Lạm dụng kháng sinh: Thương con như thế bằng mười hại con!

Ngày 07/05/2015 08:00 AM (GMT+7)

Các chuyên gia y tế đánh giá rất nhiều trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh dị ứng, hoặc sốc phản vệ chỉ vì cha mẹ cho con dùng kháng sinh tuỳ tiện mỗi khi bị bệnh.

Tự kê toa – tự cho con uống thuốc

Chị H.T.M.C (30 tuổi, Q3) đưa con đến viện khám sau khi bé bị nôn, ói mửa, kèm theo hơi thở khò khè sau hai ngày uống kháng sinh do chị tự mua ở tiệm thuốc gần nhà. Được bác sĩ chẩn đoán con bị dị ứng thuốc kháng sinh, chị mới té ngửa khi biết tự ý mua thuốc kháng sinh, thói quen trước giờ của gia đình, lại có thể dẫn đến trường hợp nặng đe dọa tính mạng.

“Khi có biểu hiện dị ứng thuốc hay khi trẻ có bất kỳ biểu hiện gì lạ sau khi dùng thuốc, phụ huynh cần ngưng thuốc đang sử dụng và đưa trẻ đi khám lại ngay. Đặc biệt khi trẻ có dấu hiệu nặng, phản ứng phản vệ, cần lập tức cho trẻ đi cấp cứu. Đừng quên mang theo toa thuốc và loại thuốc mà trẻ đã dùng để các bác sĩ dễ dàng xác định thuốc nào là “thủ phạm” và có xử trí nhanh chóng, phù hợp.” ThS. BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa hô hấp bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết.

Không tuân thủ liệu trình điều trị kháng sinh – 9 người như một

ThS. BS Trần Anh Tuấn cho biết thêm, ngoài việc tự kê toa, tự cho con uống thuốc thì hiện nay có đến 30% - 60% phụ huynh không tuân thủ điều trị kháng sinh đúng cách, nhất là các liệu trình trên 7 ngày.

Lạm dụng kháng sinh: Thương con như thế bằng mười hại con! - 1

Đừng chủ quan mà cho con uống kháng sinh tùy tiện

Khi được hỏi về lí do không cho con tuân thủ liệu trình điều trị kháng sinh của bác sĩ, rất nhiều bà mẹ đưa ra các nguyên nhân giống nhau. Từ viện cớ thời gian điều trị dài, sợ con uống kháng sinh lâu ngày bị tác dụng phụ; đến ngại vì trẻ còn nhỏ khó cho uống thuốc; hoặc uống được 2-3 ngày, thấy con bớt bệnh thì tự ý ngưng thuốc, hay thấy triệu chứng bệnh không đỡ thì tự ý đổi sang kháng sinh khác.

Trên thực tế, việc sử dụng tuỳ tiện, lạm dụng kháng sinh làm bệnh không hết hẳn, dễ tái phát khiến người bệnh đáp ứng với điều trị kém hơn, tăng thể bệnh nặng và dễ có biến chứng. Từ đó, chi phí bỏ ra tốn kém hơn do phải điều trị, nhập viện, và phải đổi sang kháng sinh khác đắt tiền hơn.

Ở mức độ cao hơn, tình trạng “lờn thuốc” hay còn gọi là đề kháng kháng sinh cũng là hệ quả từ thói quen sử dụng thuốc trên. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Việt Nam nằm trong danh sách các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới.

“Trên thế giới số loại kháng sinh mới được phát triển, đưa vào sử dụng ngày càng ít, trong khi vi khuẩn kháng thuốc càng đáng ngại. Thậm chí, nhiều người bi quan về một viễn cảnh u tối khi vi khuẩn ngày càng nguy hiểm, kháng thuốc nhưng không còn thuốc trị!” ThS. BS Trần Anh Tuấn nhận định.

Kháng sinh có liệu trình điều trị ngắn ngày vẫn hiệu quả

Tuân thủ điều trị là yếu tố then chốt để bệnh khỏi hẳn không chỉ trên lâm sàng mà còn sạch hết vi khuẩn gây bệnh, tránh tái phát, tránh biến chứng, tránh phát sinh vi khuẩn kháng thuốc và tránh tốn kém. Hiện nay, để tránh tình trạng khó tuân thủ liệu trình điều trị kháng sinh của bác sĩ, kháng sinh với liệu trình điều trị ngắn ngày (từ 3 ngày – 5 ngày) đang là một xu hướng mới.

Lạm dụng kháng sinh: Thương con như thế bằng mười hại con! - 2

Tuân thủ điều trị là yếu tố then chốt để giúp chữa lành bệnh

“Điều trị bằng kháng sinh có liệu trình ngắn ngày có nhiều lợi điểm như giúp người bệnh tuân thủ điều trị tốt hơn (và tránh được những hậu quả liên quan đến việc kém tuân thủ điều trị đã nêu trên), hạn chế tác dụng phụ của kháng sinh, tránh tương tác thuốc, ít tốn kém chi phí; giảm nguy cơ đề kháng kháng sinh…” – ThS. BS Trần Anh Tuấn đánh giá.

Ngọc Lan.
Nguồn: [Tên nguồn].