Thực hư việc 700 người lở loét do ngập lụt ở Chương Mỹ: 7 cách phòng bệnh sau mưa lũ

Ngày 07/08/2018 00:08 AM (GMT+7)

Hiện tại ngành y tế ghi nhận vài chục trường hợp mắc bệnh, con số hàng trăm người bị lở loét là chưa chính xác.

Suốt 2 tuần qua, người dân một số xã thuộc huyện Chương Mỹ (Hà Nội) phải sống chung với lũ, chính vì thế số lượng người mắc một số bệnh liên quan đến da liễu, tiêu chảy, đau mắt đỏ có xu hướng gia tăng.

Đặc biệt, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin đã có gần 700 ca mắc các bệnh ngoài da như viêm nhiễm, lở loét phải nhập viện điều trị.

Trước những thông tin trên, trao đổi với chúng tôi một lãnh đạo Sở Y tế cho biết, hiện ở các xã bị ngập úng chưa phát sinh dịch bệnh như mạng xã hội đưa, một số bệnh khác cũng không có diễn biến bất thường.

Thực hư việc 700 người lở loét do ngập lụt ở Chương Mỹ: 7 cách phòng bệnh sau mưa lũ - 1

Người dân vùng lũ đi thăm khám sức khỏe tại trạm y tế.

Ông Dương Viết Tài, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện huyện Chương Mỹ cũng khẳng định, thông tin hàng trăm người dân vùng ngập lụt bị bệnh ngoài da là không chính xác.

Ông Tài cho biết, hiện các đơn vị đã tổ chức khám sàng lọc cho 2000 người dân ở 3 xã ngập úng, sau khi thăm khám các bác sĩ phát hiện một số bệnh nhân bị đau mắt đỏ, tiêu chảy, bệnh ngoài da… Tuy nhiên số lượng khoảng vài chục người, chứ không lên đến con số hàng trăm người như mạng xã hội chia sẻ.

Để tăng cường phòng bệnh mùa bão lũ, ngoài tuyên truyền người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ, phòng bệnh, ngành y tế huyện Chương Mỹ đã cấp phát thuốc, phun hóa chất… cho các xã bị ngập úng.

Dưới đây là những cách phòng bệnh trong mùa mưa lũ, do Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo:

1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.

5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.

6. Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

7. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

8. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Thực hư thông tin 3 người chết đuối trong vùng ngập lụt ở Chương Mỹ, Hà Nội
Chiều 2.8, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) Đinh Mạnh Hùng cho biết: "3 trường hợp tử vong tại huyện Chương Mỹ là do đuối nước, bất cẩn, không...
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h