Uống nước đầy đủ rất tốt với cơ thể, nhưng quá trình uống cũng cần thực hiện một cách khoa học, hợp lý và phù hợp với từng thời điểm, bệnh lý.
Nước có vai trò vô cùng quan trọng với cơ thể và không ai có thể phủ nhận được điều đó. Tuy nhiên, có không ít người chia sẻ hay nói cách khác là “thần thánh” hóa việc uống nước, nhất là vào buổi sáng. Theo đó, những khẩu hiệu thường gặp nhất đó là “hãy uống đủ 2 lít nước mỗi ngày” hay “sáng dậy đừng ăn ngay, hãy uống một cốc nước” hoặc “uống nước ngay sau khi ngủ dậy tốt hơn ăn sáng”.
TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, thông tin cho rằng việc uống nước sau khi ngủ dậy tốt hơn ăn sáng là không đúng. Bởi uống nước sẽ không cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, trong khi ăn sáng ngoài cung cấp năng lượng còn giúp bổ sung nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu để duy trì sự sống.
Uống nước buổi sáng không thể thay thế cho bữa sáng. (Ảnh minh hoạ)
Còn việc cho rằng nên uống một cốc nước vào buổi sáng, ngay sau khi thức dậy là đúng và mọi người nên làm thường xuyên để tạo thành thói quen. Bởi trong thời gian ngủ suốt một đêm, cơ thể sẽ bị thiếu nước và uống nước vào buổi sáng sẽ giúp tăng lưu thông máu, thúc đẩy tuần hoàn máu…
Thậm chí, không cần đánh răng trước mà uống ngay một cốc nước cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Theo bác sĩ Sơn, dù trong miệng có chứa vi khuẩn nhất định, khi uống nước vi khuẩn này sẽ bị nuốt vào nhưng ở trong ruột và dạ dày có một số tế bào khử trùng, diệt được vi khuẩn nên sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngoài ra, nếu tạo được thói quen uống nước vào buổi sáng sẽ tốt cho tiêu hóa, giúp đại tiện đều đặn hơn vào mỗi sáng. “Uống nước vào buổi sáng sau khi thức dậy nhìn chung là tốt, nhưng với một số người có các rối loạn chức năng phổi, như thường xuyên tức ngực, khó thở, thở khò khè, tim đập nhanh, ho và có nhiều đờm, nghẹt mũi và chảy nước mũi, quá trình chuyển hóa nước cũng kém và uống nước bừa bãi sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng và không nên uống quá nhiều nước vào buổi sáng”, bác sĩ Sơn khuyến cáo.
Nhìn chung uống nước buổi sáng tốt nhưng một số người có bệnh cần cân nhắc. (Ảnh minh họa)
Riêng với lời khuyên nên uống 2 lít nước mỗi ngày, TS Trương Hồng Sơn cho biết điều này là không chính xác, vì sẽ tùy vào thời tiết, tuổi tác, tình trạng sinh hoạt, lao động và nhu nhu cầu của mỗi người.
Bác sĩ Sơn đưa ra lời khuyên:
- Trẻ em dưới 10kg, với mỗi kg cân nặng sẽ cần 100ml/ngày, tương đương cần nạp vào cơ thể khoảng 1 lít nước/ngày. Trẻ nhũ nhi đang bú sữa mẹ hoàn toàn thì không cần uống nước.
- Trẻ 10 - 20kg sẽ cần nạp vào cơ thể mỗi cân nặng tăng thêm sau 10kg là 50ml/kg, khi trẻ được 20kg thì một ngày cần 1,5 lít nước. Khi trẻ được 40kg thì cần nạp vào cơ thể khoảng 1,9 lít mỗi ngày.
- Với người trưởng thành có cân nặng 40 - 60kg, cần nạp 40ml/kg/người/ngày, tức là cần 1,6 lít tới 2,4 lít nước/ngày.
Người cao tuổi khỏe mạnh (từ 60 tuổi trở lên) sẽ cần lượng nước thấp hơn người trưởng thành. Người cao tuổi cần khoảng 30ml/kg/người/ngày.
Để biết được cơ thể có đang thiếu nước hay không, bác sĩ Sơn hướng dẫn mọi người nên nhìn vào màu sắc nước tiểu để nhận biết. Khi uống đủ nước, nước tiểu có màu trắng hoặc hơi vàng. Khi nước tiểu có màu cam hoặc vàng sậm và đậm hơn bình thường thì đó là dấu hiệu cảnh báo rằng cơ thể đang bị thiếu nước.