Loại hạt bán đầy chợ, vài chục nghìn mua được cả rổ, được ví là "hạt trường sinh", các chuyên gia khuyên ăn nhiều

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 28/08/2023 14:00 PM (GMT+7)

Rất phổ biến ở Việt Nam, loại hạt này có nhiều dưỡng chất, thậm chí còn sánh ngang với một số loại thịt và được bác sĩ khuyên ăn nhiều.

Tại Việt Nam, lạc hay còn gọi là đậu phộng rất phổ biến, giá cũng không hề đắt đỏ nên ai cũng có thể mua về dùng. Trước đây, khi kinh tế khó khăn, hạt lạc là nguồn thức ăn chính để cung cấp chất béo cho cơ thể. Hiện nay, loại hạt này được bán rất nhiều ngoài chợ nhưng vì một số lý do, người Việt lại ít dùng hơn.

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, hạt lạc không chỉ mang lại nhiều chất béo, mà còn cung cấp rất nhiều dưỡng chất khác như protein, đường, vitamin A, B6, E và khoáng chất phốt pho, canxi, sắt... Thực tế, với những người ăn chay, nguồn cung cấp chất béo thường xuyên nhất chính là các loại hạt, trong đó có hạt lạc.

Hạt lạc giàu chất béo thực vật, mọi người có thể chế biến thành các món ăn để sử dụng. Ảnh minh họa.

Hạt lạc giàu chất béo thực vật, mọi người có thể chế biến thành các món ăn để sử dụng. Ảnh minh họa. 

Bác sĩ Hưng cho biết, nếu đặt lên bàn cân so sánh, lượng chất béo có trong hạt lạc - tức chất béo có nguồn gốc thực vật - tốt hơn so với chất béo có nguồn gốc động vật, nhất là những loại động vật 4 chân như mỡ lợn, mỡ bò… Do vậy, mọi người nên bổ sung lạc trong khẩu phần ăn của mình và tốt nhất, nên ăn lạc nguyên hạt sẽ tốt hơn là đã chế biến thành tinh chất.

Khi ăn lạc nguyên hạt như lạc rang, lạc luộc ngoài chất béo ra, cơ thể còn nhận được nhiều loại dưỡng chất có lợi khác. Tuy nhiên, cũng không nên ăn lạc một cách thái quá vì dễ bị mất cân đối dinh dưỡng, nên bổ sung một cách hợp lý với 3-4 lần ăn/tuần”, bác sĩ Hưng chia sẻ.

Lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông Y Hà Nội) cũng cho rằng, hạt lạc còn được ví là “hạt trường sinh”, vì khi sử dụng nó mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Trong đông y, nhân lạc có tính bình, vị ngọt béo, có tác dụng nhuận phế, hòa vị, trừ đàm, chỉ huyết, chủ yếu dùng để chữa ho khan, ít sữa, thiếu máu, thiếu tiểu cầu, bệnh dạ dày mạn tính, viêm thận mạn, cước khí.

Các nghiên cứu của y học hiện đại cũng chỉ ra rằng, trong 100g lạc có 567 calo; 7% nước; 25,8g protein; 16,1g carbs; 4,7g đường; 8,5g chất xơ; 49,2g chất béo lành mạnh.

Lạc hầm móng giò rất tốt sữa cho chị em sau sinh. Ảnh minh họa.

Lạc hầm móng giò rất tốt sữa cho chị em sau sinh. Ảnh minh họa. 

Cũng vì chiếm lượng lớn chất béo tốt cho cơ thể, khi ăn lạc sẽ có tác dụng tốt cho tim mạch và đại tràng. Đặc biệt trong đông y hạt lạc còn có thể sử dụng làm nhiều món ăn, bài thuốc chữa bệnh rất tốt:

Lạc nấu canh gân bò: Gân chân bò 100g, lạc cả vỏ lụa 100-150g, cùng đem hầm cho nhừ nhuyễn lạc là ăn được. Bài thuốc này có tác dụng bổ huyết khí. Hoặc cũng có thế dùng xương sống lợn hầm lạc cả vỏ lụa, ngày dùng một lần cũng có tác dụng sinh huyết, bổ huyết.

Phụ nữ sau sinh có thể dùng lạc cả vỏ lụa, nấm hương, chân giò hầm nhừ ngày ăn 1-2 ngày/lần để có nhiều sữa.

Người đau dạ dày, tá tràng có thể dùng lạc nhân 30g, ngâm nước 30 phút sau đó giã nát, rồi cho 200ml mật ong vào trộn đều, uống trước khi ngủ.

Dù có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe nhưng khi ăn lạc cũng cần lưu ý một số điều:

- Không cho trẻ nhỏ ăn lạc vì dễ bị đi vào đường thở, nguy hiểm đến tính mạng.

- Người có chứng khó tiêu cũng không nên ăn vì lạc chứa nhiều chất đạm và protein.

- Khi mua lưu ý lựa chọn kỹ lạc, tuyệt đối không ăn hạt lạc mốc vì dễ ung thư.

Loại hạt ở Nhật đắt hơn thịt nhưng người Việt coi như đồ bỏ đi, ngại ăn vì lý do tế nhị
Dù có nhiều tác dụng và được người Nhật nhập khẩu, bán với giá cao nhưng loại hạt có rất nhiều ở Việt Nam này lại ít được chúng ta coi trọng.

Lương y Bùi Đắc Sáng

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An toàn thực phẩm