Bệnh quai bị là bệnh không nguy hiểm nhưng nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến người bệnh.
Bệnh quai bị (tiếng Anh: Mumps) là một bệnh toàn thân biểu hiện bằng sưng một hay nhiều tuyến nước bọt, thường gặp nhất là các tuyến mang tai. Bệnh do một loại virut có tên là Paramyxovirus gây nên, rất dễ lây truyền, phát triển nhất là vào mùa xuân, hè. Virus quai bị thuộc loại Pramyxovirus, chỉ có duy nhất một type huyết thanh được tìm thấy năm 1934 bởi Johnson và Goodpasture. Loại virut có hình cầu hơi thô đường kính khoảng 85-300 micromet .
Bệnh quai bị có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như viêm não, viêm màng não và nguy hiểm nhất chính là gây vô sinh ở nam giới.
Bệnh quai bị hay gặp ở trẻ con. Ảnh minh họa.
Vì thế, mỗi người chúng ta cần nắm rõ nguyên nhân và triệu chứng của bệnh quai bị để kịp thời chữa trị.
Nguyên nhân gây bệnh quai bị
Quai bị gây nên do một loại virus ARN thuộc Rubulavirus trong họ Paramyxoviridae. Các nguyên nhân khác gây viêm tuyếm mang tai gồm virus vùi hạt cự bào (cytomegalovirus-CMV), virus á cúm type 1 và 3, virus cúm A (influenza A virus), coxsackievirus, virus ruột (enterovirus), virus gây suy giảm miễn dịch ở người (Human Immunodeficiency Virus-HIV), tụ cầu khuẩn, và các Mycobacterium không gây lao khác.
Bệnh quai bị là do virus gây nên vì vậy sẽ nhanh chóng lây lan qua đường hô hấp, ăn uống và qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi. Vấn đề lây qua đường phân và nước tiểu hiện vẫn chưa được xác nhận dù virus quai bị có khả năng tồn tại trong nước tiểu khoảng 2-3 tuần.
Bạnh xuất hiện nhiều ở các trẻ nhỏ, những trẻ lớn chưa tiêm phòng quai bị và những người trưởng thành chưa có miễn dịch quai bị, ở người lớn có thể bị nhưng tỉ lệ rất thấp. Thời gian lây lan bệnh là từ 6 ngày trước khi phát hiện bệnh hoàn toàn và đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh.
Triệu chứng bệnh quai bị
- Sau khi tiếp xúc với virus quai bị khoảng 14-24 ngày, người bệnh có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đôi khi rét, đau họng và đau góc hàm.
- Tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần. Tuyến mang tai có thể sưng 1 bên hay 2 bên. Nếu sưng cả 2 bên thì 2 tuyến có thể không sưng cùng lúc, tuyến 2 bắt đầu sưng khi tuyến 1 đã giảm sưng. Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài; có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức.
- Có cảm giác đau ở vùng tuyến bị sưng nhưng da trên vùng sưng không nóng và không sung huyết, ngược với những trường hợp viêm tuyến mang tai do vi khuẩn. Lỗ ống Stenon ở niêm mạc má 2 bên sưng đỏ, có khi có giả mạc.
- Có cảm giác khó nói, khó nuốt, đôi khi phù thanh môn gây khó thở phải mở khí quản. Thời gian biểu hiện bệnh lý khoảng 10 ngày. Tuy nhiên có khoảng 25% người bị nhiễm virus quai bị mà không có dấu hiệu bệnh lý rõ rệt, đây là những đối tượng có khả năng truyền bệnh mà người xung quanh không nhận biết. Bệnh quai bị gây miễn dịch bền vững khi đã mắc bệnh dù sưng 1 hay 2 bên tuyến mang tai nên ít khi bị quai bị lần 2.
- Có thể có viêm tinh hoàn: phần nhiều hậu phát 5 dến 10 ngày sau khi sưng tuyến mang tai, có thể tiến phát và riêng lẻ phải nghĩ đến bệnh quai bị để khỏi phải chẩn đoán sai. Biểu hiện là có sốt trở lại 39 – 40 dộ. Bệnh nhân trằn trọc, có khi mê sảng. Một bên tinh hoàn sưng to, đau, tấy đỏ lên, nếu cả hai bên bị sưng thì có thể gây vô sinh. Khỏi sau 10 ngày nhưng phải sau 2 tháng mới bíêt rõ có teo hay không. Phụ nữ có thể có viêm buồng trứng.
- Có thể gặp viêm màng não, viêm não và tuỵ tạng nhưng phần lớn đều tự khỏi không để llại di chứng trong vài ngày.
Lưu ý:
Bệnh thường phát vào mùa xuân, nhất là trong khoảng thời gian tháng 4 và tháng 5, trong các môi trường tập thể như trường học, nhà trẻ. Tuổi nào cũng có thể bị bệnh quai bị, khả năng mắc bệnh ở nam cao hơn nữ. Tuy nhiên ít gặp quai bị ở trẻ dưới 2 tuổi mặc dù trẻ chỉ được bảo vệ trong 6 tháng đầu nếu mẹ đã từng mắc bệnh quai bị. Sau 2 tuổi, tần suất bệnh tăng dần, đạt đỉnh cao ở lứa tuổi 10-19.
Bệnh quai bị ở người lớn thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể có các biến chứng như: viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn, nhồi máu phổi, viêm buồng trứng, viêm tụy; tổn thương thần kinh; đặc biệt bệnh quai bị ở phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu.