Việc cắt bỏ phần mốc rồi tiếp tục sử dụng bánh chưng rất nguy hiểm, vì nấm mốc có trong bánh, mắt thường không thể nhìn thấy được.
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của mỗi gia đình. Thậm chí, rất nhiều gia đình đặc biệt ở vùng nông thôn có thói quen gói nhiều bánh chưng để ăn dần, theo các chuyên gia điều này là không nên.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết bánh chưng để lâu không chỉ làm mất hương vị, độ ngon của bánh mà còn có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe vì vi khuẩn xâm nhập.
Thực tế, có nhiều người khi bánh chưng bị mốc, đặc biệt loại bánh chưng tày (bánh dài) hay bánh tét bị mốc ở phần đầu vì tiết kiệm, tiếc của vẫn cắt bỏ phần mốc rồi sử dụng bằng cách hấp lại hoặc rán. Tuy nhiên, vi khuẩn gây nấm mốc có thể đã xâm nhập vào sâu bên trong mà mắt thường không thể nhìn thấy, bởi vậy có cắt bỏ thì các độc tố từ nấm mốc vẫn còn và gây hại cho sức khỏe.
PGS Lâm cho biết không chỉ bánh chưng mà tất cả các loại thực phẩm nói chung khi xuất hiện mốc cần lập tức bỏ ngay, không nên tiết kiệm hoặc cố xử lý để sử dụng.
PGS Nguyễn Thị Lâm cho biết, các loại thực phẩm trong đó có bánh chưng nếu bị nấm mốc vẫn sử dụng, khi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của gan. Thậm chí, có những loại vi khuẩn, nấm mốc kể cả khi đã bị chết qua quá trình nấu nướng cũng vẫn tiết ra độc tố gây ngộ độc cho người sử dụng.
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, thói quen cắt bỏ phần mốc bên ngoài bánh chưng rồi sử dụng rất có hại cho cơ thể. Ông Phong cho biết, tất cả các thực phẩm đã mốc đều sinh ra độc tố aflatoxin.
Loại độc chất này có thể gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho con người, thậm chí là ung thư qua một thời gian dài tích tụ aflatoxin từ thực phẩm. “Người dân không nên tiếc mà cần mạnh dạn vứt bỏ những thực phẩm đã bị nấm mốc, tuyệt đối không ăn”, ông Phong khuyến cáo.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết thời điểm tết thời tiết nồm ẩm khó chịu, chính điều kiện này khiến thực phẩm rất nhanh bị mốc, đặc biệt là bánh chưng.
Ông Thịnh cho biết nấm mốc ở bánh chưng không nguy hiểm như ở trong lạc, đậu tương. Tuy nhiên, vị chuyên gia này vẫn cảnh báo, ăn bánh chưng mốc có thể bị ngộ độc. “Mọi người không nên vì tiết kiệm vài chục nghìn mà ăn bánh mốc, trong trường hợp bị ngộ độc thì số tiền bỏ ra sẽ lớn hơn rất nhiều”, PGS Thịnh cho hay.
Chỉ nên làm bánh chưng vừa đủ ăn để tránh việc bánh chưng để lâu ngày dẫn tới mốc. (Ảnh minh họa)
Để đề phòng những tác hại của nấm mốc với bánh chưng, cũng như để bảo vệ sức khỏe mọi người trong dịp tết Tân Sửu sắp tới, các chuyên gia khuyến cáo:
- Nên sử dụng thực phẩm vừa đủ, vừa tránh lãng phí, tránh bị hư hỏng.
- Cần bảo quản thực phẩm thật tốt, đặc biệt ở điều kiện thời tiết nồm ẩm.
- Cần ăn đa dạng các loại đồ ăn, không chỉ ăn nguyên bánh chưng hay một loại thực phẩm nào khác.
- Khi bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh, đặc biệt là bánh đã bóc ra thì cần tránh để chung với đồ sống. Không để quá nhiều đồ trong tủ lạnh.