Không chỉ có tác dụng giải nhiệt cơ thể, loại hạt được ví như “vàng đen” mùa hè này còn cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất nhưng cần lưu ý khi chế biến.
Đậu đen lâu nay vẫn được người dân dùng làm thực phẩm kết hợp để làm xôi, làm bánh hoặc chế biến thành đồ uống, phổ biến nhất là chè đậu đen. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đậu đen có rất nhiều vitamin, giàu sắt, tốt cho máu, giúp cải thiện sắc tố da.
Trong mùa hè, cũng là mùa thu hoạch đậu đen, cách chế biến được nhiều người áp dụng nhất là nấu nước đậu đen (chè đậu đen), cho thêm mật hoặc đường, để nguội và sử dụng. Loại nước này được cho là có tác dụng giải nhiệt rất tốt cho cơ thể. Hay cũng có nhiều người chia sẻ công thức dùng đậu đen, đậu xanh, đậu nành và mật ong kết hợp để cho ra một loại nước “thần thánh” giúp bồi bổ cơ thể.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những cách nấu trên chưa thật sự mang lại tác dụng giải nhiệt tốt cho cơ thể, thậm chí nếu “bon miệng” dùng nhiều còn có nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Cách dùng tốt nhất để giải nhiệt là rang đậu đen rồi pha nước uống, không nên cho thêm đường. (Ảnh minh họa)
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, đậu đen mang lại nhiều tác dụng với sức khỏe, khi sử dụng có thể dùng “độc vị” hoặc kết hợp với các loại thực phẩm khác. Tuy nhiên, bà Lâm khuyên nếu dùng đậu đen để nấu nước uống thì chỉ nên dùng một loại thực phẩm này sẽ mang lại nhiều giá trị cho sức khỏe hơn là kết hợp.
“Khi sử dụng, mọi người có thể dùng đậu đen rang chín thơm, sau đó đun (hãm nước sôi) rồi dùng nước uống. Uống như vậy giúp cơ thể vừa thanh mát, lại nhận được nhiều vitamin, khoáng chất từ loại hạt này”, bác sĩ Lâm cho hay.
Theo bác sĩ Lâm, việc mọi người kết hợp với nhiều thực phẩm khác, nhất là đường hay mật mía, mật ong sẽ khiến năng lượng trong cốc nước đỗ đen tăng lên nhiều lần, trong khi dùng đồ quá ngọt sẽ khiến cơ thể sinh nhiệt và nóng hơn. Đáng cảnh báo hơn, việc dùng nhiều đồ ngọt còn khiến chúng ta dễ có nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính khác, gây tăng cân, tạo áp lực cho gan... Bạn có thể còn dễ chán ăn nếu uống nước đậu đen pha thêm đường ngay trước bữa ăn.
“Mọi người có thể cho thêm đồ ngọt vào nước đậu đen, nhưng chỉ với lượng rất ít để kích thích vị giác. Dưới góc độ dinh dưỡng, chúng tôi khuyến cáo không nên ăn nhiều đồ ngọt”, bác sĩ Lâm khuyên.
Thói quen cho thêm đường khi nấu nước đậu đen vô tình có thể gây hại cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Lương y đa khoa Vũ Quốc Trung cho biết, đậu đen được ví như “vàng đen” mùa hè vì ngoài giải nhiệt tốt, chúng còn có hàm lượng dinh dưỡng khá cao. Cụ thể, trong 100 gam đậu đen chứa 24,4 gam protein, 1,7 gam lipid, 53,3 gam glucid và rất nhiều axit amin thiết yếu cho cơ thể như vitamin A, B1, B2,… Do có nhiều dinh dưỡng, ít chất béo nên có thể dùng đậu đen được cho nhiều đối tượng, thậm chí người cao huyết áp, tiểu đường cũng có thể dùng được nhưng cần lưu ý không cho thêm đường.
Người lớn, trẻ nhỏ thường xuyên bị táo bón nên dùng nước đậu đen để có tác dụng bổ gan thận. Người huyết áp cao suy nhược cơ thể dùng đậu đen cũng rất tốt. Người bị nóng trong phá nhiệt ra ngoài nên dùng đậu đen để thanh nhiệt và có làn da mịn màng.
Người mắc bệnh viêm đại tràng, người tùy vị hư người đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy, tiêu hóa kém không dùng đậu đen. Trong trường hợp muốn dùng thì nên rang hạt đậu đen để nấu nước uống và dùng với số lượng ít.
Ông Trung lưu ý, mọi người khi dùng đậu đen dù theo cách nào thì cũng không nên ăn sống, ngoài ra cũng chỉ nên dùng số lượng có hạn vì loại hạt này nhiều sắt, dùng nhiều có thể gây dư sắt trong cơ thể.