Tiêm các vắc-xin phòng cúm, sởi… đầy đủ là giải pháp hiệu quả, giúp lấp đầy khoảng trống miễn dịch, tạo ra miễn dịch chủ động, giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh cũng như các biến chứng nặng cho trẻ.
Nguy cơ dịch chồng dịch trong mùa đông xuân
Sở Y tế TP. HCM vừa cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi chồng lên các dịch bệnh hiện hữu là sốt xuất huyết và COVID-19, nguyên nhân là do gián đoạn cung ứng 2 loại vắc-xin sởi đơn và vắc-xin DPT (vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván) trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bên cạnh đó, tình hình trẻ nhập viện do mắc Adenovirus gia tăng đáng báo động. Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận hơn 3130 ca mắc Adenovirus từ đầu năm đến nay, trong đó có 9 ca tử vong, bao gồm bệnh nhi 13 tháng tuổi không có tiền sử bệnh nền.
Từ đầu tháng 9 đến nay, BV Nhi đồng Thành phố đã tiếp nhận 1500-2000 trẻ mắc các bệnh hô hấp đến thăm khám với 300-350 trẻ nhập viện.
Theo Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế, hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A và cúm B). Hàng năm Việt Nam vẫn ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa, số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân. Từ tháng 5-2022, số mắc cúm A tăng cao ở thành phố Hà Nội, tập trung nhiều nhất ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi (44,1%); các trường hợp chỉ định nhập viện chủ yếu là trẻ em, phụ nữ có thai, , người có bệnh nền. Chiều 27/10, Sở Y tế Bắc Kạn bước đầu xác định đợt dịch cúm B đang xảy ra trên địa bàn, nhưng không loại trừ bệnh khác như adenovirus, sau khi ghi nhận gần 700 học sinh bị sốt. Trong đợt cúm này có một trẻ tử vong nên người dân hoang mang. Thực tế mọi năm, từ khoảng tháng 9 cũng xuất hiện nhiều trường hợp bị cúm, riêng năm nay thì số ca tăng gấp đôi.
Yếu tố nguy cơ khiến trẻ nhỏ dễ mắc cúm trong mùa đông xuân
Trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi có hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện, các kháng thể do mẹ truyền sang trẻ cũng giảm dần, cùng với thói quen đưa mọi thứ vào miệng và chưa có ý thức đeo khẩu trang, che miệng khi hắt hơi, ho… khiến virus cúm và các vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, khiến trẻ nhiễm bệnh thường xuyên.
Khi trẻ trở lại sinh hoạt chung trong nhà trẻ, trường lớp có mật độ đông đúc, trẻ sẽ dễ bị lây nhiễm và mắc bệnh cúm. Thời tiết mưa nắng thất thường và các đợt không khí lạnh trong mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển và lan truyền.
Vì vậy WHO khuyến cáo trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi cần được tiêm vắc-xin cúm hàng năm để giúp phòng nhiễm bệnh và tránh lây nhiễm cho người thân, đặc biệt là người cao tuổi và người có bệnh nền trong gia đình.
Chị Nguyễn Thị Mận, 32 tuổi, Quận 9, TP. HCM chia sẻ: "Bé gái nhà tôi 2 tuổi đi nhà trẻ chưa được 1 tháng mà cảm cúm phải nghỉ học ở nhà đến 2 tuần. Bé bệnh bỏ ăn khóc quấy đã đành, còn lây cho cả nhà lần lượt từ mẹ, ba rồi đến cả bà. Cả nhà cứ ho sốt xoành xoạch hơn 2 tuần nay. Sau đợt này, chờ cả nhà khoẻ hẳn, tôi sẽ đặt lịch để tiêm phòng vắc-xin cúm cho cả nhà, nhất là bé để yên tâm hơn khi bé đến lớp".
Tác động của cúm mùa đến trẻ em
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), nếu trẻ bị cúm, virus cúm sẽ tấn công cơ thể sớm nhất là một ngày trước khi các triệu chứng phát triển và có thể kéo dài lên đến 5 đến 7 ngày sau đó.
Cúm mùa có khả năng lây nhiễm qua đường hô hấp, qua các giọt bắn nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Để giảm sự lây lan cho trẻ khác, bố mẹ nên cho trẻ nhiễm cúm nghỉ học và theo dõi chăm sóc tại nhà, phát hiện kịp thời dấu hiệu nặng.
Các biến chứng bệnh cúm gồm viêm thanh khí phế quản (trẻ dưới 5 tuổi), viêm phổi, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm não, trong đó nguyên nhân tử vong chủ yếu do viêm phổi bội nhiễm vi khuẩn, suy tim.
Trẻ bị cúm có thể chăm sóc tại nhà, tuy nhiên người nhà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay nếu có các dấu hiệu sau: khó thở, môi tím tái, nôn ói nhiều; mất nước (giảm đi tiểu, khô môi); sốt cao co giật…
Tiêm phòng cúm giúp bảo vệ trẻ trước nguy cơ nhiều dịch bệnh bùng phát
Những triệu chứng ban đầu của cúm khá tương đồng với các bênh lý như sốt xuất huyết, nhiễm adenovirus hoặc COVID-19… nên có thể gây nhầm lẫn trong chẩn đoán và chậm trễ điều trị.
Ngoài các biện pháp vệ sinh thông thường như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy, phòng muỗi đốt…, bố mẹ cần chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng vắc-xin cúm càng sớm càng tốt để tăng cường hệ miễn dịch.
Theo Bác sĩ Nguyễn Phúc Thùy Dương - Bác sĩ Đa Khoa chuyên ngành Nhi, Nguyên BS khoa cấp cứu BV Nhi đồng 2, Phòng khám Đa khoa Trần Diệp Khanh, tiêm phòng cúm hàng năm giúp gia tăng bảo vệ và giảm hơn 70% nguy cơ tử vong đối với trẻ em. Vắc-xin cúm là một trong những loại vắc-xin ít tác dụng phụ nhất và có hiệu quả bảo vệ trong 6 đến 12 tháng.
Virus cúm thường biến đổi hàng năm, do vậy mỗi năm WHO sẽ dự báo chủng cúm có khả năng lưu hành để cập nhật vào các vắc-xin cúm nhằm đảm bảo hiệu quả bảo vệ cho trẻ được tiêm. Chính vì vậy, bố mẹ cần tiêm phòng cúm định kỳ mỗi năm cho trẻ.
Hiện nay đã có vắc-xin cúm tứ giá bao gồm cả 4 chủng cúm (gồm 2 chủng cúm A và 2 chủng cúm B) đã được lưu hành trong mùa đông xuân 2022-2023.
Tiêm vắc-xin cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi là giải pháp hiệu quả, an toàn và kinh tế để chủ động bảo vệ trẻ và gia đình trong thời điểm dịch chồng dịch hiện nay.
Theo Bác sĩ Nguyễn Phúc Thùy Dương - Bác sĩ Đa Khoa chuyên ngành Nhi, Nguyên BS khoa cấp cứu BV Nhi đồng 2, Phòng khám Đa khoa Trần Diệp Khanh
Tiêm phòng cúm trong giai đoạn hiện tại rất quan trọng. Trẻ từ 6 tháng tuổi, người lớn, người cao tuổi và người có bệnh nền, nên đến các trung tâm tiêm chủng, trung tâm y tế dự phòng gần nhất để tiêm vắc-xin cúm hàng năm nhằm bảo vệ bản thân và gia đình. Để hiểu thêm về tầm quan trọng của tiêm phòng cúm, độc giả có thể truy cập: acare.abbott.vn |