Không chỉ bệnh viện, mầm bệnh đã vào cộng đồng, chuyên gia cảnh báo: Không cho ai đến nhà mình

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 02/08/2020 17:58 PM (GMT+7)

PGS Trần Như Dương cho rằng, tại Đà Nẵng dịch bệnh không chỉ ở trong bệnh viện, hiện đã ghi nhận các ca bệnh ở cộng đồng, đây là điều hết sức nguy hiểm.

Theo thông tin từ Sở Y tế TP. Đà Nẵng, trong tổng số các trường hợp mắc COVID-19 tại thành phố này, có 6 ca lây nhiễm trong cộng đồng không liên quan gì đến ổ dịch tại các bệnh viện. Trong số 6 bệnh nhân đó có 2 trường hợp ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang.

Nhằm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh tại huyện Hòa Vang, ngày 2/8, PGS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đội trưởng Đội điều tra giám sát dịch của Bộ Y tế đã có mặt tại địa phương này để chỉ đạo công tác điều tra, giám sát dịch bệnh.

Sau khi nghe báo cáo tình hình dịch bệnh, PGS Dương nhận định, tình hình dịch bệnh rất nguy hiểm vì tính đến thời điểm này chưa hề có manh mối, không có nguồn lây, không có dấu vết. “Mầm bệnh đã chui vào cộng đồng, nguy cơ sẽ lan sang cả làng, cả xã rất cao. Chúng ta phải rốt ráo, thần tốc cách ly F1”, PGS Dương chỉ đạo.

Không chỉ bệnh viện, mầm bệnh đã vào cộng đồng, chuyên gia cảnh báo: Không cho ai đến nhà mình - 1

PGS Trần Như Dương trực tiếp xuống khu vực có người mắc COVID-19 trong cộng đồng để tuyên truyền người dân.

Ngoài ra, để ngăn chặn mầm dịch còn tiềm ẩn và nguy cơ lây lan ra cộng đồng, PGS Dương cho biết, chính quyền địa phương phải tuyên truyền người dân đeo khẩu trang, ngôi yên một chỗ, thậm chí cán bộ phải ngồi ngay tại cổng để giám sát, sau đó mới tiến hành điều tra dịch tễ.

Vấn đề trước mắt, PGS Dương cho rằng phải thành lập ngay tổ COVID-19 cộng đồng, phân công cụ thể mỗi tổ phụ trách bao nhiêu gia đình, điều này vô cùng quan trọng. “Tổ COVID-19 cộng đồng sẽ phải tuyên truyền cho người dân không gặp nhau, không ai đến nhà ai, không cho ai đến nhà mình”, PGS Dương nói.

Các tổ COVID-19 phải giám sát chặt chẽ, khi phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu sốt, ho, có đờm, chán ăn phải báo cáo để lấy mẫu đưa đi xét nghiệm. “Người dân sinh sống trên địa bàn có người nhiễm COVID-19 phải thường xuyên đo nhiệt độ. Nếu có dấu hiệu phải đưa đi cách ly khẩn trương. Việc lây lan trong cộng đồng cực kỳ nguy hiểm”, PGS Dương chỉ đạo.

Không chỉ bệnh viện, mầm bệnh đã vào cộng đồng, chuyên gia cảnh báo: Không cho ai đến nhà mình - 2

GS Nguyễn Thanh Long chủ trì buổi giao ban trực tuyến với 63 Sở Y tế trên cả nước.

Trước đó, trong buổi giao ban trực tuyến với lãnh đạo các Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và sáng 2/8, GS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, có khoảng 1,4 triệu người đã từng đi đến Đà Nẵng trong 1 tháng qua (1-29/7), riêng với khu vực 3 bệnh viện thì có tới 800.000 lượt người đến đây. “Mức độ được đánh giá cần phải hết sức quan tâm”, Quyền Bộ trưởng nói.

Để ứng phó một cách nhanh nhất tình hình dịch ở Đà Nẵng, Bộ Y tế đã “tung” một lực lượng rất lớn chưa từng có trong tiền lệ. Ngay khi phát hiện ra ca bệnh đầu tiên, Bộ Y tế đã cử những đoàn tinh nhuệ nhất, có kinh nghiệm chuyên môn cao nhất trên nhiều lĩnh vực từ điều trị, xét nghiệm, truy vết, điều tra dịch tễ, truyền nhiễm... vào Đà Nẵng.

“Vụ dịch lần này tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước. Đó là lý do khiến Bộ Y tế đã hành động quyết liệt như vậy” – Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Cũng tại buổi giao ban, Quyền Bộ trưởng đề nghị các địa phương, dù có thể chưa có ca nghi nhiễm, ca nhiễm nhưng phải chuẩn bị đồng bộ, kỹ lưỡng, sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống dịch, để làm sao khi có ca bệnh thì sẽ triển khai ứng phó một cách nhanh nhất, không bị lúng túng.

Thêm 2 trường hợp mắc COVID-19 tử vong, đó là bệnh nhân 524 và 475
Bộ Y tế vừa phát đi thông báo, Việt Nam có thêm 2 ca mắc COVID-19 tử vong, đây là bệnh nhân có kèm theo các bệnh lý nền nặng từ trước đó.
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19