Lối sống của trẻ em ngày nay khác xa các thế hệ trước: trẻ ăn nhiều chất béo, và thực phẩm nhiều đường, ít dành thời gian cho những hoạt động thể chất. Điều này khiến số trẻ em bị béo phì ngày càng gia tăng.
Các bậc phụ huynh chịu trách nhiệm rất lớn trong việc giáo dục con mình những thói quen lành mạnh về sức khỏe, những giá trị cũng như cách cư xử của chúng trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc phát triển thói quen ăn uống lành mạnh và rèn luyện các hoạt động thể chất không thể là chuyện giải quyết được trong ngày một, ngày hai.
Cần có thời gian và nỗ lực để giúp trẻ rèn luyện những thói quen tốt này. Giai đoạn mẫu giáo là thời điểm thích hợp để bạn bắt đầu dạy cho con những thói quen và cách cư xử đúng đắn, từ đó, khuyến khích trẻ theo đuổi một lối sống lành mạnh. Hãy bắt đầu mọi việc bằng một vài bí quyết sau đây:
Dạy trẻ ăn uống cân bằng
Rất nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra được vai trò quan trọng của một chế độ ăn uống cân bằng trong việc phát triển thể chất cũng như tinh thần. Hãy thảo luận về những thứ mà trẻ có thể lựa chọn cho khẩu phần của chúng. Con bạn phải hiểu rằng những chọn lựa về thức ăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính bản thân chúng. Cha mẹ chịu trách nhiệm dạy con mình cách đưa ra những quyết định khôn ngoan nhất. Do đó, nên khuyến khích trẻ tránh xa những loại thực phẩm giàu calo thường được quảng cáo rất cuốn hút trên ti vi.
Hãy gương mẫu
Trẻ học hỏi từ những gì đang diễn ra trong cuộc sống xung quanh chúng và cha mẹ cũng là thầy cô giáo của con. Cần nhớ rằng hành động luôn có hiệu quả hơn lời nói. Là cha mẹ, bạn nên chú ý đến các thói quen vệ sinh cá nhân sạch sẽ và cách cư xử chuẩn mực để trẻ học và làm theo.
Cùng ăn với nhau
Mỗi ngày cần ít nhất một bữa ăn có sự hiện diện của tất cả các thành viên trong gia đình. Điều này mang lại cơ hội để bạn làm gương cho con mình trong việc ăn uống và giúp trẻ có thái độ tích cực đối với việc chọn lựa thức ăn. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu được ăn cùng gia đình thường xuyên thì trẻ sẽ đạt được kết quả học tập cao hơn ở trường. Nên dùng bữa cùng nhau ở phòng ăn hoặc nhà bếp và tránh việc ngồi ăn trước ti vi. Đây là nguyên tắc vàng cho bữa ăn gia đình.
Mỗi ngày cần ít nhất một bữa ăn có sự hiện diện của tất cả các thành viên trong gia đình (Ảnh: Internet)
Cho trẻ làm bếp
Cho phép trẻ tham gia vào việc nấu nướng là một cách hay để thay đổi thói quen ăn uống khó tính của chúng. Có nhiều cách để bạn tạo điều kiện cho con mình tham gia vào một số công việc lặt vặt trong nhà như chơi đùa cùng trẻ ở ngoài trời, dẫn chúng cùng đi mua sắm, cho phép con tự nấu món ăn mà chúng yêu thích và phụ giúp bạn một số công việc trong bếp… Kéo trẻ vào các hoạt động mua sắm và chuẩn bị bữa ăn sẽ mang lại nhiều kiến thức bổ ích, giúp trẻ có được những lựa chọn lành mạnh và có lợi cho sức khỏe khi chúng đi ăn bên ngoài.
Tập thể dục cùng nhau
Nếu con bạn dành quá nhiều thời gian để chơi game và không ham thích các hoạt động thể dục thể thao, cần giải thích cho trẻ hiểu rằng các hoạt động thể chất sẽ giúp cơ thể khỏe khoắn và có nhiều năng lượng. Cố gắng thiết kế các hoạt động thể dục thể thao như là một thói quen hàng ngày của cả nhà. Đi dạo, đạp xe đạp… là những hoạt động phù hợp với gia đình. Hạn chế thời gian trẻ sử dụng máy vi tính, xem ti vi hoặc chơi điện tử tối đa hai giờ mỗi ngày. Đối với trẻ từ hai tuổi trở lên, hãy khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động vui chơi ở mức độ vừa phải với thời lượng ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Rèn thói quen vệ sinh
Việc chỉ dạy trẻ cách phòng tránh vi khuẩn là điều rất quan trọng. Tạo ra những thói quen đơn giản hàng ngày cho trẻ trong đó bao gồm cả những hoạt động tự vệ sinh cá nhân như đánh răng, rửa tay, sử dụng toilet, tắm… Cùng với vấn đề vệ sinh cơ thể, trẻ cũng cần được học về cách giữ gìn quần áo luôn sạch sẽ, gọn gàng.
Tránh thức ăn kém dinh dưỡng
Những loại đồ uống có đường như nước ngọt, nước trái cây chứa phẩm màu và chất làm ngọt nhân tạo cũng như những thực phẩm chứa nhiều đường (bánh, kẹo) cung cấp rất nhiều calo và không mang lại giá trị dinh dưỡng nào. Do đó, việc kiểm soát để trẻ không sử dụng quá nhiều những đồ uống và thức ăn bất lợi này cũng là một vấn đề mà các bậc phụ huynh phải lưu tâm. Thay vào đó, nên cho trẻ uống nhiều nước hoặc sữa.
Đôi khi cần nghiêm khắc
Phải hết sức kiên quyết trong những trường hợp trẻ có dấu hiệu sử dụng những thứ độc hại hoặc có những thói quen không tốt, chẳng hạn như hút thuốc, uống rượu… Trong những trường hợp này, bạn không được nhượng bộ với con mình. Hãy giải thích cho trẻ hiểu cơ chế gây hại của những thứ nguy hiểm này và khuyến khích trẻ nêu ra những thắc mắc của chúng để có thể giải quyết vấn đề triệt để. Trong trường hợp trẻ phá vỡ những quy tắc đã được thỏa thuận trước, bạn cần có biện pháp trừng phạt phù hợp.
Phần thưởng
Khi trẻ có những hành động tốt hoặc từ bỏ được thói quen không tốt, bạn có thể xem xét để thưởng cho chúng. Đó có thể là những hoạt động thể thao vui nhộn như một buổi đi chơi bowling hoặc xem phim mà chúng đang ao ước… Tuy nhiên, đừng bao giờ dùng thức ăn làm phần thưởng cho con. Phải để trẻ hiểu rằng chúng được thưởng vì những nỗ lực và thành quả mà chúng đạt được, chứ không phải chỉ vì khả năng hoàn thành nhiệm vụ của chúng.