Hoa hòe: Tác dụng với sức khỏe và các bài thuốc chữa bệnh

Ngày 21/06/2020 17:00 PM (GMT+7)

Hoa hòe là một vị thuốc dân gian được sử dụng nhiều trong Đông y với các bài thuốc có tác dụng trị cao huyết áp, mất ngủ, trĩ, đi ngoài ra máu,... Vậy tác dụng của hoa hòe là gì, cách sử dụng ra sao, cần lưu ý những điểm gì?

Tổng quan về cây hoa hòe

1. Đặc điểm sinh học

Cây hoa hòe hay còn được biết đến là cây hòe giao, hòe nhụy, hòe hoa, hòe thực,... Cây hoa hòe có tên khoa học là Styphnolobium japonicum, là loài cây thuộc họ Đậu. Thông thường trong Đông y thường sử dụng phần nụ với phần quả để làm thuốc chữa bệnh.

Cây hoa hòe thuộc nhóm cây thân gỗ, chiều cao trung bình từ 8 đến 10 mét, nhiều cây cao tới 15 mét, thậm chí 20 mét. Cành cây cong, có nhiều nhánh cây nhỏ và có màu xanh nhạt, trên cành có nhiều lá có dạng lông chim, còn nụ hoa thường mọc ở đầu cành và có màu xanh trắng đặc trưng. Cây có ra quả, quả thường có màu xanh, vỏ khá dày, có dạng giống như hạt đậu.

Hoa hòe: Tác dụng với sức khỏe và các bài thuốc chữa bệnh - 1

Hình ảnh của cây hoa hòe

2. Phân bố và thu hoạch

Cây hoa hòe có xuất xứ từ các nước ở châu Á có khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới như: Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Nhật, Mỹ,... Ở nước ta, khu vực vùng núi phía Bắc hoặc trung du Bắc Bộ là trồng nhiều loại cây này. 

Cây hoa hòe thường phát triển mạnh nhất là vào mùa hè từ tháng 5 đến tháng 8. Khi này hoa sẽ nở và được người dân thu hái để làm thuốc. Còn vào tháng 10 hoặc tháng 11 sẽ tiến hành thu hoạch quả. Hoa và quả cây hoa hòe đều có thể được phơi khô rồi chế biến thành các bài thuốc chữa bệnh.

3. Thành phần hóa học trong hoa hòe

Tác dụng của hoa hòe trong chữa bệnh đến từ việc nó có chứa hàng loạt các hoạt chất vô cùng có lợi cho sức khỏe, bao gồm:

- Rutin (8% với hoa tươi, 28% với nụ hoa phơi khô)

- Quercetin

- Betulin

- Alkaloid

- Flavonoid

- Sophoradiol

Trong đó hoạt chất Rutin có tác dụng tốt nhất trong điều trị chứng cao huyết áp, đột quỵ, tai biến mạch máu não. Chất này có nhiều nhất ở trong nụ hoa hòe phơi khô, và đây cũng chính là dược liệu được thu hoạch nhiều nhất để sử dụng.

Hoa hòe có tác dụng gì với sức khỏe?

Tác dụng của hoa hòe đã được các nhà nghiên cứu chứng minh và được sử dụng rộng rãi trong chữa bệnh. Theo như Đông y, hoa hòe có vị đắng, tính lạnh, có tác dụng cầm máu, ngăn ngừa chảy máu trong cơ thể. Do đó, hoa hòe được sử dụng trong các trường hợp muốn cầm máu do vết thương hở, chữa chứng chảy máu cam, điều trị ho ra máu, rong kinh, đi ngoài ra máu. 

Ngoài ra, hoa hòe còn giúp điều trị rối loạn huyết áp, đột quỵ do tai biến mạch máu não. Dưới đây là các tác dụng và bài thuốc từ hoa hòe giúp chữa bệnh hiệu quả:

1. Điều trị cao huyết áp

Bài thuốc 1: 

- Chuẩn bị hoa hòe và hoa muồng với số lượng như nhau

- Đem hỗn hợp đi sao vàng, sau đó tán thành bột. Mỗi ngày dùng 10-15g, mỗi lần chỉ uống 5g, hãm nước để uống như uống nước chè.

Bài thuốc 2:

- Chuẩn bị hoa hòe và hy thiêm thảo với số lượng như nhau

- Rửa sạch rồi đem hỗn hợp đi sắc thành thuốc để uống hàng ngày. Mỗi ngày chỉ uống khoảng 20-40g hoa mỗi loại, chia làm 2 lần uống trong ngày.

Bài thuốc 3:

- Chuẩn bị hoa hòe, độc hoạt tang ký sinh mỗi loại 25g, còn lại xuyên khung, hạ thảo khô và địa long mỗi loại 20g. 

- Đem hỗn hợp đi sắc thuốc uống hàng ngày, mỗi ngày uống từ 1 đến 2 lần.

Hoa hòe: Tác dụng với sức khỏe và các bài thuốc chữa bệnh - 2

Hoa hòe có tác dụng giảm tình trạng cao huyết áp

2. Trị bệnh ngoài da thường gặp

Tác dụng của hoa hòe trong trị bệnh ngoài da thường gặp có thể tham khảo bài thuốc sau:

- Chuẩn bị khúc khắc, hoa hòe mỗi loại 30g, cam thảo 10g.

- Cho hỗn hợp vào ấm nước để đun sôi, sử dụng giống như uống trà hàng ngày. Mỗi ngày uống hết 1 thang thuốc trên, duy trì đến khi bệnh tình thuyên giảm.

3. Chữa nhức đầu, choáng váng, tê các ngón tay

Bài thuốc bao gồm:

- Chuẩn bị nụ hoa hòe, tâm sen và hạt muồng số lượng như nhau.

- Rửa sạch sau đó mang hỗn hợp đi sao vàng rồi tán nhỏ thành bột. Mỗi ngày lấy 5g bột pha với nước nóng để uống như uống trà, ngày uống từ 2-3 lần.

4. Chữa nôn, ói ra máu

Bạn có thể tham khảo bài thuốc sau đây:

- Chuẩn bị hoa hòe tươi 12g, cây nhọ nồi 4g, rễ tranh

- Đem sao vàng hỗn hợp rồi sau đó tán nhỏ thành bột. Mỗi lần sử dụng thì đem trộn cùng với nước sắc từ rễ tranh.

5. Chữa sốt xuất huyết

Bài thuốc này chỉ dùng khi bệnh đã thuyên giảm, nhằm giúp ngăn ngừa tình trạng xuất huyết dạ dày.

- Chuẩn bị hoa hòe và hạt muồng số lượng như nhau.

- Đem hỗn hợp đi sao trên chảo nóng rồi tán nhỏ thành bột. Mỗi ngày lấy 10-15g bột pha với nước nóng để uống, chia làm 2-3 lần/ngày, tình trạng bệnh sẽ thuyên giảm.

Hoa hòe: Tác dụng với sức khỏe và các bài thuốc chữa bệnh - 3

Điều trị bệnh sốt xuất huyết nhờ vào hoa hòe

6. Chữa chảy máu cam ở trẻ em

- Chuẩn bị hoa hòe, kinh giới, trắc bách diệp mỗi loại 12g.

- Đem hỗn hợp đi sao trên chảo cho đen lại, sau đó đem sắc thành thuốc uống hàng ngày. Một thang thuốc trên chia uống 2 lần/ngày sau khi ăn.

7. Chữa đại tiện ra máu

Tác dụng của hoa hòe rất tốt trong chữa đại tiện ra máu hiệu quả. Bài thuốc bao gồm:

Bài thuốc 1:

- Chuẩn bị hoa hòe, hoạt thạch, địa du mỗi loại 15g; hoàng bá, hoàng liên, hoàng cầm mỗi loại 10g; kim ngân hoa, đương quy, kinh địa mỗi loại 12g; chỉ xác, thăng ma, sài hổ mỗi loại 6g; cam thảo 3g. 

