Ngải cứu phổ biến trong mọi gia đình, rất dễ mua. Mặc dù rẻ tiền nhưng lại có nhiều tác dụng quý giá, được Đông y đánh giá rất cao. Đặc biệt nó còn được một nữ danh y nổi tiếng thời xưa áp dụng trị nhiều bệnh.
Trong lịch sử Trung Quốc ngoài “tứ đại mỹ nhân” hay “tứ đại tài nữ” còn có “tứ đại nữ thần y” gồm Nghĩa Hủ thời Tây Hán, Bào Cô thời Tấn, Trương Tiểu Nương Tử thời Tống và Đàm Doãn Hiền thời Minh. Tất cả họ đều là những nữ danh y huyền thoại, trong đó nổi bật lên là Bào Cô – nữ thầy thuốc đầu tiên nghiên cứu về thuật ngải cứu.
Bào Cô ban đầu tên là Bào Tiềm Quang, nhắc tới y thuật của bà không thể không nhắc tới công lao từ cha và chồng. Trong Tấn Thư có ghi lại rằng năm 5 tuổi, Bào Cô đột nhiên nói: "Kiếp trước ta là con trai của Lí Dương, mất năm 9 tuổi” khiến cả gia đình kinh hãi. Sau đó họ vội vàng đi kiểm chứng thì sự thật đúng như lời bà nói.
Sau này, cha bà là Bào Tịnh tìm đọc rất nhiều kinh thư, đi theo một vị cao nhân học đạo. Ông từng mở lớp dạy học trò tại Đan Dương tỉnh Giang Tổ và là sư phụ của danh y kiêm đạo nhân nổi tiếng Cát Hồng. Quý trọng người đồ đệ tài đức nên sau đó ông đã gả con gái Bào Cô cho học trò.
Mặc dù không kiểm chứng được y thuật cao siêu của Bào Cô là học từ ai nhưng cổ nhân xưa có câu "Y đạo đồng nguyên" (tạm dịch Đạo giáo và Trung y có nguồn gốc tương thông với nhau), nên việc Bào Cô có thể tu thành đắc đạo và có y thuật giỏi là điều dễ hiểu.
Tương truyền có một câu chuyện về Bào Cô liên quan tới cây ngải cứu – cũng là thứ bà đã dành nhiều thời gian nghiên cứu sau này. Cây ngải là vị thuốc lành tính, có thể trị liệu cục u cũng chính là những cục thịt thừa kỳ dị trên da. Vì biết được công dụng, Bào Cô đã đi khắp nơi tìm kiếm, không ngại khó khăn cuối cùng phát hiện Hồng cước ngải dưới chân núi Việt Tú.
Sau đó, bà đã dùng lá ngải phơi khô giã nát để làm thành ngải nhung. Sau dó dùng nó làm thành mồi ngải, khi trị bệnh, đặt mồi ngải lên vị trí cần cứu và dùng lửa hơ trên đó cháy hơn một nửa sẽ làm cục thịt rụng ra và giúp làn da mịn màng hơn.
Có câu chuyện kể lại rằng khi Bào Cô đi du lịch ở Hải Nam đã dùng cây ngải cứu chữa trị cho nhiều bệnh nhân. Một ngày, Bào Cô đi hái thuốc vô tình bắt gặp một người phụ nữ đang khóc bên bờ sông. Người phụ nữ có những khối u màu nâu sẫm trên mặt khiến vẻ ngoài kì dị, xấu xí. Người phụ nữ nói rằng vì ngoại hình xấu xí mà cô bị hàng xóm chế giễu, không thể kết hôn nên đã chạy đến nơi hoang vắng mà khóc.
Bào Cô thương hại người phụ nữ tội nghiệp đã ngay lập tức lấy mồi ngải tự chế trong tay nải trị bệnh cho cô. Chẳng lâu sau, những cục thịt thừa đều rụng hết và da mặt cô gái trở nên trắng trẻo mịn màng như ngọc. Cứ như vậy, Bào Cô đi khắp nơi trị bệnh cứu người, danh tiếng nhanh chóng lan rộng khắp muôn nơi.
Mãi cho tới thời nhà Thanh vẫn có người đi khắp nơi tìm kiếm bài thuốc trị bệnh của bà. Mặc dù bà không lưu lại cho hậu thế bất cứ cuốn sách nào, nhưng chồng bà Cát Hồng có một bộ sách tên gọi "Trửu hậu bị cấp phương", trong đó có ghi chép hơn một trăm phương pháp châm cứu, trong đó thuật cứu để trị bệnh chiếm hơn 90 bài, công hiệu và phương pháp sử dụng được giảng giải rất cặn kẽ. Có người cho rằng, những bài thuốc liên quan tới thuật cứu hơn một nửa đều là kinh nghiệm hành nghề y của Bào Cô.
Công dụng của ngải cứu
Ngải cứu có tên khoa học là Artemisia vulgaris L. Họ Cúc (Asteraceae). Theo Đông y, ngải cứu vị đắng, cay, tính ấm, vào kinh tỳ, can, thận, có tác dụng ôn bào cung, cầm máu, an thai, khứ hàn, giảm đau. Nếu phơi khô, vò nát thành ngải nhung, được dùng trong “cứu pháp” của châm cứu. Lá ngải cứu cỏ thể giã sạch vắt lấy nước uống.
Ngải cứu có một loạt công dụng như cải thiện hệ tiêu hóa, trị đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, đau đầu, nhức mỏi khớp, cảm cúm.
BS.CKII. Huỳnh Tấn Vũ (Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày - Cơ sở 3 BV. Đại học Y Dược TP.HCM) chia sẻ trên Sức khỏe đời sống: Cứu (đốt cứu = đốt ngải cứu) là đưa sức nóng tác động vào huyệt, là phương pháp trị liệu và ngăn ngừa các chứng bệnh bằng cách dẫn truyền sức nóng vào các huyệt đạo hoặc các vùng nhất định của cơ thể con người. Vật liệu chủ yếu là bột ngải cứu ép thành điếu (điếu ngải cứu) hay các viên nhỏ hình chóp hoặc trụ (mồi ngải cứu). Phương pháp đốt cứu có tác dụng thế nào? Ngải cứu khi cháy hơ ấm lên cơ thể tạo cảm giác nóng dịu, đồng thời ngấm sâu vào trong da, tác động đến huyệt tạo cảm giác thoải mái, hiệu quả trong điều trị tỏa ra mùi thơm đặc trưng. Sức nóng: sử dụng sức nóng (nhiệt) để trị liệu ngày nay rất phổ biến với nhiều cách khác nhau như bức xạ hồng ngoại (từ đèn hồng ngoại), chườm nóng bằng túi nước nóng, ngâm parafin, đông y cũng có phương pháp chườm thảo dược. Nhưng điểm khác của phương pháp đốt cứu với các phương pháp kể trên đó là hiệu quả sức nóng sẽ gia tăng gấp bội nếu tác động làm nóng lên một điểm chính xác rất nhỏ của cơ thể là huyệt đạo, có đặc tính trị bệnh, làm dịu đau đối với nhiều chứng bệnh khác nhau đã được người ta biết đến hàng ngàn năm qua. Một số bệnh lý cứu rất hiệu quả: Đau cột sống; suy nhược thần kinh; nấc cụt; mất ngủ; thiếu sữa; đau thắt lưng do thoái hóa cột sống, do tư thế; khó tiêu hóa; liệt dây VII ngoại biên; côn trùng chích; cảm sổ mũi; mụn trứng cá; mất tiếng; đau bụng do bị lạnh bụng. |