Đô thị hoá, di dân, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu… diễn ra nhanh chóng trong khi ý thức phòng chống sốt xuất huyết của người dân còn kém khiến bệnh này chỉ có thể giảm số ca mắc và tử vong chứ không thể loại trừ.
PGS-TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM thừa nhận như vậy tại Hội nghị tập huấn công tác truyền thông và cung cấp thông tin y tế năm 2016 diễn ra tại Bến Tre ngày 18/8. Ông Lân cho biết sốt xuất huyết đã hiện diện ở 128 quốc gia, chủ yếu là Châu Mỹ và Châu Á làm 390 triệu người nhiễm mỗi năm, 3,2% trong số này mắc nặng và có tử vong.
“Singapore được xem là quốc gia sạch nhưng nước này có số ca mắc sốt xuất huyết/ 1000 dân còn cao hơn Việt Nam. Nhật Bản hơn 70 năm chưa hề có bệnh nhưng nay đã xuất hiện ca mắc”- ông Lân nêu.
Trong khi tại Việt Nam, bệnh tập trung ở các tỉnh phía Nam khi nơi đây đã có 20.017 trường hợp mắc chỉ trong 7 tháng đầu năm, làm 11 tử vong. Ông Lân dự báo năm 2018 sẽ xuất hiện một đỉnh dịch về sốt xuất huyết. Từ phân tích của người này cho thấy ở Việt Nam cứ 10 năm sẽ lặp lại chu kỳ dịch bệnh sốt xuất huyết. Chu kỳ dịch sốt xuất huyết được phát hiện đầu tiên vào năm 1987 sau đó xuất hiện vào năm 1997, và vì vậy, dự kiến đến năm 2017 sẽ tăng cao và lên đỉnh dịch vào năm 2018.
Khó loại trừ bệnh sốt xuất huyết bởi nhiều nguyên nhân (Ảnh minh họa).
Dù căn bệnh sốt xuất huyết đáng ngại như vậy nhưng các chuyên gia cảnh báo “không thể loại trừ”, bởi vấn đề xâm nhập mặn, elnino, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, công nghiệp hóa, di dân... khiến bệnh sốt xuất vẫn tồn tại, lây lan và phát triển.
Ông Lân cho rằng ngoài nâng cao ý thức người dân phòng bệnh, diệt lăng quăng và làm sạch môi trường, tất cả các ban ngành phải vào cuộc chứ không thể “giao phó” cho riêng mỗi ngành y tế.