- Đem tất cả hỗn hợp đi sắc thuốc để uống hàng ngày, mỗi ngày chia làm 3 lần uống sẽ giúp thuyên giảm tình trạng đại tiện ra máu ở người.

Bài thuốc 2:

- Chuẩn bị hoa hòe, kinh giới, bá tử nhân, thương xác số lượng như nhau.

- Đem sao vàng rồi tán nhỏ thành bột hỗn hợp trên. Mỗi lần lấy 6g để sử dụng, pha giống như pha trà, mỗi ngày uống 1-2 lần.

8. Chữa lao hạch ở cổ

Bài thuốc này sử dụng tác dụng của hoa hòe và gạo nếp để giảm thiểu tình trạng nổi lao hạch ở cổ:

- Chuẩn bị hoa hòe và gạo nếp theo tỷ lệ 2:1, tức là 2 phần hoa hòe thì sẽ có 1 phần gạo nếp.

- Đem sao hỗn hợp trên rồi sau đó tán nhỏ thành bột. Mỗi ngày lấy ra 10g bột để sử dụng, pha với nước nóng để uống trước khi ăn sáng khoảng 15-30 phút.

9. Điều trị bệnh viêm tuyến vú cấp tính

- Chuẩn bị hoa hòe, rượu trắng

- Đem hoa hòe đi sao vàng, sau đó tán thành bột để uống. Mỗi lần lấy ra khoảng 10-15g bột hoa hòe, kết hợp với 1 chén rượu và 1 cốc nước để uống hàng ngày.

10. Điều trị bệnh trĩ

Bài thuốc 1:

- Chuẩn bị một nắm hoa hòe tươi, rửa sạch sau đó để cho ráo nước

- Đem hoa hòe sắc với khoảng 200-300ml nước, sau đó giữ lại 100ml nước thuốc để dùng hàng ngày. Chia làm 2 lần uống/ngày sẽ giúp giảm kích thước búi trĩ, sa búi trĩ, ngăn ngừa chảy máu ở hậu môn.

Bài thuốc 2:

- Chuẩn bị hoa hòe tươi, khổ sâm số lượng như nhau

- Đem hỗn hợp đi sao vàng, sau đó tán nhỏ thành bột để sử dụng. Mỗi khi bị sưng đau do trĩ, bạn hãy lấy chút bột này trộn với một ít nước để bôi ngoài hậu môn, tình trạng đau rát do trĩ sẽ thuyên giảm.

Bài thuốc 3: 

- Chuẩn bị hoa hòe, chỉ xác, trắc bá mỗi loại 12g, kinh giới 8g.

- Đem hỗn hợp đi sao vàng rồi mang đi tán nhỏ thành bột. Mỗi ngày làm 1 thang thuốc như vậy, lấy bột đó pha với nước nóng để uống hàng ngày.

11. Điều trị vảy nến

- Chuẩn bị hoa hòe cùng với mật ong

- Đem hoa hòe rửa sạch, sau đó mang sao vàng rồi tán nhỏ thành bột. Lấy bột đó trộn cùng với mật ong theo tỷ lệ phù hợp để vo thành những viên tròn. 

- Uống 2 lần/ngày, mỗi lần uống vài viên (khoảng 3g) cùng với nước ấm sau khi ăn xong sẽ giúp giảm bớt tình trạng vảy nến ở da tay.

