Người đàn ông suýt mù vì dùng mẹo chữa tổn thương da, bác sĩ chỉ cách nhận biết bệnh zona thần kinh đúng nhất

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 11/01/2024 11:16 AM (GMT+7)

Mắc căn bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng do điều trị sai cách, nhiều người đã phải chịu những biến chứng, tổn thương nặng nề.

BSCK II Nguyễn Tiến Thành (thành viên Hội Da liễu Việt Nam) cho biết, gần đây đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng do điều trị zona thần kinh (mỗi tháng gặp khoảng 10 trường hợp). Đáng chú ý là nhiều trường hợp bị biến chứng nặng ở vùng mắt, vùng ngực do điều trị sai cách, điều trị theo bài thuốc dân gian như đắp lá, bôi thuốc không rõ nguồn gốc…

Gần đây nhất, bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân T.T.T (45 tuổi, ở Hà Nội) đến khám với tình trạng đám mụn nước một bên trán sưng đỏ, lan rộng xuống hố mắt, sống mũi, mắt phải bỗng dưng mờ hơn trước. Qua thăm khám, bác sĩ hướng đến chẩn đoán bệnh zona thần kinh.

Dùng mẹo đắp đậu xanh để chữa bệnh có thể để lại biến chứng. Ảnh minh họa.

Dùng mẹo đắp đậu xanh để chữa bệnh có thể để lại biến chứng. Ảnh minh họa. 

Theo chia sẻ của người bệnh, trước khi đi khám 5 ngày, anh có những tổn thương ở vùng mặt nhưng nghĩ bị “giời leo” nên điều trị theo cách ông bà hay làm là giã nát đậu xanh và đắp lên các nốt mụn nước. Tuy nhiên sau đó, các vết lở nặng hơn, bệnh nhân đau nhức nhiều bèn tiếp tục làm theo lời khuyên là dùng gói bột vệ sinh phụ nữ để đắp lên vùng tổn thương. Hai ngày sau, anh thấy sưng nề, đau nhức không chịu được, không mở được mắt mới đi khám.

Bác sĩ Tiến Thành cho biết, do điều trị sai cách khi bị zona thần kinh, bệnh nhân bị nhiễm khuẩn, vùng da trán sưng nề, giác mạc bị tổn thương, nguy cơ bị sẹo giác mạc, giảm thị lực nếu để lâu không điều trị sớm. Bệnh nhân được  dùng kháng sinh, thuốc ức chế virus, thuốc giảm đau, chăm sóc tại chỗ, chiếu laser để giảm nề, giảm đỏ.

Theo bác sĩ Thành, zona thần kinh là một bệnh phổ biến, người dân thường nhầm lẫn với viêm da tiếp xúc do côn trùng, cơn đau thắt ngực (bệnh lý tim mạch), đau nửa đầu… Hầu hết bệnh nhân đến khám muộn, khi đã gặp những biến chứng nặng nề, phải điều trị và phục hồi rất lâu.

Về dấu hiệu của bệnh, bác sĩ Thành cho biết, trước khi xuất hiện tổn thương 2-3 ngày, người bệnh thường có biểu hiện rát rấm rứt, đau vùng sắp mọc tổn thương kèm theo triệu chứng toàn thân ít hoặc nhiều như mệt mỏi, đau đầu…

Tổn thương cơ bản của zona thần kinh thường thường bắt đầu là các mảng đỏ, nề nhẹ, gờ cao hơn mặt da, hình tròn, bầu dục lần lượt nổi dọc dây thần kinh… Trước hoặc cùng với mọc tổn thương, ở da thường nổi hạch sưng và đau ở vùng tương ứng. Đây chính là những dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán bệnh.

Bác sĩ Tiến Thành cho biết, rất nhiều người nhầm lẫn zona thần kinh với bệnh khác, từ đó dẫn tới việc điều trị sai cách. Ảnh minh họa.

Bác sĩ Tiến Thành cho biết, rất nhiều người nhầm lẫn zona thần kinh với bệnh khác, từ đó dẫn tới việc điều trị sai cách. Ảnh minh họa. 

Thời gian tốt nhất điều trị bệnh là trong vòng 72 giờ, sau khi có tổn thương da. Sau khoảng thời gian này virus đã xâm nhập vào trong và gây tổn thương vào các rễ và dây thần kinh liên quan.

Nếu kéo dài bệnh sẽ gây nhiều biến chứng, thường gặp nhất là đau dây thần kinh nhiều tháng, có khi kéo dài nhiều năm. Nếu bệnh khu trú tại vùng trán, hốc mắt, mũi có thể làm giảm thị lực hoặc mất thị lực hoàn toàn; hoặc ở má có thể gây tổn thương làm liệt mặt, méo miệng…”, bác sĩ Thành cảnh báo.

Bác sĩ Thành đặc biệt khuyến cáo người dân không dùng bài thuốc chữa bệnh vì dễ để lại tổn thương, sẹo vĩnh viễn. Khi phát hiện triệu chứng zona thần kinh, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn điều trị càng sớm càng tốt.

Cậy cơ thể vạm vỡ, chàng HLV squat 300 lần liên tiếp rồi phải đi cấp cứu, ra viện thận vẫn tổn thương
Là huấn luyện viên thể hình trẻ tuổi, nam thanh niên cậy bản thân có sức khỏe nên tập luyện quá đà để rồi phải nhập viện cấp cứu, thậm chí mang tật...

Các vấn đề sức khỏe khác

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thạc sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Tiến Thành