Một người phụ nữ 31 tuổi là vận động viên thường xuyên tập thể dục, không hề hút thuốc nhưng lại mắc phải căn bệnh ung thư phổi. Điều không ai ngờ khi nguyên nhân gây bệnh là thứ mà nhiều người ít ngờ tới.
Racheal Drazan Malmberg, 31 tuổi đang trong kỳ nghỉ lễ Tạ Ơn với gia đình ở Florida vào năm 2016 thì bất ngờ “tai ương” kéo đến. Khi Racheal đang chạy bộ ngoài trời, cô đột nhiên bị đau nhói từ vùng cổ đến xương sườn khiến cô lạnh toát người.
Vốn là một vận động viên nên Rachael đã quen với những cơn đau và khả năng chịu đựng của cô cũng tốt hơn người khác. Tuy nhiên khi mẹ cô nhận thấy con gái dường không thể hoàn thành buổi tập chạy của mình đã thuyết phục cô tới gặp bác sĩ. “Bác sĩ nói rằng tôi đã tập luyện quá sức nên dẫn tới cơn đau”, Rachael nhớ lại. “Tôi biết điều đó không đúng. Tôi không làm gì bất thường khi tập luyện.”
Sau đó, cơn đau càng ngày càng tệ hơn, Rachael bắt đầu đau nhức ở cả dưới cánh tay, cô cũng thấy trên ngực có cục u. Tuy nhiên khi kiểm tra bác sĩ lại nhận định cục u hoàn toàn lành tính. Nhưng khi cơn đau ngày càng nghiêm trọng hơn, bác sĩ của Rachael đã yêu cầu cô không cần kiểm tra MRI ngực nữa mà khuyên cô tới Michigan gặp bác sĩ khác.
“Ngực của tôi không có vấn đề gì nhưng các bác sĩ lại phát hiện khối u trên phổi của tôi” Rachael kể lại. “Tôi cũng chụp CT trong cùng một ngày. Các bác sĩ nhận thấy tôi còn khá trẻ và các triệu chứng ung thư không rõ ràng nên nghi ngờ tôi bị nhiễm trùng cổ họng liên cầu khuẩn là nguyên nhân dẫn tới viêm phổi.”
Rachael sau đó được kê thuốc kháng sinh trong 10 ngày và tiến hành chụp CT để kiểm tra lại khối u. Tuy nhiên trong lần chụp thứ hai, không hề có sự thay đổi ở phổi. Lúc này chính Rachael và các bác sĩ cũng nhận thấy có điểm bất thường nên họ quyết định nội soi phế quản để lấy mẫu sinh thiết, Kết quả cuối cùng khiến gia đình Rachael vô cùng bất ngờ, cô bị chẩn đoán ung thư phổi.
Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ , có khoảng 230.000 người Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi mỗi năm và đó là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Thông thường những người hút thuốc hoặc những người làm việc tại các khu công nghiệp có nguy cơ mắc ung thư phổi cao nhất, nhưng Rachael lại không thuộc hai nhóm trên.
Dù vậy, nguyên nhân cuối cùng cũng được tìm ra đó chính là khí radon – một loại khí phóng xạ không mùi, thấm ra từ đất và đã tích tụ trong căn nhà của Rachael. "Nhà của tôi đã được thử nghiệm với khí radon. Kết quả không những dương tính mà còn ở mức cao hơn bình thường", Rachael cho biết.
Rachael được chẩn đoán bị ung thư biểu mô tuyến và có thể đang ở giai đoạn 1 nên vẫn có cơ hội chữa khỏi. Tuy nhiên kết quả xét nghiệm thêm cho thấy ung thư đã lan đến cả hạch và não. Rachael vô cùng suy sụp nhưng vì là một người mẹ, cô nhanh chóng học cách chấp nhận và đưa ra lựa chọn của mình.
"Tôi nhớ đã ngồi trong phòng chờ trước khi gặp bác sĩ chuyên khoa ung thư và lên mạng để tìm kiếm mọi thông tin. Tôi biết mình sẽ được nghe những gì nên tôi muốn chuẩn bị một chút. Tôi đã chấp nhận nó như ý muốn của Đức Chúa Trời. Tôi sẵn sàng chiến đấu với nó. Tôi chỉ muốn biết bước tiếp theo của tôi là gì?", cô nói.
Sau đó, nữ vận động viên đã được tiến hành xạ trị 2 khối u không hoạt động trong não, phẫu thuật loại bỏ các hạch bạch huyết ở ngực, ở phần thùy trên và giữa phổi phải. Cô được cho dùng thuốc nhằm ngăn chặn sự phát triển ung thư mới. Việc này có tác dụng kiểm soát khối ung thư của cô trong gần 1 năm.
