Trong số các bệnh nhân tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong cao có 1 trường hợp ở Hà Nội, đó là nhân viên làm ở quán pizza.
Theo thông tin mới nhất từ Tiểu Ban điều trị (thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19) tính đến sáng 13/8, Việt Nam ghi nhận 883 trường hợp mắc COVID-19 tại Việt Nam, trong đó có 409 ca đã được chữa khỏi, 18 ca tử vong và 456 bệnh nhân đang điều trị.
Tiểu Ban điều trị cũng cho biết trong số 374 ca đang điều trị, có 15 ca tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong cao. Cụ thể, tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 (5 ca), Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (4 ca), Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang (5 ca), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (1 ca).
Đa số các bệnh nhân nặng có 3-4 bệnh lý nền đi kèm như tim mạch, tiểu đường, suy tủy, thận nhân tạo… phải thở máy, ECMO vì thế tiên lượng tử vong cao.
Đáng chú ý trong số 15 ca bệnh nặng, có 1 trường hợp đang được điều trị tại Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, đó là ca bệnh 812 ở Hà Nội, nhân viên cửa hàng pizza. Đây là trường hợp tiếp xúc gần trong vòng 9 ngày với ca bệnh 447 (đi du lịch Đà Nẵng về).
Nhân viên quán pizza mắc COVID-19 ở Hà Nội đang tiến triển nặng.
Bệnh nhân 812 năm nay 63 tuổi, ở Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội và là nhân viên giao hàng của cửa hàng pizza trên phố Trần Thái Tông. Khi điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, diễn biến của bệnh nhân tăng nặng nhanh, hiện đang phải thở máy không xâm lấn, dù đã âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.
Liên quan đến vấn đề phòng COVID-19 lây lan trong cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là tại BV Đa khoa Đà Nẵng nơi vừa được cho phép hoạt động trở lại, các chuyên gia đề nghị bệnh viện phải làm sao thông thoảng bệnh phòng và phòng làm việc của nhân viên y tế. Tập trung vào kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viên; sử dụng hệ thống để đảm bảo không khí được lưu thông.
Trong đợt dịch COVID-19 này, có khoảng 20 nhân viên y tế dương tính trong đợt dịch này, do đó Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng nói chung và các bệnh viện trên cả nước cần đặc biệt quan tâm đến kiểm soát lây nhiễm, lau, khử khuẩn các bề mặt bệnh phòng, cầu thang, giường bệnh….
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh các cơ sở y tế cần tiếp tục phát huy chiến lược 4 tại chỗ; Việc tiếp nhận cán bộ y tế từ các bệnh viện khác đến hỗ trợ phải đảm bảo chất lượng và có sự điều phối.
Đồng thời, ông Khuê đề nghị các bệnh viện cử cán bộ đến các bệnh viện có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19 như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cơ sở 2 học tập kinh nghiệm điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn để dự phòng cho dịch bệnh lâu dài.