Các chuyên gia đều khẳng định, ăn uống chưa bao giờ được coi là phương pháp điều trị bệnh ung thư, vì thế người bệnh cần phải tỉnh táo, không nên áp dụng.
Những ngày vừa qua, trên các trang mạng xã hội xôn xao về cách chữa trị bệnh ung thư thông qua con đường ăn uống. Phương pháp này cho rằng “tế bào ung thư có tính axit, ăn thực phẩm có tính kiềm sẽ cô lập tế bào ung thư”. Vì thế, người mắc bệnh ung thư nếu không ăn thịt, đường, bột mà chỉ uống bổ sung các loại nước có tính kiềm như nước: cà rốt, củ cải, củ dền, cam, táo... thì tế bào ung thư sẽ tự chết mà không cần sự can thiệp của y học hiện đại.
Được biết, những nội dung trên được trích từ cuốn sách "The pH Miracle: Balance Your Diet, Reclaim Your Health" của tác giả Robert O Young. Đây là cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và đang được bán rất chạy.
Trước thông tin trên các chuyên gia đều cho rằng, hiện không có phương pháp điều trị ung thư nào qua con đường ăn uống. GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho rằng: “Đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu hay khuyến cáo nào cho thấy sử dụng các phương pháp nêu trên có tác dụng điều trị ung thư. Điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học”.
Kiêng ăn thịt để chữa ung thư chỉ khiến người bệnh thêm suy kiệt.
GS Thuấn cho rằng, khi mắc ung thư người bệnh có thể lựa chọn chế độ ăn chay: ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc song phải đảm bảo đó là chế độ ăn chay lành mạnh, đa dạng, phong phú và cung cấp đầy đủ năng lượng. Vì nếu người bệnh không được cung cấp đủ năng lượng sẽ dẫn đến gầy sút, suy kiệt.
Trao đổi với phóng viên PGS.TS Đoàn Hữu Nghị - nguyên GĐ Bệnh viện E (Hà Nội) cũng khẳng định, vấn đề ăn uống hay dinh dưỡng trong điều trị ung thư rất quan trọng. Trong trường hợp không ăn thịt hay tinh bột sẽ khiến người bệnh suy giảm miễn dịch, suy kiệt cơ thể. Như vậy, người bệnh sẽ không chịu được các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị…
PGS Đoàn Hữu Nghị chia sẻ với phóng viên về vấn đề ăn uống trong điều trị bệnh ung thư.
“Trong quá trình khám và điều trị chúng tôi vẫn thường khuyên bệnh nhân ung thư phải ăn uống đầy đủ. Tuy nhiên, người bệnh nên hạn chế ăn những loại thực phẩm có yếu tố kích tố tăng trưởng như trứng vịt lộn, súc vật non, mầm thực vật…"
Ngoài ra, trong các loại thịt người bệnh ung thư cũng hạn chế ăn các loại thịt đỏ. Vì thịt đỏ có nhiều kích tố tăng trưởng hơn là thịt trắng. Thịt gia súc có nhiều kích tố tăng trưởng hơn là thịt gia cầm.
Đối với các loại thịt gia cầm người bệnh ung thư ăn được là rất tốt. Trong đó, tốt nhất là thịt ngỗng, sau đó đến thịt ngan, thịt vịt và thịt gà. Dù được nhiều người sử dụng nhưng thịt gà lại có yếu tố dinh dưỡng thấp nhất trong 4 loại thịt trên”, PGS Nghị chia sẻ.
Tóm lại với bệnh nhân ung thư, các chuyên gia thường khuyên ăn chế độ đầy đủ chất dinh dưỡng gồm vitamin, nước, khoáng chất, đường, đạm, chất béo. Ngoài ra cần giữ cân năng hợp lý, hạn chế uống rượu, không hút thuốc lá và tập thể dục đều đặn. Một số khuyến cáo hướng dẫn nên ăn chủ yếu các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, tuy nhiên không phải cắt bỏ hoàn toàn thịt trong khẩu phần ăn hàng ngày.