Hiện nay càng ngày càng có nhiều trường hợp, nhiều người trong một gia đình cùng mắc một loại bệnh ung thư. Phải chăng ung thư cũng dễ lây? Chuyên gia y tế chỉ ra rằng, những trường hợp này đều do thói quen ăn uống gây nên.
Trong vòng 1 tuần cả 2 vợ chồng đều phát hiện bị ung thư ruột
Đối với bà Chu ở Hàng Châu (Trung Quốc), năm 2018 vừa qua là khoảng thời gian đen tối nhất trong cuộc đời. Vào giữa tháng 4, bà Chu bị đau bụng và đầy hơi kéo dài cả 1 tháng. Sau đó bà Chu đã đến Bệnh viện thứ 3 thành phố Hàng Châu để nội soi, kết quả bà bị ung thư ruột kết. Và đây mới chỉ là giai đoạn đầu của bi kịch. Cũng trong thời gian này, ông Vương chồng bà Chu bị nhồi máu não phải nhập viện nằm tại Khoa Thần kinh của Bệnh viện thứ 3.
Trong thời gian này ông Vương cũng xuất hiện tình trạng đau bụng, sau kiểm tra, rất nhanh chóng cũng bị chẩn đoán ung thư ruột kết. Chỉ trong một tuần, cả 2 vợ chồng bà Chu đều được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ruột. Sau đó, bệnh viện đã cho vợ chồng bà Chu ở “phòng đôi”, thuận tiện cho 2 vợ chồng chăm sóc nhau, cùng điều trị.
Hiện nay có rất nhiều cặp vợ chồng cũng mắc một loại bệnh ung thư.
Một cặp vợ chồng nữa là bà Trương và ông Lưu đến từ Ôn Lãnh, Thái Châu cũng cùng mắc một bệnh ung thư ruột. Đầu tiên, bà Trương phát hiện có máu trong phân, bà nghĩ rằng mình bị bệnh trĩ nên đã mua thuốc trĩ để uống. Trải qua nửa năm, hiện tượng này luôn xuất hiện, sau đó bà Trương mới đến bệnh viện để kiểm tra, lúc này phát hiện bị ung thư ruột giai đoạn giữa.
Bà Trương sau khi kết thúc hàng loạt các cuộc điều trị, ông Lưu cũng phát hiện có máu trong phân, ông quan sát một tháng, số lần đi đại tiện tăng lên 2, 3 lần/ngày và lần nào cũng đều có máu. Sau đó ông cũng vội vàng tìm đến bác sĩ Thẩm Trung, trưởng Khoa Hậu môn – trực tràng của Bệnh viện thứ 3 thành phố Hàng Châu, người đã điều trị cho vợ ông để khám bệnh. Kết quả những gì ông lo sợ cũng đã đến, ông Lưu cũng bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư ruột giai đoạn giữa.
Bác sĩ Thẩm Trung cho biết: “Trong 30 năm qua, hiện tượng “vợ chồng ung thư” ít khi xảy ra, nhưng hiện nay càng ngày càng có nhiều, đặc biệt là vài năm trở lại đây”.
Một gia đình có 3 mẹ con bị ung thư gan
Ông Hồ, người đang được điều trị tại Khoa Gan của Bệnh viện Tây Khê thành phố Hàng Châu, ông vẫn chưa hết sốc khi biết mình mắc bệnh ung thư. Bốn tháng trước, ông Hồ bị gãy xương nên phải đến bệnh viện địa phương điều trị. Khi làm kiểm tra CT, bác sĩ phát hiện ông Hồ bị xơ gan với nhiều nốt trong gan. Ông cũng có tiền sử viêm gan B. Ông được khuyên nên tiếp tục thực hiện các xét nghiệm liên quan đến gan. Cuối cùng ông bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan khi kiểm tra ở Bệnh viện Tây Khê.
