Thường xuyên ăn uống thịnh soạn, cô gái Hà Nội mắc trọng bệnh phải chữa suốt đời

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 21/06/2021 14:30 PM (GMT+7)

Không ít người trẻ tuổi vô cùng bất ngờ khi được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối, đáng chú ý nguyên nhân gây bệnh đến từ thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.

Suy thận từ những bữa ăn thịnh soạn hàng ngày

Đang chạy thận tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Hương, 37 tuổi, cho biết, trước đây chị hoàn toàn khỏe mạnh và có công việc kinh doanh thành công.

Tuy nhiên, sau một lần chị bị chóng mặt, đau đầu mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Ban đầu, chị Hương nghĩ mình chỉ thiếu máu, nhưng sau khoảng 1 tuần cơ thể chị bắt đầu có sự thay đổi khi chân bị phù, những cơn đau đầu hoa mắt, chóng mặt ngày càng nhiều hơn.

Tới bệnh viện khám, chị Hương vô cùng bàng hoàng khi bác sĩ kết luận chị đã bị suy thận giai đoạn cuối và phải lọc máu chu kỳ ngay lập tức. Từ một người phụ nữ thành đạt, công việc đang thăng tiến, tương lai vô cùng tươi sáng, chị Hương đã buông xuôi, muốn từ bỏ tất cả thậm chí là cả mạng sống của mình. May mắn nhận được sự động viên từ các bác sĩ, người thân nên chị đã chấp nhận lọc máu chu kỳ.

Thường xuyên ăn uống thịnh soạn, cô gái Hà Nội mắc trọng bệnh phải chữa suốt đời - 1

Nữ bệnh nhân không thể tin được rằng chính các bữa ăn thịnh soạn, ăn thiếu kiểm soát lại là nguyên nhân phá hoại thận. Ảnh minh họa.

Gia đình chị Hương từ trước đến nay không có ai bị bệnh liên quan đến thận nên việc chị bị suy thận giai đoạn cuối có lẽ là do thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Theo lời kể của chị, thời gian chị làm kinh doanh, chị đã quá chủ quan với sức khỏe, ăn uống thiếu kiểm soát và không để ý đến sự thay đổi của cơ thể.

“Suốt một thời gian dài, tôi liên tục đi tiếp khách với những bữa ăn thịnh soạn, có dùng cả rượu bia. Chính điều đó đã khiến tôi bị rối loạn lipid nhưng bản thân lại không hề hay biết nó đang từng ngày phá hủy thận”, chị Hương chia sẻ.

Nhiều người trẻ bị suy thận vì sự chủ quan

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đăng Quốc, Phó Trưởng khoa Thận Tiết niệu, Trưởng đơn vị Thận nhân tạo (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, hiện có nhiều trường hợp bị suy thận mạn giai đoạn cuối khi tuổi đời còn rất trẻ. Điều đáng nói, đa số mọi người nghĩ bệnh suy thận chỉ gặp ở người trung niên, người cao tuổi nên những người trẻ hay chủ quan.

Thực tế khám chữa bệnh, bác sĩ Quốc gặp những trường hợp mới 25 tuổi đã bị suy thận giai đoạn cuối khi đi khám sức khỏe định kỳ. Hay có trường hợp uống phải loại rượu không rõ nguồn gốc nên bị ngộ độc và suy thận cấp. “Đa số trường hợp trẻ tuổi bị suy thận là do thói quen ăn uống thiếu điều độ, không khoa học”, BS Quốc cho hay.

Thường xuyên ăn uống thịnh soạn, cô gái Hà Nội mắc trọng bệnh phải chữa suốt đời - 2

Rất nhiều người trẻ bị suy thận vì thói quen ăn uống hàng ngày. Ảnh minh họa.

Theo BS Quốc, thói quen ăn uống không tiết chế, uống nhiều rượu bia, ít vận động, stresss… đã làm gia tăng các bệnh lý huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, tiểu đường ở người trẻ. Hậu quả, dẫn tới người trẻ bị suy thận mãn tính.

Đối với những trường hợp suy thận phải chạy thận nhân tạo thường liên quan đến hai bệnh lý, đó là:

- Tổn thương thận cấp, nặng: Bệnh diễn tiến trong vài tuần, chỉ chạy thận nhân tạo khi thận suy nặng. Nhưng nếu tìm ra nguyên nhân và chữa trị đúng cách, chức năng thận có thể hồi phục hoàn toàn, không cần phải chạy thận nhân tạo.

- Suy thận mạn giai đoạn cuối: Bệnh diễn tiến qua nhiều tháng, nhiều năm, hai thận teo, không còn khả năng hồi phục, phải lệ thuộc các biện pháp điều trị thay thế thận suốt đời.

Phòng suy thận từ chính thói quen hàng ngày

Để phòng suy thận mạn tính, mọi người cần thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, không hút thuốc, hạn chế uống rượu bia. Đặc biệt, cần ăn đầy đủ các nhóm chất, trong đó cần ăn nhiều rau trong mỗi khẩu phần ăn hàng ngày.

Thường xuyên ăn uống thịnh soạn, cô gái Hà Nội mắc trọng bệnh phải chữa suốt đời - 3

Uống đủ nước mỗi ngày để phòng suy thận.

Uống đủ nước mỗi ngày vì uống nhiều nước sẽ giúp thận thải trừ natri, urê và các chất độc khỏi cơ thể, làm giảm đáng kể nguy cơ phát bệnh thận mạn tính. Tuyệt đối, không tự dùng thuốc điều trị vì một số thuốc gây tổn thương thận hoặc bệnh thận nếu dùng thường xuyên.

Thường xuyên kiểm soát lượng đường trong máu và thường xuyên kiểm tra chức năng thận để ngăn chặn tổn thương thận do tiểu đường. Theo dõi huyết áp thường xuyên vì huyết áp cao gây tổn thương thận.

Nếu huyết áp tăng, cần đi khám bác sĩ để được tư vấn, điều trị bệnh và thường xuyên theo dõi huyết áp. Ngoài ra, nên đi khám định kỳ và làm các xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, đồng thời siêu âm thận để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.

* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi

Đừng dại ăn cơm, cháo hay mì với những món này, không tăng cân cũng dễ hại thận
Có rất nhiều loại thực phẩm phổ biến kết hợp với nhau tưởng chừng rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên sự thật không phải vậy, ví dụ như khoai tây và cơm,...
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thận