Tác dụng của húng quế không chỉ khiến bữa ăn của gia đình bạn thêm hấp dẫn mà còn giúp ngăn ngừa các bệnh mãn tính và nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần của bạn.
Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Gillian Culbertson cho biết: “Húng quế chứa các chất dinh dưỡng và hợp chất có thể giúp ngăn ngừa các bệnh mãn tính, bao gồm ung thư, tiểu đường, bệnh tim và viêm khớp. Hơn hết, loại thảo dược này còn có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm, đồng thời có thể tăng cường sức khỏe tinh thần của bạn, tùy thuộc vào loại và hình thức sử dụng.
Húng quế là gì?
Húng quế (tên khoa học Ocimum basilicum) là một loại thảo mộc được sử dụng phổ biến trong cả ẩm thực Ý và Đông Nam Á, chẳng hạn như trong các món ăn Thái Lan và Việt Nam. Nó có nhiều loại với hương vị, màu sắc và hình dạng lá khác nhau, vì vậy bạn có thể lựa chọn nhiều cách chế biến và sử dụng.
Có nhiều loại húng quế phổ biến ở Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Các loại húng quế phổ biến bao gồm:
- Húng quế ngọt (hay còn được gọi là húng quế tây, húng tây): Đây là loại phổ biến nhất. Húng quế ngọt có lá tròn, cong, màu xanh cỏ đặc trưng của húng quế và thường không thể thiếu trong các món pesto của Ý.
- Húng quế Genovese: Húng quế Genovese là họ hàng của húng quế ngọt, cũng hay được dùng trong các món pesto và các món ăn Ý khác. Nó có lá to hơn, màu xanh đậm hơn và hương vị đậm đà hơn.
- Húng ngọt Thái: Lá húng quế ngọt Thái phẳng và nhọn hơn lá húng ngọt. Nhưng sự khác biệt không dừng lại ở đó. Lá của nó có hương vị cam thảo đen đặc trưng, chịu được nhiệt độ nấu cao, không giống như húng quế ngọt.
- Húng quế tím: Loại húng quế này có lá màu đỏ tím nổi bật, và hương vị của nó cũng đậm đà không kém - giống như hạt đinh hương.
- Hương nhu: Loại thảo mộc này được sử dụng phổ biến để thờ cúng trong Ấn Độ giáo. Trong y học Ayurvedic (một hệ thống y học cổ xưa của Ấn Độ), người ta còn coi nó là một trong những dược liệu quan trọng nhất. Hương nhu có vị đắng hơn các loại húng quế khác khi ăn sống.
Bạn có thể mua lá húng quế tươi, đông lạnh hoặc khô. Húng quế cũng là một loại thảo dược dễ trồng - chúng ta chỉ cần có một chiếc chậu nhỏ, thêm đất, trồng cây và đặt ở nơi nhiều ánh nắng rồi chăm chỉ tưới nước. Khi sử dụng làm thuốc, bạn có thể mua húng quế dưới dạng:
- Tinh dầu
- Chiết xuất
- Bột.
Húng quế có tốt cho sức khỏe không?
Câu trả lời là có - và theo nhiều cách, nhà dinh dưỡng Culbertson nói. “Húng quế là nguồn cung cấp vitamin K dồi dào, đặc biệt là lá húng quế khô. Vitamin K giúp xương chắc khỏe. Nó cũng đóng một vai trò lớn trong khả năng đông máu. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, chuyên gia giải thích.
Húng quế có thể sử dụng tươi hoặc khô. (Ảnh minh họa)
Đánh giá của 24 nghiên cứu trên người cho thấy tất cả các kết quả được báo cáo đều ủng hộ lợi ích sức khỏe của húng quế, bao gồm cả tác dụng tích cực đối với:
- Sức khỏe đường huyết
- Sức khỏe tim và mạch máu
- Miễn dịch
- Khả năng suy nghĩ và lý luận (nhận thức thần kinh).
Dưới đây là 5 lợi ích sức khỏe của húng quế được chuyên gia Culbertson chia sẻ với Cleveland Clinic:
Bảo vệ khỏi tổn thương tế bào
Lá húng quế chứa đầy chất chống oxy hóa, các hợp chất tự nhiên bảo vệ tế bào của cơ thể. Các tế bào của bạn bị tổn thương do stress oxy hóa khi chúng có quá nhiều gốc tự do. “Cơ thể tạo ra các gốc tự do để phản ứng với căng thẳng và viêm nhiễm. Các gốc tự do cũng đến từ sự tiếp xúc với môi trường, như khói thuốc lá và bức xạ cực tím (UV). Nhưng chất chống oxy hóa hoạt động như một lá chắn chống lại các gốc tự do - và các vấn đề sức khỏe mà chúng gây ra”, Culbertson giải thích.
Nếu không được kiểm soát, stress oxy hóa có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe bao gồm:
Bệnh ung thư
Bệnh tim mạch
Đục thủy tinh thể
Các bệnh viêm nhiễm như viêm khớp.
Ngăn ngừa ung thư
Một số nghiên cứu đã chứng minh tiềm năng của tinh dầu húng quế tây trong việc ngăn ngừa một số bệnh ung thư. Theo một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, húng quế ngọt đã ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư ruột kết ở người. Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học phát hiện chiết xuất lá từ sáu loại húng quế khác nhau đều có đặc tính chống ung thư. Húng quế cản trở khả năng phát triển và phân chia của tế bào ung thư, cuối cùng tiêu diệt chúng.