Thói quen uống nhiều rượu là thủ phạm gây ung thư gan
Bác sĩ Dư Cát Tiên, Phó Khoa Gan của Bệnh viện Tây Khê cho biết: “Thực tế, so với những người mắc bệnh ung thư gan tôi từng gặp, ông Hồ vẫn còn may mắn vì bệnh mới ở giai đoạn đầu. Từ kết quả kiểm tra đầu tiên, chỉ có vài chỉ số hơi bất thường, vì vậy chúng tôi khuyên ông ấy kiểm tra thêm, cũng là vì được biết gia đình ông Hồ có tiền sử bệnh gan. 16 năm trước, anh trai của ông Hồ cũng chết vì ung thư gan, 13 năm trước mẹ của ông ấy cũng vì bệnh ung thư gan mà chết. Do đó, những ai có người thân bị mắc bệnh ung thư cần phải chú ý đi kểm tra sức khỏe thường xuyên”.
Bệnh ung thư không lây truyền mà đều là do thói quen ăn uống xấu “lây nhiễm”
Bác sĩ Thẩm Trung (Bệnh viện thứ 3) nói: “Ung thư không phải là một bệnh truyền nhiễm, bởi vì các cặp vợ chồng có mối quan hệ mật thiết trong cuộc sống, thói quen sống tương đối giống nhau, bất kể trong số họ có thói quen sống không tốt có thể dẫn dến ung thư, cũng dễ ảnh hưởng đến người còn lại, từ đó gây tổn hại đến sức khỏe của cả 2 bên”.
Theo giải thích, bà Chu và ông Vương làm buôn bán, khi mới bắt đầu, cuộc sống khó khăn, họ thường xuyên ăn mì ăn liền, ăn bánh mì, 3 bữa ăn không có quy luật. Sau này điều kiện tốt hơn, xã giao nhiều, thức ăn thường hay để thừa, vì sợ lãng phí nên 2 người thường ăn các món để qua đêm. Ngày qua ngày, những thói quen ăn uống không lành mạnh này đã khiến họ đều mắc bệnh ung thư ruột kết.
Rất nhiều các nghiên cứu đã xác nhận rằng, tỷ lệ mắc ung thư ruột có liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống. Hiện nay, nhiều người thích ăn các thực phẩm như chiên, nướng, cay nóng, thực phẩm ngâm, thịt đỏ,… tất cả những thực phẩm này là tiểm ẩn gây ung thư.
Cá muối là một yếu tố làm tăng nguy cơ gây ung thư của bà Trương và ông Lưu.
Như trường hợp của bàTrương và ông Lưu, hai người sống cạnh biển nên các loại hải sản như cá muối, cua hấp đều là những món ăn hàng ngày của hai người. Món cá muối thông qua việc ướp muối và phơi khô, trải qua quá trình ướp muối ở nồng độ cao và làm mất nước. Tuy nhiên trong quá trình chế biến, sẽ sản sinh ra hợp chất nitrososamin. Nó đã được chứng minh qua các thực nghiệm lâm sàng là có thể dẫn đến ung thư.
Bác sĩ Dư Cát Tiên (Bệnh viện Tây Khê) cho biết, trường hợp của ông Hồ vừa là do di truyền, đồng thời cũng do thói quen ăn uống hàng ngày. Ông Hồ và anh trai đều có sở thích uống rượu trong nhiều năm, đây là nguyên nhân chính dẫn đến ông Hồ bị bệnh gan.
Hơn 80% bệnh ung thư là do lối sống xấu
Bác sĩ Quách Dũng, Trưởng Khoa ung thư của Bệnh viện y học cổ truyền Chiết Giang cho rằng: Yếu tố di truyền chỉ chiếm một số nhỏ, còn hơn 80% bệnh ung thư là do lối sống không lành mạnh. Do vậy, mọi người muốn có một sức khỏe tốt, tránh xa bệnh tật thì cần phải ăn uống lành mạnh, ngừng hút thuốc, không uống rượu, tập thể dục thường xuyên và giữ cho tâm tạng thoài mái. Thay đổi thói quen xấu là mang lại lợi ích cho cả gia đình”.