạt hàng ngày. Đó là việc cho trẻ ngủ dậy muộn, bỏ bữa sáng, ăn không điều độ, ăn bất cứ lúc nào khi đói, ăn thêm bữa đêm… Việc này sẽ thúc đẩy thừa cân, béo phì ở trẻ.

Trẻ ăn uống phải đúng bữa, không nên cho trẻ ăn uống tùy ý mỗi khi trẻ đói. (Ảnh minh họa)

Trẻ ăn uống phải đúng bữa, không nên cho trẻ ăn uống tùy ý mỗi khi trẻ đói. (Ảnh minh họa)

Khi thấy con có dấu hiệu thừa cân, béo phì, nhiều phụ huynh lo lắng cắt giảm bữa ăn đột ngột, bắt con nhịn ăn… điều này tác động xấu đến thể trạng của trẻ. Theo GS Tuyên, do cơ thể trẻ đang tăng trưởng và phát triển nên trong điều trị thừa cân, béo phì ở trẻ em không đặt ra vấn đề giảm cân. Mục tiêu chính là làm giảm tốc độ tăng cân hay tránh tăng cân thêm ở trẻ và vẫn đảm bảo tăng chiều cao theo tuổi. Để đạt được điều này, cần phối hợp song song việc điều chỉnh chế độ ăn thích hợp theo tuổi với tăng cường hoạt động thể lực.

Phụ huynh cần lưu ý không bao giờ bắt trẻ nhịn ăn hay bỏ bữa và đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, chất đạm theo tuổi cho trẻ. Đồng thời, cho trẻ ăn đủ bữa, ngày 3 bữa chính và 1-2 bữa phụ, tuyệt đối không được cho trẻ thừa cân, béo phì nhịn đói, nếu trẻ đã ăn đủ bữa mà còn đói thì hãy cho trẻ ăn thêm các loại thức ăn ít năng lượng như củ sắn, trái cây ít ngọt. Không cho trẻ ăn sau 20h.

Lầm tưởng 3: Con có thể ngủ nghỉ thoải mái, không nghịch phá là tốt

Rối loạn nhịp độ sinh hoạt có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự phát triển của trẻ, đặc biệt gây nguy cơ thừa cân, béo phì và kém phát triển về chiều cao. Phụ huynh cần tập thói quen cho trẻ ngủ sớm, ngủ đủ giấc. Cha mẹ nên tập cho trẻ ngủ trước 21 giờ.

Số giờ ngủ trung bình mỗi ngày tùy từng lứa tuổi: số giờ ngủ trung bình của trẻ sơ sinh, dưới 1 tuổi và từ 1-2 tuổi tương ứng là 14-17 giờ; 12-15 giờ và 11-14 giờ. Trẻ từ 3-5 tuổi là 10-13 giờ.

Việc trẻ ngủ nướng, lười vận động sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. (Ảnh minh họa)

Việc trẻ ngủ nướng, lười vận động sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. (Ảnh minh họa)

GS Tuyên khuyến nghị, cha mẹ cần quan tâm, tạo mọi điều kiện để giúp trẻ tích cực hoạt động thể lực như đi bộ đến trường, leo cầu thang và chơi với em nhỏ…”

Tập cho trẻ hoạt động thể lực hằng ngày 30-60 phút. Cha mẹ nên tập cùng với trẻ để theo dõi và khuyến khích trẻ hoạt động. Hạn chế thời gian ngồi xem tivi, video và trò chơi điện tử dưới 2 giờ/ngày.

Cần cho trẻ được vui đùa và chạy nhảy vào những thời gian rảnh rỗi. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội, không có cơ hội vận động ngoài trời, phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ làm các công việc nhà: dọn dẹp nhà cửa, góc đồ chơi của trẻ và gấp quần áo.

Bé trai 11 tuổi thừa cân trầm trọng vì sai lầm của bố mẹ khi kích con tăng chiều cao
Muốn con phát triển chiều cao tốt nhất, không ít bố mẹ cố gắng cho ăn thật nhiều, uống sữa hay bổ sung canxi cật lực mà không biết rằng những cách đó...

Cách tăng chiều cao cho trẻ

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phát triển chiều cao cho trẻ