Trầm cảm sau sinh – căn bệnh đáng báo động ở phụ nữ

Ngày 27/05/2019 10:00 AM (GMT+7)

Trầm cảm sau sinh có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể thoáng qua hoặc kéo dài. Bệnh có thể điều trị và trong một số trường hợp có thể dự phòng.

Nguyên nhân phụ nữ thường bị trầm cảm sau khi sinh

Trầm cảm sau sinh thực chất không phải là chứng bệnh hiếm gặp. Theo một thống kê công bố gần đây, tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm chiếm khoảng 15% trong 3 tháng đầu và 15 - 25% trong 12 tháng sau sinh. Tuy nhiên, các biểu hiện trầm cảm ban đầu thường không được gia đình ghi nhận và để ý. Chỉ đến khi nhiều hậu quả đau lòng xảy ra, người ta mới nghĩ lại về các dấu hiệu gợi báo của bệnh.

Những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến trầm cảm sau sinh được xem xét trên một số nguyên nhân chính như: Sự thay đổi mạnh nồng độ các hormon estrogen và progesterone sau khi sinh; Sự mệt mỏi về thể lực và tinh thần đi kèm theo là sự thiếu ngủ sau sinh; Mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân; Những sản phụ có tiền sử bản thân hoặc người thân trong gia đình có rối loạn cảm xúc lưỡng cực hoặc bệnh tâm thần phân liệt cũng sẽ có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm sau sinh – căn bệnh đáng báo động ở phụ nữ - 1

Dấu hiệu nhận biết trầm cảm sau sinh và nguy hiểm đi kèm

Nhiều sản phụ cảm thấy đau khổ, vô vọng tăng dần sau khi sinh con, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể nào cả. Đôi khi họ lại cảm thấy bị chồng, gia đình, bạn bè bỏ rơi. Những cảm giác này thường không có căn cứ. Những phụ nữ suy nhược này có thể rơi vào trạng thái mệt mỏi triền miên, thờ ơ với công việc nhà.

Những bà mẹ khác bị suy yếu cơ thể thường hay có nhiều mối lo, thường là về sức khỏe bản thân. Triệu chứng thường gặp nhất là đau một vùng nào đó trên cơ thể và cảm giác bị bệnh. Những triệu chứng này sẽ trở nên trầm trọng nếu  không được chữa trị. Một số bà mẹ nhiều khi cảm thấy căng thẳng và thiếu tự tin khi ra khỏi nhà. Họ thậm chí khó có thể gặp gỡ những người bạn thân, từ chối trả lời điện thoại hay thư từ.

Ngoài ra, những phụ nữ hay bị căng thẳng thường bị trầm cảm nặng nề hơn. Họ thường khó có thể thư giãn được, nhiều khi có cảm giác như muốn nổ tung ra. Loại căng thẳng này là một triệu chứng của trầm cảm, không thể giải quyết bằng thuốc an thần được. Một số bà mẹ trầm cảm thường khó tập trung đọc sách, xem TV hay trò chuyện bình thường. Họ sẽ cảm thấy trí nhớ bị suy giảm, ảnh hưởng đến suy nghĩ.

Thông thường, những người bị trầm cảm rất khó ngủ. Nhiều bà mẹ cảm thấy stress hơn vào buổi tối, nên bị mất ngủ lâu dài, hoặc dễ bị thức giấc vào giữa đêm, thỉnh thoảng gặp ác mộng và không thể ngủ lại được.

Một hệ lụy khác của trầm cảm sau sinh đó là tình dục. Việc mất hứng thú trong quan hệ vợ chồng cũng có thể xảy ra đối với các bà mẹ trầm cảm sau sinh, thường kéo dài một thời gian, nên các ông bố cần thông cảm và hiểu rằng đây chỉ là triệu chứng của bệnh. Các ông bố nên kiên nhẫn và cố gắng an ủi vợ hồi phục khỏi trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm sau sinh – căn bệnh đáng báo động ở phụ nữ - 2

Sử dụng bảng câu hỏi tự đánh giá trầm cảm PHQ9

Một số biện pháp giảm thiếu tình trạng trầm cảm sau sinh

Nguyên tắc điều trị giống như các trường hợp trầm cảm khác: phối hợp thuốc chống trầm cảm và tâm lý trị liệu, trong đó người bệnh cần tập trung cải thiện mối quan hệ với người khác chủ yếu với chồng và con.

Các chuyên gia khuyến nghị, để phòng chống trầm cảm sau sinh, cả người vợ lẫn chồng cần theo học một số chương trình giáo dục tiền sản trước khi sinh con, hoặc ít nhất tìm sách báo hướng dẫn, hoạt động này giúp cung cấp những kiến thức đúng đắn về sức khoẻ sinh sản, nhận thức tốt sẽ giúp phòng tránh trầm cảm sau sinh. Đặc biệt vai trò của người chồng rất quan trọng trong việc chia sẻ và thấu hiểu vợ mình.

Ngoài ra, người phụ nữ cũng cần học cách thư giãn và nghỉ ngơi, tránh căng thẳng, mệt mỏi trước và sau sinh. Những người thân xung quanh cũng cần kết hợp động viên, gần gũi và chia sẻ với người phụ nữ về quá trình sinh nở cũng như chăm sóc em bé.

Điều quan trọng nhất là sản phụ phải tin tưởng rằng mình sẽ tốt hơn, bạn cần sự kiên nhẫn và nhận thức rằng sự phục hồi sẽ đến sớm. Đừng quên ăn uống đầy đủ vì nếu hạ đường huyết cũng sẽ làm cho bệnh nặng nề hơn. Bạn nên ăn nhiều trái cây và rau quả khi cảm thấy đói và đừng ép bản thân làm những điều mình không thích hoặc những điều gây khó chịu.

Khi phát hiện phụ nữ sau sinh có dấu hiệu bất thường về tâm lý, gia đình cần cân nhắc việc đưa họ tới khám bác sĩ chuyên khoa. Việc điều trị càng sớm sẽ càng đạt được hiệu quả cao.

Pfizer đồng hành nâng cao kiến thức bệnh học cộng đồng

Nguồn: [Tên nguồn].

Tin bài cùng chủ đề Bệnh lý trầm cảm