Khi bệnh ung thư không còn là trung tâm chú ý của cô, Rachael dần đặt mối quan tâm của mình vào tương lai. Cô dự định chạy marathon và tiếp tục giáo dục người khác về sự nguy hiểm của khí radon.
Những nguyên nhân khó ngờ có thể gây ung thư phổi
Ung thư phổi thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu, nhưng các triệu chứng có thể bao gồm ho dai dẳng, ho ra máu, mệt mỏi, sụt cân và đau nhức ở ngực, lưng hoặc vai.
Nhiều người cho rằng chỉ có hút thuốc lá mới dẫn tới ung thư phổi, thực tế có những nguyên nhân khác có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này dù bạn có một cuộc sống lành mạnh.
Hút thuốc thụ động
Hít phải khói thuốc lá một cách thụ động cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm ung thư phổi. Một nghiên cứu tại Mỹ kết luận, những người kết hôn với người nghiện thuốc hay trong gia đình có người nghiện thuốc lá có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn 20-30% so với người bình thường.
Người hút thuốc thường hít vào phổi bằng luồng khói chính nhưng chỉ chiếm khoảng 20%, 80% các luồng khói còn lại từ thuốc lá gọi là luồng khói phụ, giữa các lần hít thuốc, thải ra môi trường xung quanh. Luồng khói phụ độc hại gấp nhiều lần luồng khói chính, đây chính là nguyên nhân gây ung thư phổi cho những người hít phải khói thuốc lá thụ động hay trong gia đình có người hút thuốc.
Ung thư phổi do phơi nhiễm
Một số công việc có thể làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Những người phải làm việc trong môi trường có chứa uranium, thạch tín và các hóa chất khác như amiăng (loại chất độc hại trong sản xuất tấm lợp ở Việt Nam) được nhiều quốc gia châu Âu cấm sử dụng do chúng gây bệnh ung thư phổi. Theo các chuyên gia y tế từ Đại học John Hopskin, việc sử dụng amiăng trong sản xuất độc hại, nó có thể gây bệnh khi người bệnh tiếp xúc 20-30 năm trước đó. Amiăng đã bị cấm sử dụng ở 28 quốc gia châu Âu nhưng hiện vẫn được nhiều nước sản xuất và sử dụng trong đó có Việt Nam.
Khí radon gây ung thư phổi
Một trong những loại khí gây ra căn bệnh "tử thần" này nhưng ít được để ý đến là khí radon - một chất khí phóng xạ tự nhiên ở trong lòng đất, phân bố không đều trên bề mặt trái đất. Loại khí này không thể nhìn hay ngửi mà chỉ có thể phát hiện được bằng các dụng cụ đo đạc chuyên nghiệp.
Một đặc điểm dễ nhận ra là loại khí này giải phóng khi mặt đất bị nứt. Nền nhà có vết nứt hay tạo thành các lỗ tiếp xúc với đất là môi trường thuận lợi để khí radon thoát ra. Theo nghiên cứu khí radon là nguyên nhân thứ 2 dẫn đến ung thư phổi ở Mỹ, có khoảng 12% các ca tử vong vì ung thư phổi có liên quan đến tiếp xúc với khí radon.
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra ung thư phổi
Theo WHO, mỗi năm có khoảng 223.000 ca tử vong vì ung thư phổi do ô nhiễm không khí. Mặc dù cơ quan đứng đầu về y tế thế giới nhận định, các trường hợp mắc ung thư phổi do ô nhiễm không khí ít hơn so với hút thuốc lá, nhưng nó cũng chiếm một tỷ lệ cao. Những ô nhiễm từ xe hơi, nhà máy, do cháy rừng, các điều kiện tự nhiên … thường sản sinh ra khói gây ô nhiễm như nitrogen oxide, hay các bụi trong không khí… Chúng gây ra các bệnh bụi phổi hay ung thư phổi.
Các yếu tố nguy cơ khác
Còn rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh ung thư phổi như tiền sử gia đình có người ung thư phổi, nhất là những người thuộc quan hệ cận huyết; sử dụng nguồn nước có nhiễm asen…. Hiện nay còn rất nhiều vấn đề liên quan đến căn bệnh ung thư phổi mà khoa học đang đi tìm câu trả lời như trong nhóm những người không hút thuốc, tỷ lệ phụ nữ mắc ung thư phổi cao hơn so với nam giới hay ở ung thư tuyến- một loại của bệnh ung thư phổi thường xảy ra ở người không hút thuốc….