Cúm có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng một số nhóm người có nguy cơ mắc cúm cao hơn do tình trạng sức khỏe hoặc yếu tố sinh lý đặc thù.
Cúm mùa có nguy hiểm không?
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp do các chủng virus cúm Influenza gây ra. Bệnh cúm thường xuất hiện vào những thời điểm nhất định trong năm, đặc biệt là vào mùa đông-xuân, khi thời tiết lạnh thuận lợi cho virus phát triển, lây lan nhanh chóng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Mặc dù cúm mùa có thể gặp phải ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng mức độ nghiêm trọng của bệnh lại có sự khác biệt rõ rệt tùy theo đối tượng và tình trạng sức khỏe của người mắc. Có nhiều loại virus gây cúm mùa khác nhau, mỗi loại có đặc điểm và mức độ nguy hiểm riêng.
Cúm có thể gây biến chứng nguy hiểm đối với một số nhóm đối tượng. (Ảnh minh họa).
Trong đó, cúm A và cúm B là hai loại phổ biến nhất, có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng. Virus cúm A (Influenza A) bao gồm các phân nhóm như A/H1N1, A/H3N2 – thường gây ra các dịch lớn và có khả năng gây đại dịch. Virus cúm B (Influenza B) thường lưu hành cùng với cúm A nhưng thường gây bệnh nhẹ hơn. Virus cúm C (Influenza C) ít gặp hơn, đồng thời gây bệnh nhẹ.
Mặc dù đối với phần lớn người khỏe mạnh, cúm mùa chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ như: sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, nhưng bệnh trở nên nguy hiểm hơn đối với một số nhóm người bởi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như: viêm phổi, viêm cơ tim hay suy hô hấp, đôi khi gây nguy hiểm tới tính mạng. Nếu bạn là người thuộc một trong số những nhóm người này thì cần lưu ý để có kế hoạch bảo vệ bản thân thật tốt trong mùa cúm.
7 nhóm người dễ mắc bệnh cúm
1. Trẻ em dưới 5 tuổi
Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh, khiến cơ thể dễ bị virus cúm tấn công. Hơn nữa, trẻ em thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài như: trường học, khu vui chơi, nơi công cộng, làm tăng nguy cơ nhiễm virus.
Khi mắc cúm, trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa, thậm chí là hội chứng Reye nếu sử dụng aspirin không đúng cách. Để bảo vệ trẻ, cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng cúm hàng năm và dạy trẻ một số cách phòng tránh hiệu quả như:
+ Dạy trẻ ho, hắt hơi đúng cách, hạn chế đưa tay chạm vào mặt, đeo khẩu trang
+ Rửa tay sạch sẽ, vệ sinh thường xuyên, xây dựng lối sống (chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung vitamin...)
+ Không hôn lên mặt trẻ, cho trẻ vận động nhẹ...
Ngoài ra, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc cúm, tuyệt đối không được chủ quan mà cần phải theo dõi kỹ các triệu chứng để bảo vệ trẻ, tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Hệ miễn dịch của trẻ em chưa hoàn thiện, rất dễ mắc bệnh cúm. (Ảnh minh họa).
2. Người lớn từ 65 tuổi trở lên
Người cao tuổi có hệ miễn dịch suy giảm theo thời gian, khiến họ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, trong đó có cúm. Khi nhiễm cúm, người già có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng như: viêm phổi, suy hô hấp hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính như: tim mạch, tiểu đường,...
Tiêm vaccine cúm hàng năm là biện pháp bảo vệ hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng nên duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục đều đặn và giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh để tăng cường sức đề kháng.
3. Phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai có hệ miễn dịch thay đổi để thích nghi với sự phát triển của thai nhi, khiến họ dễ bị nhiễm cúm hơn. Nếu mắc cúm trong thai kỳ, mẹ bầu có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Ngoài ra, cúm cũng có thể làm tăng nguy cơ sinh non, sảy thai. Tiêm vaccine cúm trong kỳ mang thai được xem là một biện pháp an toàn, hiệu quả để bảo vệ cả mẹ và bé. Đồng thời, mẹ bầu cần giữ vệ sinh cá nhân, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đồng thời tránh tiếp xúc với người bị bệnh.
Phụ nữ mang thai dễ bị nhiễm cúm, có thể làm tăng nguy cơ sinh non, sảy thai. (Ảnh minh họa).
4. Người có hệ miễn dịch suy yếu
Những người có hệ miễn dịch suy yếu bao gồm: bệnh nhân ung thư, người đang điều trị hóa trị, xạ trị, bệnh nhân ghép tạng hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, có nguy cơ cao mắc bệnh cúm.
Khi nhiễm cúm, cơ thể họ khó chống lại virus, làm tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng như: viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết. Để phòng tránh, ngoài việc tiêm phòng cúm định kỳ, những người này cần hạn chế đến nơi đông người trong mùa dịch và áp dụng các biện pháp bảo vệ như rửa tay, đeo khẩu trang.
5. Người mắc bệnh mạn tính
Những người mắc bệnh mạn tính như: tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn có nguy cơ cao mắc cúm và gặp biến chứng nặng hơn so với người khỏe mạnh.
Cúm có thể làm tình trạng bệnh của họ trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến suy hô hấp, nhập viện hoặc thậm chí đe dọa đến mạng sống. Vì vậy, những người này cần được tiêm phòng cúm hàng năm, duy trì kiểm soát tốt bệnh lý nền và thực hiện lối sống lành mạnh để nâng cao sức đề kháng.
Những người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ cao mắc cúm và gặp biến chứng nặng. (Ảnh minh họa).
6. Người béo phì
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có chỉ số BMI cao, đặc biệt là béo phì mức độ nặng, có nguy cơ mắc cúm cao hơn và dễ bị biến chứng nghiêm trọng.
Lý do là vì béo phì ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch và khả năng hô hấp, khiến cơ thể khó chống lại virus cúm. Ngoài việc tiêm phòng cúm, những người thừa cân béo phì nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường vận động để kiểm soát cân nặng và nâng cao sức đề kháng.
7. Người đã từng bị đột quỵ
Những người từng bị đột quỵ có nguy cơ cao gặp biến chứng nghiêm trọng khi mắc cúm. Lý do là virus cúm có thể gây viêm nhiễm, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và ảnh hưởng đến hệ tim mạch. Điều này đặc biệt nguy hiểm với những người đã có tiền sử đột quỵ, vì nó có thể làm tăng nguy cơ tái phát đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
Ngoài ra, bệnh cúm cũng có thể gây sốt cao, làm tăng áp lực lên hệ thần kinh và tim mạch, khiến tình trạng của bệnh nhân trở nên nghiêm trọng hơn. Việc tiêm phòng cúm hàng năm và duy trì kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ tim mạch là biện pháp quan trọng giúp bảo vệ nhóm người này.