Theo con số mà FDA đưa ra, có 457 phụ nữ ở Mỹ được xác định bị ung thư lympho tế bào khổng lồ sau khi đặt túi nâng ngực (giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2018), trong đó, 9 người đã tử vong.
Những ngày gần đây, sau khi Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đưa ra con số về mối liên hệ giữa đặt túi nâng ngực và bệnh ung thư khiến không ít người tỏ ra hoang mang lo lắng. Đặc biệt, việc dùng túi nâng ngực ở Việt Nam đang “nở rộ” như một trào lưu đối với chị em.
Theo con số mà FDA đưa ra, có 457 phụ nữ ở Mỹ được xác định bị ung thư lympho tế bào khổng lồ sau khi đặt túi nâng ngực (giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2018), trong đó, 9 người đã tử vong.
Trước thông tin trên, Ths.BS Nguyễn Minh Nghĩa, Giảng viên Bộ môn Phẫu thuật Tạo hình (Đại học Y Hà Nội) cho rằng, ung thư lympho tế bào khổng lồ là loại ung thư xuất hiện kèm với đặt túi ngực có tỉ lệ cực thấp.
Ngoài liên quan đến ung thư, độn ngực còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Theo BS Nghĩa, loại ung thư này có thể gặp ở trên bệnh nhân đặt túi trong nâng ngực thẩm mỹ và tái tạo ngực sau cắt bỏ ung thư. Thời gian xuất hiện trung bình khoảng 10 năm sau khi đặt túi.
Các triệu chứng sớm và hay gặp nhất của ung thư tế bào lympo khổng lồ là tụ dịch quanh túi, tăng thể tích và đau. Ngoài ra còn có các triệu chứng đỏ da vùng ngực, sờ thấy khối bất thường tuy nhiên tỷ lệ thấp hơn. Khi xuất hiện những triệu chứng trên, thông quan chụp MRI có thể thấy hình ảnh tổn thương lan tỏa xung quanh túi và việc chẩn đoán xác định cần dựa vào tế bào học, có nghĩa là cần lấy bỏ túi và lấy tổ chức quanh túi để làm giải phẫu bệnh để đưa ra kết luận cuối cùng.
Ngoài những mối liên quan giữa việc đặt túi nâng ngực và ung thư lympho tế bào khổng lồ, GS Trần Thiết Sơn – Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (BV Xanh Pôn) cho biết, việc đặt túi độn ngực còn có thể xảy ra những rủi ro khác đối với sức khỏe. Qua thực tế khám và điều trị, GS Sơn đã xử lý không ít trường hợp như vậy.
Theo đó, ngoài biến chứng rách túi, quá trình phẫu thuật cũng có thể gặp một số tình trạng khác như chảy máu trong khoang đặt túi sau phẫu thuật, nhiễm trùng chậm, bao xơ co thắt, vôi hóa bao xơ…
Thậm chí, có những trường hợp xảy ra tình trạng “4 ngực”. Đó là 2 ngực gốc bị đẩy xuống dưới, còn 2 túi độn ngực thì lại độn lên trên.
Phân tích về nguyên nhân dẫn tới tai biến khi tạo hình "vòng một" của chị em, GS Sơn cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là do không được phẫu thuật ở nơi có điều kiện an toàn về vô trùng, trang thiết bị không đảm bảo. Nguyên nhân thứ hai dẫn đến tai biến là do chất liệu nguồn gốc không rõ ràng, kém gây dễ vỡ. Cuối cùng là do là kỹ thuật viên không có chuyên môn.
Để tránh những tai biến có thể xảy ra, GS Sơn cho rằng những người có nhu cầu nên tìm đến các bệnh viện có uy tín, được trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật, có đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm để thực hiện. Không nên nghe lời quảng cáo, đến các cơ sở kém chất lượng kẻo tiền mất tật mang.
“Tại các bệnh viện uy tín với các chuyên gia có trình độ, trước khi thực hiện các bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng, đủ điều kiện mới được thực hiện. Còn tại một số cơ sở y tế tư nhân, có thể họ vì lợi nhuận mà bỏ qua khâu kiểm tra sức khỏe người bệnh kỹ lưỡng trước khi làm. Điều đó rất nguy hiểm”, GS Sơn chia sẻ.