Một số thực phẩm có thể giúp bạn ngăn ngừa ung thư nhưng một số lại có thể tăng nguy cơ.
Những gì chúng ta ăn mỗi ngày có tác động không nhỏ tới sức khỏe và cả nguy cơ ung thư. Một số loại thực phẩm có thể mang lại công dụng ngăn ngừa ung thư nhưng một số loại lại có thể làm tăng nguy cơ.
Dù những thực phẩm đó có thể không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới căn bệnh ai cũng sợ này nhưng hạn chế tiêu thụ chúng cũng sẽ giảm phần nào nguy cơ cho bạn. Dưới đây là những loại thực phẩm tốt nhất để giúp bạn có thể tránh xa ung thư và những loại nào cần hạn chế.
Ung thư ruột
Nên ăn: Gạo lứt, yến mạch, đậu gà, táo, đậu Hà Lan và cà rốt
Chất xơ thực sự quan trọng để giảm nguy cơ ung thư ruột. Bạn cần chất xơ không hòa tan - chẳng hạn như gạo lứt, các loại hạt và quả hạch để phân hủy phân. Chất xơ hòa tan có thể hòa tan trong nước và tạo thành gel trong ruột, giúp phân mềm và dễ đi ngoài hơn.
Giữ đủ nước cũng rất tốt cho sức khỏe của ruột. Tránh đồ uống có đường và thử nước hoặc sữa ít béo.
Hạn chế: Thịt đỏ
Quá nhiều thịt đã qua chế biến hoặc thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột. Tổ chức Ung thư đường ruột của Anh khuyến cáo ăn không quá 500g thịt đỏ nấu chín mỗi tuần.
Ung thư cổ tử cung
Nên ăn: Quả bơ, đậu lăng, ngũ cốc tăng cường và dâu tây
Tất cả những thực phẩm này đều chứa hàm lượng folate cao, một loại vitamin B có thể bảo vệ chống lại ung thư cổ tử cung.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc vào năm 2020 cho thấy mức folate trong máu thấp ở phụ nữ có nghĩa là họ có nhiều khả năng phát triển vi rút HPV và có thể tiếp tục phát triển thành ung thư.
Mặc dù chế độ ăn uống có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, nhưng điều quan trọng là bạn phải ngừng hút thuốc và làm các xét nghiệm kiểm tra cổ tử cung thường xuyên.
Hạn chế: Đồ chiên rán
Thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung, vì vậy bạn nên tránh các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, chẳng hạn như bánh pizza, khoai tây chiên và đồ ăn mang đi nhiều chất béo.
Ngoài ra, tránh các loại thịt chế biến sẵn, đường tinh luyện và thực phẩm giàu chất béo không bão hòa. Những thực phẩm này có liên quan đến béo phì và có thể làm tăng thêm nguy cơ ung thư.
Ung thư tuyến tiền liệt
Nên ăn: Cà chua nấu chín
Những người đàn ông ăn cà chua nấu chín 5 hoặc 6 lần một tuần có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt giảm 28% so với những người đàn ông không bao giờ ăn chúng.
Nghiên cứu do Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới tài trợ cho biết tác dụng tương tự không được thấy ở cà chua sống. Nó được cho là do lycopene, một chất chống oxy hóa có trong cà chua, mức độ này tăng lên khi chúng được nấu chín.
Hạn chế: Rượu
Uống nhiều hơn 20 cốc rượu mỗi tuần có thể tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Vì vậy bạn nên hạn chế sử dụng rượu.
Ung thư gan
Nên dùng: Cà phê
Một báo cáo được công bố bởi British Liver Trust vào tháng 6 năm 2016 khẳng định cà phê rất tốt cho sức khỏe của gan.
Nó không chỉ làm giảm nguy cơ ung thư mà còn có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh gan khác bao gồm xơ hóa và xơ gan.
Hạn chế: Thực phẩm chế biến
Cho dù đó là bánh nướng, thịt lợn muối xông khói hay bữa ăn sẵn, nghiên cứu đã chỉ ra rằng thực phẩm chế biến quá nhiều sẽ không tốt cho gan của bạn và có thể dẫn đến khối u.
Các chuyên gia tin rằng đó là vì chúng thường chứa nhiều chất béo, đường và muối, đồng thời có ít vitamin và chất xơ giúp ngăn ngừa bệnh tật. Các hóa chất và phụ gia được sử dụng để tăng hương vị và thời hạn sử dụng cũng có thể làm tăng nguy cơ.
Ung thư vú
Nên ăn: Bông cải xanh và cải bruxen
Các nhà nghiên cứu tại Harvard, Mỹ phát hiện ra rằng những phụ nữ ăn 5 phần rưỡi trái cây và rau mỗi ngày giảm 11% nguy cơ phát triển bệnh.
Họ tuyên bố rằng bông cải xanh, cải Brussels và hạt tiêu vàng có tác dụng bảo vệ tốt nhất.
Hạn chế: Đồ uống có đường
Các nhà khoa học Pháp tuyên bố chỉ cần 100ml đồ uống có đường mỗi ngày - khoảng 1/3 lon thông thường - là đủ để tăng 22% nguy cơ mắc bệnh.
Các nhà nghiên cứu tin rằng đường trong đồ uống khiến cơ thể chúng ta tích trữ chất béo xung quanh các cơ quan như gan và tuyến tụy, và điều này có liên quan đến nguy cơ ung thư cao hơn. Lượng đường trong máu cao, tình trạng viêm nhiễm và các chất phụ gia trong đồ uống cũng có thể là nguyên nhân.
Ung thư phổi
Nên ăn: Nghệ
Nghệ là một loại gia vị thường được sử dụng trong nấu nướng có thể làm chậm sự phát triển của các khối u trong một số bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư ở vú, phổi và dạ dày.
Trong một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái, các nhà khoa học tại Đại học Temple của Philadelphia đã phát hiện ra rằng một hợp chất bên trong nó, curcumin thể hiện khả năng chống ung thư.
Họ nói rằng nhờ đặc tính chống oxy hóa và chống viêm của nó, curcumin ngăn chặn các chất dinh dưỡng được phân phối đến các khối u và ngăn chặn các tế bào ung thư phát ra các protein có hại.
Hạn chế: Hamburger
Ăn một chế độ ăn giàu chất béo bão hòa có thể khiến bạn dễ bị ung thư phổi. Nó được tìm thấy trong thực phẩm chế biến như xúc xích và hamburger, bơ, bánh quy và bánh ngọt.
Theo các nhà nghiên cứu ở Nashville, Tennessee, những người tiêu thụ ở mức cao nhất có nguy cơ phát triển khối u phổi cao hơn 14%.