Đôi khi những bất thường ở nước tiểu lại là những dấu hiệu cảnh báo bệnh mà nhiều người bỏ qua, chỉ đến khi quá nặng họ mới đi khám thì đã quá muộn.
Mới đây, chị Nguyễn Thị L. (37 tuổi, Văn Lâm, Hưng Yên) phát hiện đi tiểu có ra nước màu vàng, đôi khi lại có váng nổi lên hơi đục đục. Tuy nhiên, những biểu hiện này không xuất hiện thường xuyên, mà chỉ thỉnh thoảng mới gặp. Chính vì thế chị L. chủ quan cho rằng, do uống nước lá nên bị như vậy.
Bẵng đi một thời gian, ngoài bị những hiện tượng như trên, chị L. xuất hiện thêm tình trạng đau bụng dưới dữ dội. Khi chị đến cơ sở y tế địa phương khám, các bác sĩ cho rằng chị bị rối loạn kinh nguyệt nên cho thuốc về nhà điều trị.
Sau khi uống hết thuốc theo đơn bác sĩ kê, chị L. thấy bệnh không hề thuyên giảm, mà còn xuất hiện thêm biểu hiện tiểu rắt, tiểu buốt và đau lưng. Quá lo lắng, chị L. đã lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương kiểm tra, tại đây các bác sĩ kết luận chị bị viêm niệu đạo do Chlamydia và có chỉ định phải điều trị ngay.
Màu nước tiểu cảnh báo nhiều căn bệnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức (Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình) cho biết, chlamydia là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến. Bệnh này dễ lây lan vì nó thường không gây triệu chứng và có thể vô tình truyền cho bạn tình. Trong thực tế, khoảng 75% các bệnh nhiễm trùng ở phụ nữ và 50% ở nam giới không có triệu chứng.
Đối với các bệnh nhân khi mắc chlamydia nếu không được điều trị, có thể gây ra bệnh viêm vùng chậu, có thể dẫn đến tổn thương ống dẫn trứng (ống nối từ buồng trứng đến tử cung) hoặc gây ra vô sinh.
Ngoài ra cũng có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Hơn nữa, chlamydia có thể gây sinh non và nhiễm trùng truyền từ mẹ sang con trong khi sinh, gây nhiễm trùng mắt, mù lòa, hoặc viêm phổi ở trẻ sơ sinh.
PGS Đức cũng cho biết, đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường khi đi tiểu, đặc biệt là hiện tượng tiểu ra máu, có mùi và màu lạ cần phải đi khám ngay lập tức. Vì ngoài việc có nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa, chị em còn có thể mắc các bệnh về thận – tiết niệu, bàng quang.
Thực tế, đã có trường hợp khi bị đi tiểu ra máu đi khám thì phát hiện mắc ung thư bàng quang. Ví dụ điển hình là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Ư. (71 tuổi, ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).
Bệnh nhân Ư. sau khi bị đi tiểu ra máu đã phát hiện mắc ung thư bàng quang.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Ư. cho biết: “Tôi bắt đầu cảm thấy có điều bất thường khi bị đi tiểu ra nước màu đỏ như máu, nhưng đi khám ở trạm y tế họ lại nói tôi bị viêm đường tiết niệu, uống hết thuốc bác sĩ kê mà chẳng thấy đỡ.
Sau đó, vì quá đau đớn tôi ra một phòng khám tư ở Đồng Văn (Hà Nam) chụp chiếu, tại đây bác sĩ nghi là có u bàng quang. Họ nói do không có điều kiện máy móc nên giới thiệu tôi lên Bệnh viện Việt Đức kiểm tra và phát hiện mắc bệnh ung thư bàng quang”.
Bác sỹ Lê Học Đăng (Khoa Phẫu thuật Tiết niệu- Bệnh viện Việt Đức) cho biết, bệnh nhân Ư. nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, đái ra máu, đau hạ vị, nghi có u bàng quàng. Sau khi hội chẩn các bác sĩ thống nhất, hướng điều trị là cắt u bàng quang và điều trị hóa chất. Tiên lượng bệnh của bệnh nhân là nặng.
Từ những trường hợp trên, các chuyên gia cảnh báo, người dân không nên chủ quan với bất kỳ biểu hiện bất thường nào trên cơ thể dù chỉ là thoáng qua. Vì đôi khi, những dấu hiệu đó đang cảnh báo về một căn bệnh nào đó. Điển hình như khi thấy màu của nước tiểu bất thường, mọi người hãy nghĩ đến các bệnh liên quan đến phụ khoa và tiết niệu…