Do số bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý nền mắc COVID-19 đợt này nhiều nên các trường hợp nặng, nguy kịch cũng gia tăng.
Tính đến 6 giờ sáng ngày 3/8, Việt Nam đã ghi nhận 621 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Điều đáng nói, trong đợt dịch COVID-19 lần này (từ 25/7 đến nay) số ca mắc và tốc độ lây nhiễm tăng nhanh, số bệnh nhân nặng cũng nhiều hơn những đợt trước đó.
PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị COVID-19 cho biết, trong số 621 ca mắc có:
+ 13 bệnh nhân nguy kịch, thở máy xâm nhập, điều trị tích cực ICU, ECMO;
+ 20 trường hợp bệnh nhân tiên lượng nặng.
Bên cạnh đó đã có 373 ca chữa khỏi (chiếm 60%); 6 ca tử vong, chiếm (1%), 23% các ca không có biểu hiện lâm sàng.
Hiện nước ta vẫn còn nhiều bệnh nhân nguy kịch, nặng đang điều trị.
Trong số 13 bệnh nhân nguy kịch và 20 trường hợp nặng đang được điều trị tại các bệnh viện như Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, nhóm 13 bệnh nhân nguy kịch có 6 người phải thở máy xâm nhập, điều trị tích cực và can thiệp ECMO
Nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất số ca tử vong, PGS Khuê cho biết hiện các bác sĩ giỏi đã được huy động để điều trị cho các bệnh nhân nguy kịch, nặng. Đa số bệnh nhân nguy kịch đều ở nhóm người cao tuổi, có bệnh lý nền phức tạp, nên mọi diễn biến rất khó lường.
Cũng liên quan đến vấn đề điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa có công văn gửi Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM về việc hỗ trợ đào tạo và trực tiếp tham gia điều trị người bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Hiện tại, tỉnh Quảng Nam có 3 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế hoặc trực thuộc tỉnh đang điều trị bệnh nhân, đó là: Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh Quảng Nam (điều trị 10 ca), Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam (hiện điều trị 16 ca), Bệnh viện đa khoa Khu vực Miền núi phía Bắc tỉnh Quảng Nam (1 ca).