Dù có nhiều lợi ích rất tốt cho sức khỏe, thậm chí ức chế được cả tế bào ung thư nhưng trong cà tím có chất gây ngộ độc nếu ăn không đúng cách.
Cà tím không chỉ là loại thực phẩm gần gũi với cuộc sống người dân, đây còn là loại quả có tác dụng hỗ trợ phòng và điều trị được nhiều loại bệnh. Lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, cà tím từ lâu đã được dùng làm thuốc trong đông y và thực tế trong cách chế biến món ăn, người dân thường kết hợp cà tím với tía tô, đó cũng là bài thuốc bổ dưỡng, giải cảm, ôn ấm cơ thể.
Lương y Bùi Hồng Minh cho biết, trong đông y cà tím có vị ngọt, tính mát, có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, hoạt huyết, tiêu viêm sử dụng trong các bài thuốc chữa ung nhọt, lở loét, giảm mỡ máu, hạ huyết áp…
“Có một nghiên cứu tại Mỹ đã chỉ ra rằng trong cà tím có nicotin, nhưng đây là loại nicotin không gây nghiện như trong thuốc lá. Vì thế, các nhà khoa học khuyến cáo, có thể dùng cà tím để cai nghiện thuốc lá rất tốt. Theo đó, khi thèm thuốc lá có thể ăn cà tím giúp bổ gan, thận và tránh được các chất độc trong khói thuốc lá", lương y Bùi Hồng Minh chia sẻ.
Đại tá, lương y Bùi Hồng Minh cho biết, cà tím có thể hỗ trợ cai thuốc lá.
Không chỉ có vậy, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cà tím rất hữu ích trong việc hỗ trợ điều trị bệnh ung thư đại tràng do cà tím chứa một lượng lớn chất xơ hấp thụ độc tố và hóa chất có thể dẫn đến sự phát triển của ung thư đại tràng.
Dù có hàng loạt những tác dụng đối với sức khỏe cơ thể, tuy nhiên lương y Bùi Hồng Minh cũng đưa ra một vài lưu ý khi ăn quả cà tím để không bị những tác dụng phụ ngoài mong muốn.
Theo đó, cà tím không nên ăn nhiều vì trong cà tím có chất solanine, có tác dụng chống oxy hóa và ức chế tế bào ung thư nhưng cũng có tác dụng kích thích mạnh mẽ lên các trung tâm hô hấp, có tác dụng gây mê.
Khi ăn quá nhiều cà tím có thể gây độc. Solanine lại hòa tan trong nước không đáng kể nên khi đun sôi vẫn không thể được phá hủy được chất này. Để giảm chất này, khi chế biến bạn cho thêm chút giấm sẽ thúc đẩy sự phân hủy của solanine. Đặc biệt, không nên ăn cà tím sống hoặc uống nước ép cà tím vì dễ xảy ra ngộ độc khi cà chưa được nấu chín.
Cà tím nếu ăn sống, hoặc uống sinh tố dễ bị ngộ độc.
Ngoài ra, một số người bị dạ dày, cơ thể yếu mệt, bị hen suyễn, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ cũng nên hạn chế dùng cà tím.
Dưới đây là một vài bài thuốc, cách chế biến cà tím có lợi cho sức khỏe:
- Cà tím nấu với đậu phụ, tía tô giúp nhuận tràng trị táo bón.
- Canh cà tím thịt gà giúp làm tán ứ, giảm mỡ máu, giảm huyết áp: Cà tím 200g, sơn tra 15g, gừng 5g, hành 10g lượng, gà 500g. Cách làm: Cho các gia vị vào xào, đổ gà vào xào xơ đổ nước vào hầm trong 30 phút, ngày ăn 1.
- Cà tím om thịt lợn: Ăn giúp làm giảm huyết áp.
- Cà tím chữa đi tiểu ra máu: Dùng quả có cuống sắc uống.
- Viêm gan vàng da, thải độc gan: Dùng 2-3 quả cà tím nấu với gạo và ăn liên tục nhiều ngày.
- Cà tím chữa viêm phế quản cấp: 500g, gừng 4 lát, tỏi 3 củ trộn dầu, muối, chưng cách thủy giúp hóa đờm.
Cà tím có thể sử dụng làm được nhiều món ăn, bài thuốc dân dã.
- Cà tím xào rau má đề giúp thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu hạ huyết áp:
Cách làm và liều dùng như sau: Cà tím 200g, má đề 15g, hành 10g, gừng 5g, tỏi 10g, dầu mè, nước tương, xì dầu thích hợp. Cà tím rửa sạch thái miếng cùng các gia vị cho vào chảo nóng xào chín, ngày ăn 1 lần.
- Cà tím có tác dụng bảo vệ răng, giúp chắc răng, sạch và chống hôi miệng, chữa các bệnh sâu răng, lợi viêm có mủ... bằng cách dùng cà tím chà xát vào những vùng tổn thường.
- Người bí tiểu, đại tiện khó: Dùng cà tím sắc lấy nước uống.
Lương Y Bùi Hồng Minh lưu ý, cà tím có tính hàn cho nên khi phối hợp với các thức ăn lạnh khác cần thêm vài lát gừng hoặc cho thêm lá tía tô để giảm tính lạnh. Người tạng hàn, hay đi ngoài lỏng khi cần dùng nên thận trọng hơn.