Nấm hương ngâm giấm có thể càng tăng thêm tác dụng kiểm soát đường huyết, huyết áp và lipid máu.
Nấm hương là nguyên liệu rất bổ dưỡng, có hương vị thơm ngon độc đáo mà giá thành lại rẻ nên được nhiều người yêu thích. Không những vậy, các chất dinh dưỡng đa dạng trong nấm hương còn có thể giúp giảm "ba cao" (đường huyết cao, mỡ máu cao, huyết áp cao).
Ăn nấm hương giúp kiểm soát lượng đường, huyết áp, lipid máu
Nấm hương là một loại thực phẩm lành mạnh được khuyến khích sử dụng hàng ngày. Kimio Sugiyama, giáo sư tại Phòng thí nghiệm Hóa dinh dưỡng thực phẩm, Khoa Hóa sinh ứng dụng, Đại học Shizuoka, Nhật Bản cho biết nấm hương khô chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và có thể giúp ngăn ngừa, cải thiện các vấn đề như cao huyết áp, tăng đường huyết và tăng lipid máu. Đồng thời cũng có thể cải thiện chất lượng xương, có hiệu quả trong việc làm giảm loãng xương và táo bón.
Hiromasa Zangata, giám đốc Phòng khám Anfang của Nhật Bản cũng chỉ ra rằng nấm hương có chứa các chất dinh dưỡng như beta glucan, D-leinine purine, vitamin B2, vitamin D, lentinan, đồng thời rất giàu chất xơ, có thể giúp ức chế cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt trong cơ thể. Cholesterol tốt được cho là có tác dụng ngăn ngừa xơ cứng động mạch và ức chế sự gia tăng huyết áp.
Ngoài ra, nấm hương cũng rất giàu kali, có thể giúp cơ thể bài tiết natri dư thừa, đồng thời ngăn ngừa và cải thiện huyết áp cao.
Giáo sư Kimio Sugiyama nhấn mạnh rằng nấm hương khô rất giàu chất xơ hòa tan trong nước, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất xơ hòa tan trong nước có thể làm chậm quá trình di chuyển của thức ăn từ dạ dày đến ruột non cũng như tốc độ tiêu hóa và hấp thụ nên có thể giúp ngăn chặn lượng đường trong máu tăng nhanh.
Masanori Iwase giám đốc Trung tâm Tiểu đường cũng đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện ra rằng những người tiêu thụ nhiều chất xơ có mức đường huyết lúc đói, nồng độ glycated hemoglobin và độ nhạy insulin liên quan đến bệnh tiểu đường tốt hơn.
Ngâm nấm hương khô với giấm sẽ tăng tác dụng tốt cho sức khỏe
Thông thường mọi người hay ngâm nấm hương khô trong nước trước khi nấu, nhưng giáo sư Sugiyama cho rằng ngâm nấm khô trong giấm có thể tốt cho sức khỏe hơn.
Ông Sugiyama giải thích rằng có những nghiên cứu trong đó các đối tượng được yêu cầu tiêu thụ giấm đen và giấm táo. Sau khoảng 10 tuần, những người tham gia đều giảm huyết áp tâm trương và tâm thu từ 10 đến 15 mmHg.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tiêu thụ 15ml giấm táo mỗi ngày có thể giúp giảm cholesterol toàn phần. Một nghiên cứu khác yêu cầu các đối tượng ăn gạo trắng và đồ uống chứa axit axetic cùng lúc và nhận thấy rằng sự gia tăng lượng đường trong máu đã bị ức chế 30% sau 30 phút.
Vì vậy, ông Sugiyama tin rằng tác dụng của giấm trong việc ức chế các bất thường về lượng đường trong máu, huyết áp và lipid cũng rất đáng mong đợi. Nếu dùng chung với nấm hương, chất dinh dưỡng phong phú có trong cả hai có thể có tác dụng hiệp đồng tốt hơn, đồng thời cũng có thể giúp ngăn ngừa hội chứng chuyển hóa.
Ngoài ra, vì nấm ngâm giấm có hương vị đậm đà nên khi nấu nấm sẽ tránh được việc nêm quá nhiều gia vị, từ đó đạt được tác dụng giảm muối. Thậm chí dùng phần giấm ngâm nấm để nấu ăn cũng rất tốt.
Cách làm nấm ngâm giấm:
Nguyên liệu:
- Khoảng 10 cây nấm hương khô.
- Giấm 400~500ml.
- 1 hộp kín.
Cách làm
Đầu tiên, phơi nấm khô ở nơi có nắng trong 1 ngày để tăng hàm lượng vitamin D trong nấm.
Nấm khô rửa sạch, cho vào hộp kín, đổ giấm vào, đậy kín rồi để trong tủ lạnh qua đêm, có thể bảo quản được khoảng 1 đến 2 tháng.
Cách sử dụng
Mỗi ngày lấy 1 đến 2 cây nấm để nấu, dùng 1 thìa giấm ngâm nấm để làm gia vị nấu ăn.