Nữ kế toán từng chụp di ảnh khi mắc ung thư 7 năm trước, giờ sống khỏe nhờ cách chữa trị gây tranh cãi

DIỆU THUẦN - Ngày 09/09/2024 12:00 PM (GMT+7)

Khi tái phát ung thư, kinh tế gia đình kiệt quệ, chị Hiền nghĩ dù sao cũng chết nên không đến bệnh viện điều trị, mà chọn phương pháp trị bệnh học được trên mạng. Các bác sĩ khuyến cáo, phương pháp điều trị không sử dụng thuốc, can thiệp y tế là phản khoa học.   

Tế bào ung thư kiểm soát được 3 năm thì tái phát 

Chị Lê Hiền (36 tuổi), hiện đang làm kế toán cho một công ty tại tỉnh Hà Tĩnh. Mới đây, chị đã chia sẻ hành trình “sống chung” với bệnh ung thư sarcoma cơ vân được hơn 7 năm ở một hội nhóm về những người phụ nữ không may mắc ung thư.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Hiền cho biết, chị phát hiện mắc ung thư sarcoma cơ vân vào năm 2018, sau khi sinh con gái thứ 2 vừa được 1 tháng. “Sau khi sinh con gái xong, người tôi mệt lả, dù cố gắng ăn uống, ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái cũng không đỡ”, người phụ nữ sinh năm 1988 nhớ lại. 

Chị Hiền cho biết, hiện đã sống chung với ung thư được hơn 7 năm - Ảnh: NVCC.

Chị Hiền cho biết, hiện đã "sống chung" với ung thư được hơn 7 năm - Ảnh: NVCC.

Khi đến bệnh viện tỉnh khám, các bác sĩ nghi ngờ chị mắc ung thư thể hiếm gặp nên chuyển đến Bệnh viện Việt Đức. Tại đây, chị được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u, làm sinh thiết cho kết quả ung thư cơ giai đoạn muộn. “Trời đất như sụp xuống dưới chân tôi. Con trai chưa đầy 3 tuổi, con gái mới được 1 tháng, bố mẹ hai bên đã già, chồng phải nghỉ việc chăm vợ nên không có thu nhập, tôi không biết bắt đầu từ đâu để có thể tiếp tục đoạn đường phía trước. Tôi chỉ biết khóc”, chị Hiền kể. 

Được chồng động viên gắng điều trị bệnh để còn được ở bên 2 con, chị gạt nước mắt, chuẩn bị hành lý đến Bệnh viện K điều trị ung thư. Sau khi trải qua 2 lần phẫu thuật, 6 lần truyền hóa chất, 33 mũi xạ trị chị được xuất viện. “Tôi đã đáp ứng thuốc tốt và được ra viện sau 1 năm trị ung thư”, chị Hiền chia sẻ.

Những ngày sau đó, chị vẫn duy trì tái khám ung thư 3 tháng một lần, ăn uống đủ chất, giữ tinh thần thoải mái, vận động thường xuyên để có thể kiểm soát tốt tế bào ung thư. Nhưng chị lại phải suy sụp một lần nữa khi nhận kết quả ung thư tái phát vào ngày tháng 4/2021 và sẽ phải trải qua các bước điều trị như lần 1. “Bao nhiêu tiền đã vét hết để trị bệnh, sức khỏe đã cạn kiệt, tôi chỉ biết lặng lẽ ra ghế đá ngồi khóc”, chị Hiền nhớ lại.

Tự điều trị ung thư tại nhà?

Chị Hiền cho biết, giai đoạn chị tái phát ung thư kinh tế gia đình đã kiệt quệ, chồng đi làm xa, 2 con cần phải có người chăm sóc, đưa đón đi học và có suy nghĩ, thế nào cũng chết nên làm sao đừng để chồng và con khổ, chị quyết định ngưng điều trị bệnh tại bệnh viện. 

Cùng với việc đi chụp di ảnh chuẩn bị cho tang lễ của mình, chị cũng tìm đọc các sách về điều trị ung thư, xem các bài viết chia sẻ kinh nghiệm chiến thắng ung thư của những người mắc bệnh như mình. Từ các kiến thức đọc được, chị Hiền nhận thấy ăn thực vật (ăn chay), thực hành tự chữa lành tại nhà có thể có hy vọng. “Quan trọng là, tinh thần vui vẻ có thể có hy vọng”, người phụ nữ 36 tuổi nói. 

Phương pháp trị ung thư của chị Hiền không một ai trong gia đình đồng ý. Ai cũng khuyên, đã điều trị lần 1 ở bệnh viện thành công thì nên tin tưởng vào bác sĩ, nhưng chị vẫn nhờ bố mẹ chăm 2 con giúp để mình tự chữa ung thư tại nhà.

Cách trị ung thư của chị là ăn các loại rau củ quả như táo, nho, khoai lang, hạt mè (hạt vừng), đậu phộng (lạc), các loại rau họ cải, rau muống, rau khoai… tự trồng trong vườn, hoặc lấy từ nhà bố mẹ để không lo phun thuốc bảo vệ thực vật chế biến bằng cách luộc, hấp, nướng, làm sinh tố, ép lấy nước uống. “Tôi không ăn cơm, không ăn thịt cá”, chị Hiền chia sẻ. 

Nữ kế toán từng chụp di ảnh khi mắc ung thư 7 năm trước, giờ sống khỏe nhờ cách chữa trị gây tranh cãi - 2

Các bữa ăn để trị ung thư của chị Hiền - Ảnh: NVCC.

Các bữa ăn để trị ung thư của chị Hiền - Ảnh: NVCC.

Chị cũng uống đủ nước, tự thụt tháo đại tràng bằng nước giấm tự làm từ lá chè xanh vào buổi sáng, mỗi ngày 1 lần để thải độc cơ thể. Chị cũng đi ngủ sớm, dậy sớm để ngồi thiền, đi bộ nhẹ nhàng vào buổi sáng mỗi ngày 30 phút đến 1 giờ. “Quan trọng là, tôi đã giữ cho mình một tinh thần lạc quan, tập quên bản thân đang bị bệnh và có niềm tin sẽ chiến thắng được ung thư”, chị Hiền nói. 

Chị Hiền thừa nhận, thời gian đầu tự điều trị ung thư đã không dễ dàng, nhiều lần mệt lả, người gầy nhom, da xanh xao và nhiều lần đã nghĩ đến cái chết. Nhưng sau giai đoạn đó, chị thấy người nhẹ dần và khỏe dần. Tháng 10/2022, chị đi khám ung thư lần nữa thì không có phát hiện bất thường. “Tôi không nói với bác sĩ cách ăn và cách trị ung thư đang áp dụng”, chị Hiền nói và cho biết gần 4 năm tự điều trị ung thư tại nhà chưa có bất thường nào xảy ra.

“Tôi muốn chia sẻ sự lạc quan, yêu thương bản thân, vượt qua mọi khó khăn tìm cho mình một con đường đi phù hợp nhất, đừng đổ thừa cho hoàn cảnh mà bỏ cuộc khi gặp khó khăn để truyền động lực đến người khác. Hiện tôi vẫn đang hành trình thực hành để được sống, được bên các con, bên người thân, bên gia đình”, chị Hiền chia sẻ.

Tự điều trị ung thư tại nhà không có cơ sở khoa học

Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế từng chia sẻ với truyền thông, các phương pháp tự điều trị ung thư như chị Hiền hiện đang lan truyền trên mạng xã hội là phản khoa học và không mang lại hiệu quả. Bộ Y tế từng đi tìm hiểu và nhận thấy, phần lớn bệnh nhân không qua khỏi. Một số trường hợp quay trở lại bệnh viện điều trị nhưng đã ở giai đoạn muộn hơn.  

Chị Hiền cho biết, gần 4 năm tự trị ung thư tại nhà, cơ thể chỉ gầy, chưa có biến chứng nào xảy ra - Ảnh: NVCC.

Chị Hiền cho biết, gần 4 năm tự trị ung thư tại nhà, cơ thể chỉ gầy, chưa có biến chứng nào xảy ra - Ảnh: NVCC.

Ông Thuấn khuyến cáo, khi mắc bệnh, nhất là ung thư người dân cần tham khảo nguồn thông tin chính thống từ các bác sĩ chuyên khoa, các cơ sở y tế, các hiệp hội ung thư uy tín. Đặc biệt bệnh nhân ung thư cần hỏi bác sĩ chẩn đoán, điều trị của mình thật nhiều để hiểu rõ về bệnh tình, các phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng và tiên lượng.

“Điều trị ung thư là vấn đề rất lớn, rất phức tạp và đòi hỏi chuyên môn sâu, kết hợp đa mô thức, đa chuyên khoa mới có thể hiệu quả. Không nên dễ dàng cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian, đánh mất cơ hội điều trị chính thống”, ông Thuấn khuyên.

BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng gặp nhiều trường hợp bỏ điều trị ung thư theo tây y để điều trị theo “bác sĩ google”. Kết quả họ nhận được là, bệnh ngày càng nặng và ngày càng gần với thế giới bên kia. 

Theo bác sĩ Vũ, tự trị ung thư tại nhà là không có cơ sở khoa học, mà chỉ mang tính chất quảng cáo cho hàng hóa của mấy chủ shop bán hàng online. “Chúng tôi học ngành y, chật vật bao nhiêu năm mới có thể khám, chữa bệnh, mà bây giờ bị bác sĩ truyền miệng cạnh tranh nhiều quá”, bác sĩ Vũ chia sẻ.

Ths.BS Trần Đức Cảnh, Khoa Nội soi, Bệnh viện K cũng từng gặp nhiều người nhận kết đắng vì bỏ điều trị ung thư ở bệnh viện chạy theo các của bác sĩ truyền miệng. Vì vậy, bác sĩ cảnh khuyên, các bệnh nhân ung thư nên tỉnh táo và nên đặt niềm tin tuyệt đối vào y khoa để không phải hối hận.  

Cả bác sĩ Cảnh và bác sĩ Vũ đều cho rằng, hiện nay đang có nhiều chia sẻ về tháo thụt đại tràng bằng cà phê, lá chè xanh, nước muối… tại nhà để thải độc cơ thể là chưa có cơ sở khoa học và rất dễ khiến người thực hiện gặp các rủi ro cũng như tác dụng phụ như mất nước, nôn, buồn nôn, chuột rút, chóng mặt, mất cân bằng khoáng chất, điện giải, vi khuẩn, sinh lý ruột, thủng ruột, nhiễm trùng, suy thận.

Các bác sĩ khuyến cáo, tháo thụt đại tràng chỉ được áp dụng tại các cơ sở y tế cho người bệnh, những người phẫu thuật hay thực hiện nội soi. 

Theo các bác sĩ, sarcoma cơ vân là khối u ác tính có nguồn gốc từ tế bào trung mô chưa trưởng thành, đây là loại sarcoma phần mềm thường gặp ở trẻ em, chiếm đến 50%. U xuất phát từ trung mô, do đó vị trí tổn thương nguyên phát có thể gặp ở bất kỳ nơi nào trong cơ thể, hay gặp là ở vùng đầu cổ và hệ sinh dục tiết niệu. Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 4,3/1.000.000 người.

Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng, có thể liên quan đến một số yếu tố di truyền như bệnh u xơ thần kinh, đột biến gen P53, hội chứng Noonan, hội chứng Li-Fraumeni, hội chứng Beckwith - Wiedermann và một số yếu tố môi trường như phụ nữ mang thai sử dụng cần sa, cocaine, tiền sử thai chết lưu, mẹ phơi nhiễm với tia xạ.

Có 3 phương pháp chính điều trị sarcoma cơ vân là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Ngoài ra, người bệnh cần ăn uống đủ chất, giữ tinh thần lạc quan, thường xuyên vận động và nên tuân thủ theo phương pháp điều trị của y khoa để có thể kiểm soát được bệnh. 

4 loại cá từ bình dân đến cao cấp, dễ dàng tìm thấy ở chợ Việt, ăn vào giảm nhồi máu cơ tim rõ rệt
Tất cả các loại cá đều là nguồn cung cấp protein, vitamin và khoáng chất tốt. Trong số đó, các loại cá béo chứa axit béo omega-3 là tốt nhất cho sức...

Vitamin

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh ung thư