Phòng ngừa bệnh táo bón

Ngày 26/04/2013 10:13 AM (GMT+7)

Táo bón tuy không phải là căn bệnh quá nguy hiểm, những rõ ràng nếu bị chứng táo bón hoành hành thì không dễ chịu chút nào. Táo bón cần được phát hiện và “ứng phó” sớm trước khi quá muộn.

Táo bón là tình trạng thay đổi thói quen đại tiện theo xu hướng đại tiện khó khăn thể hiện dưới nhiều hình thức như phân trở nên cứng hay nhỏ. Đại tiện khó khăn, phải gắng sức, phải rặn nhiều, mỗi tuần đại tiện dưới 3 lần.

Thực sự thì táo bón là một triệu chứng, không phải là bệnh. Vì vậy, khi đi khám bác sĩ, bạn không nên xin bác sĩ cho thuốc táo bón mà cần phối hợp tìm ra nguyên nhân của táo bón. Để phát hiện ra nguyên nhân của táo bón, bạn cần cho bác sĩ biết thói quen sinh hoạt của bạn (ăn, uống, tập thể dục, các loại thuốc đang uống…).

Bác sĩ có thể phải loại trừ trường hợp bạn bị khối u đại tràng hay phình đại tràng thông qua việc khám trực tràng bằng ngón tay, bằng nội soi trực tràng hay đại tràng, hay chụp X-quang đại tràng.

Khi nào bạn cần đến bác sĩ?

táo bón là triệu chứng rất thường gặp và thường là do nguyên nhân cơ năng, lành tính. Do đó, bạn có thể tự chẩn đoán và điều trị. Các triệu chứng mà bạn cần quan tâm đến là:

- Mới xuất hiện

- Kéo dài hơn 3 tuần

- Nặng

- Kèm theo triệu chứng tiêu máu, sụt cân, sốt, yếu, mệt.

Điều trị táo bón

Muốn thành công trong cuộc sống, bạn cần nhạy bén và cần biết nắm bắt thời cơ. Để tránh hay khắc phục tình trạng táo bón bạn cũng phải như vậy. Nếu bạn có nuôi những chú cún, có lẽ bạn sẽ dễ dàng nhận thấy đặc điểm là các chú cún của bạn thường đại tiện ngay sau khi bạn cho chúng ăn. Đó là vì ruột hoạt động mạnh nhất sau bữa ăn và đây thời điểm ruột sẽ tống xuất phân ra ngoài.

Phòng ngừa bệnh táo bón - 1

Táo bón tuy không phải là căn bệnh quá nguy hiểm, những rõ ràng nếu bị chứng táo bón hoành hành thì không dễ chịu chút nào (Ảnh minh họa)

Nếu bạn bận rộn làm việc gì đó (vội đi làm, chở con đi học, hoàn cảnh không thuận lợi để đại tiện…), bạn sẽ nín lại. Hậu quả là tín hiệu đòi hỏi đại tiện (mắc cầu) sẽ giảm dần. Bạn sẽ không thấy mắc cầu nữa. Sự lưu lại trong ruột lâu sẽ làm phân bị hút mất nước và trở nên cứng, táo bón càng nặng hơn nữa.

Và thế là bạn mắc chứng táo bón. Như vậy, để tránh bị táo bón, bạn phải lắng nghe cơ thể bạn, bạn phải kịp thời nhận biết nhu cầu đại tiện để không bỏ lỡ thời điểm vàng trong ngày.

Việc dùng thức uống có cà phê vào buổi sáng (trái với suy nghĩ thông thường) có thể giúp gợi ra cảm giác mắc cầu. Để phân mềm, tín hiệu đòi hỏi đại tiện rõ ràng, bạn hãy uống đủ nước và ăn nhiều chất xơ (20 – 35 g/ ngày). Có một số loại trái cây giúp dễ đại tiện mà bạn nên biết như đu đủ, thanh long, xoài, mận, cam, chanh, quýt…

Lưu ý là nếu đột ngột ăn 1 lượng chất xơ nhiều quá bạn có thể bị đầy bụng, trung tiện nhiều, để tránh tác dụng phụ này, bạn nên tăng dần lượng chất xơ ăn vào.

Nếu sau tất cả những cố gắng trên mà chứng táo bón vẫn không giảm, thì bạn có thể dùng thêm thuốc nhuận trường. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy việc sử dụng lâu dài các thuốc nhuận trường gây ra ung thư hay làm hại đại tràng.

Điều lưu ý là việc sử dụng thuốc phải chỉnh liều theo từng cá thể sao cho đại tiện dễ nhưng không gây ra tiêu chảy (mất nước, rối loạn điện giải, mất Kali…). Tốt nhất đừng tự ý dùng thuốc nếu không có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Theo BS Nguyễn Phương (Bác sĩ gia đình)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thường gặp