Hoa hòe: Tác dụng với sức khỏe và các bài thuốc chữa bệnh - 4

Các hoạt chất từ hoa hòe có thể giảm bớt tình trạng vảy nến

12. Chữa rong kinh ở phụ nữ

Trong nhiều cách chữa rong kinh ở phụ nữ hiện nay, tác dụng của hoa hòe được đánh giá rất cao và rất thành công, bạn có thể tham khảo bài thuốc sau:

- Chuẩn bị hoa hòe tươi 40g, cây thảo sương 20g

- Đem hỗn hợp đi sao vàng, sau đó tán nhỏ thành bột để sử dụng. Mỗi lần lấy 10g bột đem trộn cùng với nước ấm, sử dụng liên tục 7 ngày để thuốc mang lại hiệu quả chữa rong kinh tốt nhất.

13. Hoa hòe chữa mất ngủ

- Bài thuốc cần có hoa hòe, hạt muồng số lượng như nhau

- Đem hỗn hợp trên đi sao vàng, sau đó đem nghiền nhỏ thành bột. Mỗi lần sử dụng lấy ra 5g bột đem pha với nước ấm để uống. Mỗi ngày sử dụng 2 lần sẽ giúp bạn ngủ ngon giấc hơn.

Những đối tượng nào không nên sử dụng hoa hòe?

Tác dụng của hoa hòe đối với sức khỏe là không thể phủ nhận, thế nhưng không phải bất kỳ ai cũng có thể sử dụng loại hoa này phục vụ mục đích chữa bệnh. Những đối tượng sau đây không nên sử dụng hoa hòe:

- Phụ nữ đang mang thai: Hoa hòe có tính lạnh, lại có khả năng cầm máu, thanh nhiệt, điều trị xuất huyết. Do đó không hề phù hợp với phụ nữ mang thai, làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non ở phụ nữ.

- Phụ nữ đang cho con bú: Hoa hòe có thể khiến thay đổi mùi vị của sữa mẹ, khiến trẻ không chịu bú, làm giảm chất lượng của sữa mẹ, từ đó trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, thấp còi, dễ mắc bệnh.

- Người đang mắc bệnh tiêu chảy: Hoa hòe có tính lạnh, không hề phù hợp với những người đang bị đau dạ dày hoặc tiêu chảy, bởi nó có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.

- Người bị huyết áp thấp: Trong hoa hòe có chứa nhiều hoạt chất có khả năng làm giảm huyết áp ở người bị cao huyết áp. Do đó cũng không phù hợp để sử dụng ở người bị huyết áp thấp.

Hoa hòe: Tác dụng với sức khỏe và các bài thuốc chữa bệnh - 5

Phụ nữ đang cho con bú không nên sử dụng hoa hòe để chữa bệnh

Tương tác của hoa hòe với các loại thuốc

Hoa hòe có khả năng làm giảm đi tác dụng của một số loại thuốc mà bạn hay sử dụng. Ngoài ra hoa hòe có thể gây ra các tác dụng phụ khi sử dụng chung với các loại thực phẩm chức năng. Do đó, trước khi sử dụng hoa hòe để chữa bệnh, bạn cần tham khảo rõ ràng ý kiến của bác sĩ, tránh tự ý sử dụng.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng hoa hòe, nếu như bạn gặp phải các tác dụng phụ hoặc các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, hãy lập tức ngưng sử dụng và đến ngay bệnh viện để tìm hiểu nguyên nhân. Từ đó tìm ra giải pháp điều trị bệnh và lựa chọn phương pháp chữa trị khác an toàn hơn.

Nguồn tham khảo:

Cây Hoa Hòe: Vị thuốc và những tác dụng quý - IHS Vì sức khỏe cộng đồng xuất bản ngày 10/6/2020

Sophora Japonica - Chinese Herbs Healing xuất bản ngày 30/8/2013

và một số nguồn uy tín khác

32 tác dụng tuyệt vời của lá trầu không ít người biết đến
Lá trầu không là một dược liệu có từ lâu đời, được biết đến là có tác dụng trong điều trị viêm nhiễm, kháng khuẩn, bảo vệ làn da, dạ dày không bị oxy...
Nguyễn Long (Dịch từ Chinese Herbs Healing)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe