Hội chứng ngừng thở khi ngủ (SAS) là hội chứng mãn tính thường gặp nhiều ở nam giới gấp 2 -3 lần nữ, ở một số nước châu âu, Mỹ có tới gần 50% năm giới tuổi trung niên mắc, cần được phát hiện sớm, theo dõi điều trị lâu dài
Vừa qua, tại bệnh viện Bạch Mai đã diễn ra Hội nghị Khoa học Chuyên đề Cập nhật từ APSR Sydney 2017.
Tại Hội nghị, TS. Đoàn Thị Phương Lan, Trung tâm Hô Hấp Bệnh viện Bạch Mai trình bày “Chuyên đề Hội chứng ngừng thở khi ngủ: Kẻ giết người thầm lặng và nguy cơ mất an toàn giao thông”.
Theo đó, Hội chứng ngừng thở khi ngủ (SAS) là hội chứng mãn tính thường gặp nhiều ở nam giới gấp 2 -3 lần nữ, ở một số nước châu âu, Mỹ có tới gần 50% năm giới tuổi trung niên mắc, cần được phát hiện sớm, theo dõi điều trị lâu dài.
SAS có đặc điểm như: ngủ ngáy, ngừng thở, giảm thở hoặc phải có hoạt động gắng sức hô hấp và triệu chứng ban ngày như: ngủ gật, buồn ngủ, mệt mỏi hoặc tập trung kém; khi ngủ thường ngáy to, thở khò khè, ngủ không ngon giấc…
Ảnh Internet
SAS có thể gây ra nhiều biến chứng như: tăng huyết áp kháng trị, đột quỵ, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, rối loạn trí nhớ và khả năng mất tập trung, rối loạn tim mạch và SAS làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Báo cáo của TS Phương Lan cũng đã khuyến cáo: “SAS là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông do buồn ngủ. Sàng lọc và chẩn đoán rối loạn giấc ngủ cho những lái xe có nguy cơ cao như: béo phì, thừa cân, ngủ ngày góp phần giúp giảm nguy cơ tai nạn giao thông”.