Từng đạt giải Oscar khi chỉ mới 16 tuổi, là một trong những diễn viên trẻ nhất giành được tượng vàng nhưng tuổi thơ của Patty Duke lại là chuỗi ngày đen tối khi bị giam lỏng, quấy rối tình dục.
Ngày 29/3/2016, diễn viên Patty Duke đã qua đời ở tuổi 69 vì nhiễm trùng huyết sau khi vỡ ruột. Thành công từ rất sớm nhưng Patty lại không hề có tuổi thơ sung sướng như nhiều người nghĩ.
Thành công đến sớm nhưng tuổi thơ đen tối, bị quẩy rối tình dục
Patty sinh ngày 14/12/1945 tại New York, Mỹ. Bà bắt đầu sự nghiệp diễn xuất từ năm 8 tuổi. Năm 1962, Patty trở thành cái tên quen thuộc với vai diễn Helen Keller trong bộ phim The Miracle Wokder. Với màn diễn xuất tuyệt vời của mình, cô gái 16 tuổi Patty khi ấy đã giành giải Oscar cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất và trở thành diễn viên trẻ nhất giành được tượng vàng ở thời điểm đó.
Sau đó, Patty lại tiếp tục có sự nghiệp truyền hình thành công, với 3 phần phim "The Patty Duke Show" kéo dài hơn 100 tập.
Patty Duke bắt đầu tham gia diễn xuất từ năm 8 tuổi.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Patty đã nhận được một ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood, từng là chủ tịch của Nghiệp đoàn Diễn viên Màn ảnh (tiếng Anh: Screen Actors Guild, SAG), giành được hai Giải Quả cầu vàng, ba Giải thưởng Emmy,... vào bộ sưu tập thành tích của bà.
Thành công đến sớm nhưng Patty lại không hề hạnh phúc. “16 tuổi có được Oscar, tôi đã thành công. Nhưng cái giá phải trả thật khủng khiếp”, Patty từng chia sẻ.
Patty sinh ra trong một gia đình nghèo, cha nghiện rượu và bỏ rơi 2 mẹ con khi Patty 7 tuổi. Mẹ của bà là một người phụ nữ có khuynh hướng bạo lực và bị trầm cảm nên đã bỏ rơi bà và lợi dụng Patty để kiếm tiền. "Mẹ tôi dường như đã muốn bỏ rơi và lợi dụng tôi để kiếm tiền khi giới thiệu tôi với John và Ethel Ross – những người quản lý sân khấu tại New York của anh trai tôi, Raymond”.
Patty nhận được giải Oscar khi chỉ mới 16 tuổi.
Nhận thấy tiềm năng của Patty Duke, Ethel Ross thuyết phục bà Frances Duke rằng nên để con gái sống với họ. “Đó là một quyết định kinh khủng và đau lòng mà mẹ tôi đã lựa chọn. Bà nghĩ rằng những người đó có một loại ma thuật giúp cuộc sống tôi tuyệt vời hơn”, Patty nói.
Cũng kể từ đó, Patty phải sống những ngày tháng cách xa gia đình, người thân khi 2 người quản lý John và Ethel Ross quyết không cho cô bé gặp cha mẹ, đổi nghệ danh của nữ diễn viên từ Anna Marie Duke thành Patty Duke và giám sát cô 24/24. Họ thậm chí còn quyết định xem Patty nên mặc gì, ăn gì, làm gì và còn quấy rối tình dục cô gái trẻ.
Trên sân khấu, trên màn ảnh và ngay cả trong các cuộc phỏng vấn báo chí, Patty Duke phải tỏ ra là một đứa trẻ hạnh phúc, một thần đồng tài năng nhưng phía sau đó là cuộc sống đen tối. “Tôi bị mất sự tự chủ hoàn toàn, mọi mối quan hệ của tôi bị biến dạng. Tôi từng hoảng loạn khi không biết mình phải chịu đựng trong bao lâu”, bà nói.
Cuối cùng, hợp đồng giữa Patty Duke và The Rosses đã bị hủy bỏ năm 1965 – năm nữ diễn viên 18 tuổi. Bà kết hôn với Harry Falk Jr., một trợ lí giám đốc 32 tuổi trong chương trình “The Patty Duke Show”. Tuy nhiên những bi kịch vẫn chưa dừng lại ở đó.
Patty phải rời xa gia đình từ sớm, bị quản lý nghiêm ngặt và bị quấy rối tình dục.
