Công việc "rửa lỗ rồng" cho hoàng đế xưa hóa ra lại có thể mang đến một số lợi lộc cho các cung nữ khiến họ phải dùng đủ thủ đoạn để giành được.
Các vị hoàng đế Trung Hoa xưa bên cạnh luôn có kẻ hầu người hạ. Hầu hạ vua không phải việc gì sung sướng bởi chỉ cần sơ sẩy, không cẩn thận làm vua phật ý hay tức giận cũng có thể bị trừng phạt, nhẹ thì đòn roi, nặng thì mất mạng. Thế nhưng có một công việc mà cung nữ nào cũng muốn tranh giành là "rửa lỗ rồng" cho vua - thực chất là hầu vua súc miệng mỗi sáng.
Buổi sáng sau khi thức dậy, hoàng đế cũng như người thường đều phải rửa mặt, vệ sinh răng miệng và việc này tất nhiên phải có người phục vụ.
Vào thời cổ đại, người dân thường chỉ sử dụng nước để súc miệng, thương nhân giàu có thì dùng nước muối, quan lại thì dùng rượu trắng pha với nước. Nhưng hoàng đế sẽ không sử dụng những phương pháp tầm thường này. Nước súc miệng của vua phải là sương sớm buổi sáng pha với lá trà tốt nhất, quý hiếm nhất. Loại trà này không dùng để uống mà để vua súc miệng và nhổ ra.
Hoàng đế Trung Hoa xưa sáng nào cũng phải "rửa lỗ rồng" hay chính là súc miệng bằng nước trà. (Ảnh minh họa)
Các cung nữ muốn tranh nhau hầu hạ vua "rửa lỗ rồng" cũng là vì ngụm trà này. Bởi vì lá trà để pha nước súc miệng cho vua đều là cống phẩm thượng hạng từ khắp cả nước. Thông thường trà sau khi vua dùng để súc miệng sẽ thừa lại, các tỳ nữ sẽ thu thập lại những lá trà cũ đó phơi khô, mỗi ngày cứ tích góp một lượng nhỏ, lâu dần cũng sẽ được một lượng lá trà lớn. Khi đó, đem bán những loại trà này ra bên ngoài cung sẽ có nhiều kẻ tranh nhau mua.
Bởi vì đó không chỉ là loại trà ngon mà còn là trà của hoàng đế. Trong mắt một số kẻ mê tín phong kiến việc được sử dụng lại những thứ mà vua từng dùng qua sẽ khiến bản thân ít nhiều được hưởng chút "long khí", cuộc sống chắc chắn sẽ sung sướng hơn.
Các cung nữ muốn tranh giành hầu vua súc miệng vì muốn lấy phần lá trà còn thừa đem bán và cũng để gây ấn tượng với vua. (Ảnh minh họa)
Nhưng lý do các cung nữ tranh nhau hầu vua súc miệng không chỉ vì đồng tiền mà vì còn muốn được lọt vào "mắt xanh" của vua. Trong khi đó, việc phục vụ vệ sinh cho hoàng đế là chuyện tương đối thân mật, nếu có cơ hội thể hiện nhan sắc trước vua và được vua để mắt tới thì tất nhiên cuộc sống cũng sẽ đổi khác.
Súc miệng bằng nước trà có thực sự hiệu quả?
Không bàn tới lý do tại sao các cung nữ thích hầu hạ vua súc miệng nhưng có thể thấy ngay từ thời cổ đại, con người cũng rất quan tâm tới việc giữ gìn vệ sinh răng miệng và hình thành thói quen súc miệng. Tuy nhiên thói quen súc miệng bằng nước trà khi ấy có thực sự mang lại hiệu quả?
Thực tế, động thái này của người xưa không phải là không có cơ sở khoa học. Theo nhiều nghiên cứu, súc miệng có thể làm sạch toàn diện tất cả các bộ phận của khoang miệng, làm giảm số lượng vi khuẩn trong khoang miệng, giảm sự xuất hiện của mảng bám răng, do đó giảm hôi miệng. Hơn nữa, bản thân trà có chứa polyphenol, có tác dụng kháng khuẩn, có thể ức chế một số vi khuẩn cụ thể trong khoang miệng.
