Đối với dấu hiệu phân bạc màu, bác sĩ Hoa cho biết, đây là một triệu chứng rất quan trọng trong chẩn đoán, đánh giá bệnh.
Chị Nguyễn Thị H. ở Lạng Sơn cho biết, khi con chị được 15 ngày tuổi phát hiện vàng da nhưng nghe mọi người nói con chị chỉ bị vàng da sinh lý nên không đi khám. Cho đến khi con chị H. đi ngoài, phân bạc, chị mới đưa đi khám ở BV Đa khoa tỉnh.
Bác sĩ cho biết, con chị có dấu hiệu của teo mật bẩm sinh. Ngay sau đó, con chị H. được chuyển thẳng lên BV Nhi Trung ương phẫu thuật.
Hiện tại, bé gái con của chị H. đã được 1 tuổi nhưng vẫn phải theo dõi khám định kỳ tại bệnh viện.
Trao đổi với PV, Tiến sỹ Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện nhi Trung ương cho biết, cha mẹ cần lưu ý các dấu hiệu sau để đưa con đi khám và điều trị kịp thời.
Trẻ có các dấu hiệu vàng da kéo dài từ sau sinh, phân bạc màu sớm và liên tục, vàng da vàng mắt thường xuất hiện 2-4 tuần sau sinh và có dấu hiệu tăng dần. Triệu chứng vàng da bệnh lý của trẻ có thể kế tiếp ngay sau giai đoạn vàng da sinh lý nên rất dễ bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm là vàng da sinh lý kéo dài.
Đối với dấu hiệu phân bạc màu, bác sĩ Hoa cho biết, đây là một triệu chứng rất quan trọng trong chẩn đoán, đánh giá bệnh. Màu phân điển hình của teo đường mật là phân mạc màu và trắng như phân cò hoặc xi măng. Tuy nhiên, trên thực tế, thường hay gặp phân màu vàng rất nhạt hoặc vàng chanh.
Vàng da, phân đổi màu là dấu hiệu của bệnh teo mật bẩm bẩm sinh. (Hình minh họa)
Theo BS Hoa, phân bạc màu trong teo đường mật xuất hiện liên tục, khác với phân bạc màu trong viêm gan sơ sinh có thể xen kẽ một số ngày phân vàng.
Để đánh giá mẫu phân, cha mẹ cần theo dõi liên tục, thu thập tất cả các bãi phân của trẻ trong ít nhất từ 3-5 ngày để đối chiếu và so sánh.
Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện nhi Trung ương cho biết, Teo mật bẩm sinh là bệnh lý hiếm gặp của gan và đường mật, do gián đoạn hoặc thiếu hụt của hệ thống đường mật ngoài gan, dẫn đến cản trở dòng chảy của gan.
Bệnh thường khởi phát ngay sau giai đoạn vàng da sinh lý nên gia đình bệnh nhi không để ý và bỏ qua giai đoạn vàng của việc phẫu thuật. Nếu phát hiện bệnh sớm thì phẫu thuật khi trẻ 6 tuần tuổi là tốt nhất và sau đó bệnh nhi sẽ khỏi khỏi bệnh nếu thuộc tuýp bệnh chữa được.
Khi trẻ đã 3 tháng tuổi mới phát hiện bệnh, việc phẫu thuật trở nên khó khăn hơn và từ 4 tháng tuổi trở lên, biện pháp điều trị hoàn toàn phụ thuộc vào việc chờ ghép gan vì lúc đó gan của bệnh nhi đã bị xơ và mất chức năng.
Do đó, theo BS Hoa, nếu trẻ có biểu hiện nghi ngờ teo đường mật bẩm sinh, gia đình cần đưa trẻ tới bệnh viện khám và điều trị kịp thời.
Phân của trẻ bạc màu là dấu hiệu của teo mật bẩm sinh được coi như một dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa. Vì vậy, cha mẹ không thể chữa khỏi được bằng phương pháp dân gian, dùng thuốc nam. Việc sử dụng các biện pháp này sẽ làm trì hoãn các biện pháp điều trị cần thiết, làm mất đi thời điểm vàng để xử lý và gây ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
>> Xem thêm: Chuyên gia hướng dẫn cách đếm nhịp thở, cứu trẻ khỏi viêm phổi