Ám ảnh quá khứ dẫn tới căn bệnh rối loạn lưỡng cực
Cuộc hôn nhân của Patty kéo dài đươc 2 năm sau khi bà có biểu hiện tinh thần không thể kiểm soát được, bà lạm dụng ma túy và rượu, có hành vi bốc đồng trước khi được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực vào đầu những năm 1980.
Sau khi ly hôn người chồng đàu tiên, Patty đã đắm chìm vào mối quan hệ với nhiều người đàn ông khác như nam diễn viên trẻ Desi Arnaz hay qua lại với tiền bối hơn 16 tuổi đã có vợ, John Astin. Thời điểm đó, Patty đã có những dấu hiệu bất ổn về tâm lý. Giai đoạn trầm cảm của Patty kéo dài đến năm 1982.
Patty và người chồng đầu tiên của cô, Harry Falk Jr (ảnh trái), Patty Duke với chồng thứ 4 Michael Pearce, nhận ngôi sao của mình trên Đại lộ Danh vọng Hollywood năm 2004 (ảnh phải).
Nữ diễn viên lần đầu tiên công bố tình trạng bệnh của mình là rối loạn lưỡng cực trong cuốn tự truyện phát hành năm 1987. Người ta cho rằng những năm tháng tuổi thơ bị giam lỏng đã khiến tinh thần bà trở nên rối loạn, hành xử thất thường và phải tìm đến rượu, ma túy và thuốc.
Ở độ tuổi trung niên, Patty trở thành người vận động cho vấn đề sức khỏe tâm thần, và dùng danh tiếng để tranh đấu cho những người cùng bị mắc chứng rối loạn lưỡng cực.
May mắn cho Patty khi tới cuối đời, bà đã có được hạnh phúc bên người chồng thứ 4 là Michael Pearce, người từng là cố vấn kỹ thuật cho một bộ phim truyền hình mà cô đóng vai chính, A Time to Triumph.
Rối loạn lưỡng cực là gì
Rối loạn lưỡng cực, hay còn gọi là rối loạn hưng – trầm cảm, là tình trạng tâm thần thay đổi bất thường khiến tâm trạng có thể đột ngột hưng cảm (tăng động, kích động) hoặc trầm cảm. Khi người bệnh cảm thấy chán nản, họ có thể cảm thấy tuyệt vọng và mất hứng thú trong các hoạt động thường ngày. Khi tâm trạng người bệnh thay đổi theo hướng khác, họ sẽ cảm thấy đầy hưng phấn và tràn đầy năng lượng. Trạng thái thay đổi tâm lý đột ngột này thường xuất hiện vài lần trong năm hoặc thậm chí nếu nặng hơn là vài lần trong tuần.
Patty mắc chứng rối loạn lưỡng cực do tuổi thơ đen tối.
Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn lưỡng cực
Khi hưng cảm, người bệnh sẽ có một số biểu hiện sau:
- Ăn uống nhiều hơn;
- Không thích ngủ nhiều;
- Suy nghĩ tích cực và nói nhiều hơn;
- Hoạt động mạnh để tiêu hao năng lượng;
- Cảm thấy tràn đầy năng lượng và hạnh phúc;
- Giảm khả năng phán xét và thường lúng túng khi quyết định sự việc;
- Có thể nghe thấy giọng nói lạ hoặc nhìn thấy ảo giác.
Ở trạng thái trầm cảm, người bệnh sẽ gặp một số triệu chứng sau:
- Ăn ít hơn;
- Cảm thấy uể oải;
- Cảm thấy tự ti về bản thân;
- Cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt;
- Buồn và khóc không rõ lí do, rối loạn giấc ngủ;
- Suy nghĩ về cái chết hoặc muốn tự tử.
Rối loạn hưng – trầm cảm thường xảy ra theo chu kì. Tâm trạng thay đổi theo mỗi tháng, mỗi tuần, mỗi mùa hoặc trầm trọng hơn là có thể vào mỗi ngày.
Hiện nay, nguyên nhân của bệnh rối loạn lưỡng cực vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, tình trạng tâm thần bất ổn này có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố xã hội như căng thẳng và nghiện bia rượu. Ngoài ra, rối loạn lưỡng cực cũng có thể xảy ra khi bạn dùng sai thuốc đặc trị hoặc đổi liều thuốc mà chưa được sự cho phép của bác sĩ.