Để đỡ ngán và muốn ngon hơn khi ăn món nướng, cô gái trẻ thường xuyên dùng kèm rau sống, không ngờ sau đó gan bị tổn thương, phải nhập viện điều trị.
Video: Cô gái xứ Lạng chia sẻ về thói quen ăn rau sống dẫn tới mang bệnh.
Duyên - cô gái xinh đẹp quê Lạng Sơn nhìn bề ngoài rất khỏe mạnh, nhưng vừa phải nằm viện điều trị một tuần vì gan bị tổn thương. Bác sĩ Phan Thị Thu Phương, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, nữ bệnh nhân mắc bệnh do thói quen ăn uống mà rất nhiều người cũng gặp phải, đó là ăn rau sống.
Duyên chia sẻ rằng cô không nhớ mình bắt đầu ăn rau sống từ khi nào, chỉ biết rằng năm ngoái và đầu năm nay ăn rất nhiều. Hai loại rau Duyên thích và ăn nhiều nhất là diếp cá và xà lách.
Bác sĩ Thu Phương thăm khám lại cho Duyên trước khi xuất viện. Ảnh: Lê Phương.
Theo chia sẻ của cô gái xứ Lạng, cô yêu thích nhất là món thịt nướng, bún chả và thường xuyên đi ăn nướng cùng mọi người ở ngoài quán, thi thoảng cũng tự nướng thịt tại nhà. Duyên thường dùng rau xà lách để cuốn cùng thịt nướng mỗi khi ăn. Còn rau diếp cá, Duyên ăn vì cho rằng loại rau này vừa mát, lại giúp đẹp da.
Nằm trên giường bệnh, Duyên nói rằng bản thân không hề biết mình mắc bệnh. Gần đây khi công ty cho đi khám sức khỏe, bác sĩ kiểm tra phát hiện gan của Duyên có tổn thương nghi do ký sinh trùng làm tổ. Sau đó, Duyên được chuyển xuống BV Đặng Văn Ngữ kiểm tra và bác sĩ chẩn đoán bị sán lá gan.
“Tôi rất bất ngờ với kết quả này, vì tôi chưa nghe tên bệnh bao giờ. Hơn nữa gia đình tôi cũng hay ăn rau sống nhưng chỉ mình tôi mắc bệnh. Sau khi được sự động viên của mọi người, tôi ổn định tâm lý hơn”, Duyên chia sẻ.
Sau một tuần điều trị, Duyên ổn định cả tâm lý và bệnh lý, cô nói sẽ không ăn rau sống nữa. Ảnh: Lê Phương.
Cô gái này cho biết thêm, mỗi khi ăn rau sống tại nhà, cô luôn rửa nhiều nước, ngâm nước muối nhưng không hiểu sao vẫn mắc bệnh. “Sau đợt điều trị này, tôi sợ không bao giờ dám ăn rau sống nữa”, Duyên nói.
Cùng quê Lạng Sơn và cũng đang điều trị tại bệnh viện, ông Vũ Đình Chiến (SN1955) cũng bị mắc sán lá gan. Ông Chiến không bao giờ ăn hàng quán, nhưng có ăn rau sống tại nhà và chỉ ăn rau xà lách. “Rau nhà trồng ở rìa suối, non xanh và sạch sẽ lắm nên tôi mới ăn. Còn rau bán ngoài chợ tôi không bao giờ dám ăn sống, vậy mà không ngờ lại mắc bệnh”, ông Chiến chia sẻ.
Trước đó người đàn ông này cảm thấy ăn không ngon miệng, đau vùng thượng vị nhiều, đi khám ở địa phương phát hiện có vật thể nghi là ký sinh trùng ở lá lách. Khi đến bệnh viện, ông Chiến làm xét nghiệm, kiểm tra và được chẩn đoán bị sán lá gan nhưng đi lạc chỗ lên lá lách. Hiện ông Chiến vẫn đang được điều trị.
Bệnh nhân Vũ Đình Chiến đang điều trị tại bệnh viện vì bị sán lá gan sau khi ăn rau sống trồng gần bờ suối. Ảnh: Lê Phương.
Bác sĩ Phan Thị Thu Phương cho biết sán lá gan lớn chủ yếu ký sinh ở các loại rau thủy sinh như cải xoong, rau ngổ, rau muống nước và một số loài ốc… Tuy nhiên, hai trường hợp bệnh nhân trên theo như chia sẻ họ chỉ ăn rau xà lách, diếp cá là những loại rau trồng trên cạn nhưng vẫn bị sán lá gan lớn.
Theo bác sĩ Phương, có hai khả năng khiến các bệnh nhân mắc bệnh, đó là rau trồng ở gần nguồn nước (bờ suối) nên sán lá gan có thể ký sinh trên rau. Khả năng thứ hai là quá trình chăm sóc, dùng nguồn nước tưới rau có nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn, sau đó sán ký sinh ở rau và người ăn phải rau nên nhiễm bệnh.
Bác sĩ Phương cảnh báo, nhiễm sán lá gan thường không nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng, nhưng sẽ gây nhiều triệu chứng như ăn uống không ngon miệng, đau bụng, sụt cân… Hoặc như trường hợp bệnh nhân Chiến, sán lá gan có thể đi lạc chỗ và gây tổn thương cho bộ phận khác.
“Nếu không được phát hiện sớm và điều trị sán lá gan có thể gây áp xe, vỡ gan bệnh nhân. Để phòng bệnh này, cách đơn giản nhất là ăn chín uống sôi, quá trình nuôi trồng cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, bác sĩ Phương khuyến cáo.