Chuyên gia Culbertson cho biết: “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy húng quế có thể là một công cụ phòng ngừa ung thư hiệu quả. Nhưng cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu hơn trên người để xác nhận những kết quả đầy hứa hẹn này và hiểu rõ mọi người nên dùng bao nhiêu húng quế để đạt hiệu quả”.
Giúp kiểm soát huyết áp và cholesterol
Các bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc đã điều trị bệnh tim mạch bằng húng quế trong nhiều thế kỷ - và có lý do chính đáng. Các nghiên cứu không phải trên con người đã chỉ ra rằng nó có thể làm giảm huyết áp cao và cải thiện mức cholesterol.
Chuyên gia lưu ý: “Ngoài ra, hương nhu có chứa eugenol, một loại dầu có thể giúp hạ huyết áp bằng cách nới giãn mạch máu. Các nghiên cứu đã thử nghiệm một số dạng húng quế, bao gồm chiết xuất, lá và bột lá”.
Húng quế tươi được dùng phổ biến trong ẩm thực Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Cải thiện đường huyết
Cả nghiên cứu trên người và trong phòng thí nghiệm đều cho thấy khả năng đặc biệt của húng quế trong việc quản lý lượng đường trong máu. Ví dụ, các nhà khoa học quan sát thấy rằng chiết xuất húng quế góp phần làm giảm đáng kể lượng đường trong máu ở các mô hình phòng thí nghiệm về bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu trên động vật khác cho thấy tác dụng tương tự với chiết xuất hương nhu.
Chuyên gia Culbertson cho biết: “Các nghiên cứu trên người đang ở giai đoạn đầu nhưng đã cho thấy một số lợi ích tiềm năng thú vị trong việc kiểm soát lượng đường trong máu và bệnh tiểu đường tuýp 2. Nhưng chúng ta cần nghiên cứu thêm để hiểu đầy đủ tác động của các loại húng quế khác nhau đối với sức khỏe đường huyết”.
Tăng cường sức khỏe tinh thần
Nghiên cứu cho thấy tiêu thụ húng quế hàng ngày có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh sức khỏe tinh thần của bạn. Trong bốn nghiên cứu khác nhau trên người, hương nhu đã được chứng minh là:
- Tăng cường chức năng nhận thức, bao gồm trí nhớ ngắn hạn và sự chú ý.
- Cải thiện tâm trạng.
- Giảm căng thẳng và lo lắng.
Một nghiên cứu không trên người khác trong phòng thí nghiệm cho thấy tinh dầu húng quế có khả năng làm giảm chứng trầm cảm, căng thẳng và mất trí nhớ liên quan đến tuổi tác. Nhà dinh dưỡng Culbertson cho biết: “Kết quả rất tích cực đến nỗi các nhà nghiên cứu kết luận rằng đã đến lúc xem liệu húng quế có thể cải thiện các triệu chứng liên quan đến bệnh Alzheimer hay không. Sẽ rất thú vị nếu hiểu rõ hơn về tiềm năng của húng quế sau khi tiến hành nhiều nghiên cứu hơn”.
Cách thêm húng quế vào chế độ ăn uống lành mạnh
Trước khi bạn mua thực phẩm bổ sung húng quế, chuyên gia Culbertson có một vài lời cảnh báo: “Nếu muốn thêm húng quế vào chế độ ăn uống của mình để cải thiện một tình trạng bệnh lý cụ thể, trước tiên bạn nên xem xét nguồn thực phẩm chứ không phải sản phẩm bổ sung. Ngoài ra, bạn cũng nên tư vấn ý kiến bác sĩ trước để xem việc sử dụng nhiều húng quế có tương tác với bất kỳ loại thuốc nào mình đang dùng không. Chẳng hạn, sử dụng húng quế trong khi đang dùng thuốc chống đông máu có thể khiến máu bị loãng quá mức. Nguy cơ lượng đường trong máu hoặc huyết áp xuống quá thấp cũng hiện diện nếu bạn ăn cả húng quế và dùng thuốc điều trị những vấn đề này.
Hiện nay, bạn có thể dễ dàng mua cả lá húng quế tươi hay khô ở chợ hay các cửa hàng bán thảo mộc, dược liệu.
“Hương vị húng quế khô thường mạnh hơn. Vì vậy, nếu có húng quế khô, bạn chỉ nên dùng lượng bằng một nửa hoặc một phần ba so với lượng tươi mình cần”, chuyên gia Culbertson khuyến nghị. Ngoài ra, khi chọn húng quế, nên chú ý đến những chiếc lá và loại bạn cần và chọn. Với một số loại, như húng quế ngọt và húng quế tây, tốt nhất nên dùng tươi để trang trí. Nhưng những loại khác, như húng quế Thái, có thể chịu nhiệt và nấu chín.
Làm nước lá húng quế để uống thế nào cho tốt?
Nước lá húng quế thực hiện đơn giản, mang lại nhiều tác dụng. (Ảnh minh họa)
Bạn nên chọn ngọn húng quế tươi. Loại nước này thực hiện rất đơn giản:
- Rửa sạch nhẹ nhàng ngọn non hay lá húng quế rồi để cho ráo nước.
- Cho húng quế vào bình sạch. Có thể thái vài lát dưa chuột, chanh hay gừng rồi thêm vào bình để tăng thêm hương vị và tác dụng.
- Đổ đầy nước vào bình rồi đặt trong tủ lạnh ít nhất 30 phút tới 4 tiếng. Nhấm nháp trong ngày. Loại nước này không chỉ mang tới nhiều tác dụng cho sức khỏe mà còn rất thơm ngon, dễ uống.