Thiếu niên tử vong sau cơn đau đầu dữ dội, bác sĩ cảnh báo căn bệnh cực nguy hiểm ở người trẻ nhưng hay nhầm lẫn

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 17/01/2025 18:15 PM (GMT+7)

Rất nhiều bệnh nhân có biểu hiện ban đầu đơn giản chỉ là bị đau đầu, nhưng khi đến viện các bác sĩ phát hiện bị dị dạng mạch máu, nhiều người dù rất trẻ nhưng không thể cứu chữa được.

Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây các bác sĩ tiếp nhận nhiều bệnh nhân dù tuổi còn rất trẻ nhưng đã bị dị dạng mạch máu. Có trường hợp dù đến viện sớm nhưng không cứu chữa được, có trường hợp cứu được nhưng để lại di chứng nặng nề.

Điển hình như trường hợp một bệnh nhân mới 15 tuổi, đến viện vì đột ngột đau đầu dữ dội. Bệnh nhi nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê. Bệnh viện tuyến dưới tiếp nhận chẩn đoán bệnh nhi bị chảy máu não, lập tức được đặt ống nội khí quản thở máy và nhanh chóng chuyển ngay đến Bệnh viện Bạch Mai.

Tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhân hôn mê sâu, thở máy, giãn đồng tử bên phải. Kết quả phim chụp chuyên sâu cho thấy có chảy máu não đồi thị - não thất do vỡ khối AVM (dị dạng thông động - tĩnh mạch não), biến chứng giãn não thất cấp, rối loạn thân nhiệt, sốt cao liên tục 39 - 40 độ C.

Nhiều người trẻ chủ quan với cơn đau đầu nhưng đó lại là dấu hiệu của bệnh mạch máu nguy hiểm. Ảnh minh họa.

Nhiều người trẻ chủ quan với cơn đau đầu nhưng đó lại là dấu hiệu của bệnh mạch máu nguy hiểm. Ảnh minh họa. 

Dù khối dị dạng mạch não tuy không quá lớn nhưng ở vị trí cực kỳ nguy hiểm. Mặc dù đã được hồi sức tích cực tại Trung tâm Đột quỵ nhưng tình trạng diễn biến nhanh, bệnh nhân tụt huyết áp, rối loạn thân nhiệt, hôn mê sâu Glasgow 3 điểm. Sau 2 ngày điều trị, khi được bác sĩ giải thích không còn khả năng cứu chữa, gia đình đưa bệnh nhi về và bệnh nhi đã tử vong sau đó.

Một trường hợp khác là bệnh nhân 19 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý gì trước đó, đến Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai vào những ngày đầu năm 2025 trong tình trạng co giật, hôn mê sâu, thở máy qua ống nội khí quản, liệt tứ chi. Kết quả chụp phim cho thấy, bệnh nhân bị dị dạng mạch não, được phẫu thuật hút khối máu tụ và lấy ổ dị dạng mạch não. Hiện tại, bệnh nhân vẫn đang điều trị tích cực tại khoa Hồi sức Ngoại, tiên lượng khả năng hồi phục hạn chế.

Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân 29 tuổi, tiền sử khoẻ mạnh, đến viện vì đột ngột đau đầu, tê tay, nôn nhiều vật vã. Tại bệnh viện tỉnh, bệnh nhân được chẩn đoán chảy máu não, các bác sĩ đã đặt ống nội khí quản thở máy rồi chuyển tuyến lên Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng ý thức hôn mê, thở máy, đồng tử bên phải giãn 4mm, tụt huyết áp, duy trì vận mạch.

Tại đây, bệnh nhân phẫu thuật lấy máu tụ và khối dị dạng. Tuy được điều trị tích cực nhưng di chứng để lại vô cùng nặng nề. Sau một tháng điều trị, bệnh nhân chưa nhận thức được, liệt hoàn toàn nửa người trái…

Hình ảnh chụp MSCT mạch não: Chảy máu não thuỳ đỉnh phải, chảy máu não thất do vỡ AVM (điểm Spetzler Martin 2 điểm) của bệnh nhân nữ, 29 tuổi.

Hình ảnh chụp MSCT mạch não: Chảy máu não thuỳ đỉnh phải, chảy máu não thất do vỡ AVM (điểm Spetzler Martin 2 điểm) của bệnh nhân nữ, 29 tuổi.

Bác sỹ Lê Tuấn Anh, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dị dạng mạch máu não rất nguy hiểm, thường xảy ra ở người trẻ tuổi, không có sự khác biệt về giới tính. Thông thường, bệnh chỉ được phát hiện khi dị dạng mạch vỡ thì sự đã rồi (đã vỡ). Đôi khi, người bệnh được phát hiện sớm vì tình cờ đi chụp chiếu kiểm tra.

Về dấu hiệu nhận biết, bác sĩ Tuấn Anh tư vấn, nếu dị dạng mạch não chưa vỡ, tuỳ vị trí của khối dị dạng có thể xuất hiện một số triệu chứng không đặc hiệu như: đau đầu, chóng mặt, tê bì yếu tay chân hoặc động kinh.

Nếu dị dạng mạch não vỡ, các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng phụ thuộc vào bản thân khối dị dạng và thể tích máu tụ, từ đau đầu, buồn nôn, nôn vọt, liệt nửa người, lú lẫn đến hôn mê sâu, thậm chí tử vong nhanh chóng do tụt kẹt não. Tỉ lệ tử vong khi vỡ dị dạng mạch não ước chừng 10-15%, khoảng 50% số bệnh nhân sẽ để lại di chứng về sau.

Để phòng ngừa, bác sĩ đưa ra lời khuyên, nên đi kiểm tra khi có một hoặc các dấu hiệu như đau đầu, chóng mặt, tê bì hoặc liệt nửa người, co giật. Các trường hợp nặng rối loạn ý thức đột ngột nên đến viện ngay lập tức.

Có nên làm chuyện ấy vào lúc giao thừa? Yêu thời điểm này có bị thượng mã phong và đen cả năm?
Rất nhiều cặp đôi lo ngại vào dịp Tết, nhất là đêm giao thừa không dám làm “chuyện ấy” vì sợ bị thượng mã phong hoặc “đen” cả năm. Dưới góc độ về y...

Kiến thức giới tính

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]17/01/2025 17:05 PM(GMT+7)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức sức khỏe