Yêu nhau từ thủa sinh viên, đêm tân hôn chúng tôi đã tưởng tượng nhiều tới cảnh gần gũi, đôi mắt sáng rực hạnh phúc… ngờ đâu phải đối mặt với nỗi sợ không thể quan hệ cả đời.
Đêm nào cũng ôm chồng, nhưng cay đắng
Chị Anh Đào (ở Hưng Yên) chia sẻ: “Vợ chồng tôi yêu nhau từ thời đi học. Tốt nghiệp cấp 3 anh được bố mẹ cho ra thành phố học nghề sửa chữa xe máy hai năm. Tôi cũng được bố mẹ cho đi học nghề may. Trở về làng cả hai đều mở được cửa hàng và quyết định làm đám cưới.
Bố mẹ tôi là giáo viên nên dạy dỗ con rất nghiêm. Suốt thời gian anh và tôi đi học bố mẹ luôn dặn dò giữ gìn bản thân nên điều đi quá giới hạn đã không xảy ra.
Ảnh minh họa.
Sau khi ra trường, chúng tôi đã ổn định công việc, bố mẹ bên anh giục cưới, rồi để sớm sinh con cho ông bà có cháu bế bồng. Nhưng mọi việc đã không như ý, bởi đêm tân hôn cũng là đêm buồn của đời tôi.
Đêm tân hôn mọi người ra về, chúng tôi háo hức mong chờ giờ phút bên nhau… Nhưng rồi anh mệt lử vì “cô bé” của tôi không theo ý muốn. Còn tôi thì từ chỗ thích thú đến đau rát, chán nản. Anh hết kiên nhẫn nên càng cố gắng… càng khiến tôi đau dữ dội…
Cuối cùng chúng tôi nằm ôm nhau ngủ. Sáng hôm sau anh e dè hỏi: “Cô bé” của em có gì đó không bình thường”. Tôi nói với anh là cũng cảm thấy bất thường vì chưa thấy kinh nguyệt như bạn bè. Tôi hy vọng lấy chồng sẽ cải thiện…”.
Sau hơn 2 tháng vợ chồng cưới nhau, khi đến Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) thì người vợ được kiểm tra vẫn còn trinh. Qua thăm khám bác sĩ cho biết, do người vợ bị dị tật âm đạo bẩm sinh nếu không chữa thì sẽ phải chịu đựng đời sống tình dục và vô sinh.
Phẫu thuật tạo hình dị tật không âm đạo
Theo TS. BS Phạm Thị Việt Dung (Giảng viên Bộ môn Phẫu thuật Tạo hình của Đại học Y Hà Nội, khoa Phẫu thuật Tạo hình của Bệnh viện Xanh Pôn), không âm đạo là một dị tật bẩm sinh được xác định bởi sự bất toàn trong quá trình hình thành âm đạo và các cơ quan sinh sản khác.
Không âm đạo chủ yếu gặp trong Hội chứng Mayer Rokitansky Kuster Hauser (MRKH). Theo thống kê từ một số nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ trẻ có dị tật không âm đạo bẩm sinh là từ 1:4000 đến 1:10000 trẻ gái. Bệnh có thể phối hợp với bất thường ở thận (34%) và hệ xương (12%), gồm cả tật không âm đạo, bất thường ở tử cung, vòi trứng… 90% số trường hợp dị tật không âm đạo nằm trong Hội chứng MRKH, dị tật này luôn kết hợp với dị tật không có tử cung hoặc tử cung nhi tính. Mắc dị tật này buồng trứng và các cơ quan sinh dục ngoài vẫn phát triển bình thường. Bệnh nhân thường phát hiện bệnh muộn bởi khi đến tuổi dậy thì khi mà không có kinh nguyệt.
Tại khoa Phẫu thuật Tạo hình (Bệnh viện Xanh Pôn) từ năm 2013 tới nay đã phẫu thuật thành công kỹ thuật tái tạo âm đạo bằng niêm miệng của GS Trần Thiết Sơn cho nhiều bệnh nhân.
Không âm đạo thường được phát hiện muộn, khi bệnh nhân đến tuổi dậy thì mà không thấy xuất hiện kinh nguyệt, hoặc trong lần khám sản khoa đầu tiên. Việc chẩn đoán không âm đạo ở tuổi thiếu niên, khi nhận thức về bản thân đã được hình thành thường gây sang chấn tâm lý sâu sắc với người bệnh. Việc đó đồng nghĩa với việc bệnh nhân không thể sinh con, không thể quan hệ tình dục do đó không thể có đời sống tình dục bình thường nếu không phẫu thuật. Tuy không phải là bệnh phổ biến, nhưng bệnh không hiếm vì khá nhiều phụ nữ mắc mà giấu giếm, hậu quả là họ phải ôm nỗi khổ này cả đời vì không có được đời sống tình dục và không có con vì không biết khám và chữa ở đâu.
Trước kia các bác sĩ phẫu thuật tạo hình âm đạo mục đích là tạo khoang có vị trí, kích thước giống như âm đạo thật để có thể quan hệ tình dục và che phủ bề mặt khoang để khoang không bị dính lại. Trên thế giới đã có nhiều phương pháp tạo hình âm đạo, các phương pháp khác nhau chủ yếu ở chất liệu che phủ. Mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm riêng liên quan đến đặc điểm của chất liệu ấy.
Theo GS Trần Thiết Sơn, cải biến khắc phục nhược điểm của âm đạo bằng niêm mạc miệng có tính chất là biểu mô lát tầng không sừng hóa và nhiều tuyến nhày giống niêm mạc âm đạo. Đây là chất liệu tạo hình âm đạo vô cùng lý tưởng.
Với phương pháp "phẫu thuật biến không thành có” rất hiệu quả, làm thay đổi hẳn cuộc sống của những chị em “bất hạnh”. Các bệnh nhân sau tái tạo âm đạo bằng phương pháp này đều có thể quan hệ tình dục bình thường. Ngoài ra nhờ sự phát triển của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ, ước mơ có một gia đình hạnh phúc bên những đứa con của các bệnh nhân này sẽ thành hiện thực.
Sau khi tái tạo âm đạo sẽ có tác động tích cực đến hoạt động tình dục, đến hình ảnh của bản thân và nâng cao chất lượng cuộc sống của các cặp vợ chồng.