Vừng từng là món ăn kèm với cơm nắm để cứu đói cho người Việt thời kỳ khó khăn. Nay nó ít được sử dụng hơn nhưng đó lại chính là vị thuốc quý cho sức khỏe.
Trẻ nhỏ và người già là hai đối tượng rất cần canxi. Với trẻ em, chúng cần canxi cho sự tăng trưởng và phát triển chiều cao, còn với người cao tuổi thì việc cung cấp đủ canxi sẽ giảm bớt nguy cơ thoái hóa xương khớp. Nhưng để cơ thể có thể hấp thụ canxi tốt hơn, còn cần cung cấp đủ protein cho cơ thể.
Thay vì chỉ sử dụng mỗi sữa để bổ sung canxi, có một loại thực phẩm khác rẻ tiền hơn rất nhiều mà vừa giúp tăng cường canxi, thậm chí còn nhiều hơn sữa lại cung cấp cả protein, đó chính là vừng. Người Việt xưa khi còn nghèo khó thường chỉ ăn cơm nắm với muối vừng hoặc vừng không, nên vừng chỉ được xem là món ăn nhà nghèo.
Ngày nay, cuộc sống đủ đầy hơn, mọi người có cơ hội ăn nhiều của ngon vật lạ nên cũng dần lãng quên đi vừng. Nhưng vừng không chỉ là món ăn cứu đói lúc khốn khó mà nó còn là vị thuốc quý cho sức khỏe.
Món cơm nắm muối vừng từng là món ăn của một thời thiếu thốn. (Ảnh minh họa)
Vừng rất giàu protein, hàm lượng siêu phong phú, protein thậm chí còn gấp ba lần đậu phụ, mọi người nên ăn vừng để bổ sung protein và canxi giúp người già phòng ngừa teo cơ, suy xương, rụng tóc, khô da, trẻ nhỏ ăn vào càng thêm cao lớn.
Ngoài ra, vừng còn chứa nhiều thành phần dinh dưỡng đa dạng khác như chất xơ, vitamin B, E và các khoáng chất vi lượng khác như kali, magie, kẽm, sắt,... đều rất cần thiết cho cơ thể. Theo quan điểm của y học Trung Quốc, chất sắt chứa trong hạt vừng còn có thể tăng cường sinh lực cho thận, đồng thời cũng rất hiệu quả trong việc cải thiện chứng mất ngủ, rụng tóc và cân bằng nội tiết tố thời kỳ mãn kinh.
Sau đây là những lợi ích nổi bật của vừng mà mọi người không nên bỏ qua.
Hàm lượng protein trong vừng siêu phong phú, thậm chí gấp 3 lần đậu phụ
Protein hay chất đạm là một trong ba chất dinh dưỡng chính, là nguyên liệu quan trọng để cấu tạo nên cơ, xương, da, tóc, móng… của con người. Ngoài ra, protein còn là chất đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các kháng thể miễn dịch hoạt động, bảo vệ cơ thể khỏi mầm bệnh. Mặc dù chất đạm có thể được bổ sung từ nhiều loại thực phẩm nhưng khuyến khích nhất là vừng, cứ 100 gam vừng thì có 20 gam đạm, gấp 3 lần so với đậu phụ.
Giàu canxi hơn sữa, chứa magie, mangan, kẽm,... giúp bảo vệ sức khỏe của xương
Vừng chứa những khoáng chất gì? Thứ nhất đó là canxi, là thành phần chính của xương, khối lượng xương hay mật độ xương phụ thuộc vào nồng độ canxi trong xương. Chỉ 100 gam hạt vừng cung cấp một lượng canxi khổng lồ là 975 miligam. So sánh điều này với sữa và bạn sẽ thấy rằng 100 ml sữa chỉ cung cấp 125 miligam.
Thứ hai, magiê có thể giúp canxi tồn tại trong cơ thể và được hấp thụ một cách chính xác, nếu bạn bổ sung đủ magiê, xương của bạn sẽ luôn chắc khỏe. Cuối cùng, vừng còn có mangan giúp hình thành và củng cố sụn, và kẽm giúp chuyển hóa xương và các enzyme.
Ngoài ra, nếu hàm lượng vitamin D thấp, canxi sẽ không thể hình thành xương, vì vậy cũng nên ăn cá hồi và cá mòi có chứa vitamin D.
Giàu chất xơ cải thiện táo bón
Trung bình cứ 30 gam vừng có chứa 3,5 gam chất xơ, chiếm 12% lượng tham khảo hàng ngày cho người lớn. Nó không chỉ giúp ích cho sức khỏe đường tiêu hóa mà còn có thể giảm thiểu bệnh tim mạch, ung thư và tiểu đường tuýp 2, đồng thời còn có thể giúp đại tiện và cải thiện tình trạng táo bón.
Có thể làm giảm cholesterol và chất béo trung tính
Các nghiên cứu cho thấy rằng ăn vừng thường xuyên có thể làm giảm cholesterol và chất béo trung tính, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trong vừng gồm 15% chất béo bão hòa, 41% chất béo không bão hòa đa và 39% chất béo không bão hòa đơn. Trong số đó, chất béo không bão hòa đa có thể làm giảm cholesterol, ngoài ra hợp chất thực vật lignans và sterol dồi dào trong vừng cũng có tác dụng tương tự.
Giảm khả năng bạc tóc và rụng tóc, giúp ngủ ngon
Hàm lượng sắt cao trong vừng có thể giúp các chị em bổ sung lượng sắt dễ bị mất đi, giảm khả năng tóc bạc và rụng tóc, hàm lượng magie cao trong các chất dinh dưỡng trong vừng có thể giúp hạ huyết áp, ổn định căng thẳng và giúp cải thiện giấc ngủ.
Chống oxy hóa, giúp hạ huyết áp
Lignans, vitamin E và các thành phần chống oxy hóa khác trong vừng còn có thể giúp ngăn ngừa xơ cứng động mạch, đồng thời giúp chống lại quá trình oxy hóa và loại bỏ các gốc tự do trong mạch máu. Hơn nữa, vừng cũng khá giàu protein, là nguồn dinh dưỡng tốt cho chế độ ăn thuần chay và bổ sung protein cho người ăn chay.
Giảm viêm cho cơ thể
Tình trạng viêm của cơ thể về lâu dài có thể làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính, bao gồm béo phì, ung thư, bệnh tim và thận. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mỗi ngày ăn 6 gam vừng, hạt lanh và hạt bí ngô có thể làm giảm hiệu quả các triệu chứng viêm nhiễm trong cơ thể.
Giúp kiểm soát lượng đường trong máu
Hạt vừng rất giàu protein và chất béo lành mạnh có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Ngoài ra, các hợp chất trong hạt vừng có chứa pinoresinol, có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách ức chế hoạt động của enzyme tiêu hóa maltase.
Tăng cường khả năng miễn dịch
Các chất dinh dưỡng khác nhau có trong vừng là nguồn dinh dưỡng rất quan trọng cho hệ thống miễn dịch, bao gồm kẽm, đồng, sắt, vitamin B6 và vitamin E. Trong số đó, kẽm có thể giúp kích hoạt các tế bào bạch cầu và giúp cơ thể tăng cường khả năng miễn dịch.
Giúp cân bằng nội tiết tố thời kỳ mãn kinh
Vừng có chứa phytoestrogen, có thể giúp cải thiện các cơn bốc hỏa và các triệu chứng suy giảm estrogen ở phụ nữ mãn kinh. Nghiền vừng với đậu nành để làm sữa đậu nành mè, hoặc uống vừng trực tiếp.