Sau đây là một số lợi ích khi súc miệng bằng nước trà:
1. Ngăn ngừa sâu răng: Chất flo và các chất diệt khuẩn trong trà có thể làm cho vi khuẩn liên cầu trong phần sâu răng của khoang miệng mất khả năng sinh sản và ngăn chặn sự phát triển của sâu răng. Tuy nhiên, nếu bạn súc miệng bằng nước trà ngay sau bữa ăn, các chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe bao gồm canxi trong thức ăn sẽ không thẩm thấu vào răng mà bị mất đi. Để chống sâu răng, bạn nên đợisau bữa ăn khoảng 30 phút hãy súc miệng.
2. Khử mùi hôi miệng: Nước trà là một loại nước súc miệng tốt, có thể tác động nhiều lần đến các bộ phận khác nhau trong khoang miệng để loại bỏ cặn thức ăn và một phần cao răng ở các kẽ răng, cổ răng, kẽ răng, rãnh môi và má… Súc miệng cũng làm giảm mật độ vi khuẩn trong miệng và ức chế sự hình thành mảng bám. Sau khi súc miệng bằng trà, 98% người súc miệng cảm thấy sảng khoái, dễ chịu và hơi thở có mùi cũng biến mất.
3. Phòng ngừa bệnh nha chu: Bệnh nha chu là do vi khuẩn kỵ khí gây ra, súc miệng nước trà với nồng độ thích hợp có thể ức chế vi khuẩn kỵ khí, đạt được hiệu quả phòng ngừa bệnh nha chu.
4. Ngừa chảy máu răng: Viêm nướu có thể dẫn đến chảy máu răng do vi khuẩn gây ra. Trà có tác dụng diệt khuẩn, có thể làm chậm các triệu chứng viêm nướu và ngăn ngừa chảy máu nướu. Hơn nữa, súc miệng bằng trà có thể cải thiện tính thẩm thấu của mao mạch, tăng cường độ dẻo dai của thành mạch máu, từ đó ngăn ngừa tình trạng chảy máu do mao mạch dễ vỡ, do đó làm giảm tình trạng chảy máu chân răng.
Cách pha nước trà để súc miệng: Lấy 5g lá trà pha với 300ml nước nóng ở nhiệt độ 80-90 độ C, ngâm trong 30 phút. Mỗi lần lấy 100ml nước trà để súc miệng sáng, trưa, tối, lưu ý nên dùng trà đã nguội bớt để súc miệng.
Hoàng đế súc miệng bằng trà, còn người thường xưa chăm sóc răng miệng thế nào?
Khi chưa có các sản phẩm như bàn chải và kem đánh răng như ngày nay, người Trung Hoa xưa sử dụng nhiều cách để làm sạch răng miệng bởi họ cho rằng "cái răng, cái tóc" là gốc rễ sinh mệnh của mỗi con người.
Từ hơn 2000 năm trước, người Trung Hoa đã súc miệng ngay sau khi ngủ dậy bằng nước muối. Tôn Tư Mạc, một thầy thuốc nổi danh thời cổ đại của Trung Hoa, từng mô tả việc này như sau: "Mỗi sáng sớm ngậm một chút muối và nước ấm trong miệng, sẽ rất tốt cho cổ họng và răng".
Một số người có thể súc miệng bằng rượu và trà. Trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng có mô tả người nhà họ Giả sau khi ăn xong sẽ dùng trà để súc miệng.
Có một phương pháp khác là lau răng bằng ngón trỏ hoặc vải sạch. Khi khai quật một ngôi mộ được khai quật vào thời nhà Đường có phát hiện ghi chép về "một trăm tấm vải lau răng", điều này có nghĩa là vải vóc cũng được người Trung Hoa cổ đại sử dụng để làm sạch răng.
Ngoài ra, còn có cách làm sạch răng bằng dược cao. Người xưa rang các vị thuốc trư nha, tạo giác, gừng, khai ma, thục địa hoàng, mộc luật, tảo liên lá sen... cùng với thanh diêm (muối viên), sau đó xay nhuyễn rồi nấu lên và đắp lên răng.
Trong Quyển y thư "Ngoại đài bí yếu phương" còn ghi lại một cách vệ sinh răng miệng khá độc đáo: Mỗi buổi sáng cắn chặt cành dương liễu, thêm một chút thuốc để làm sạch răng, vừa thơm lại còn trắng sáng.