Thấy quá kém cỏi khi đạt điểm 8 kiểm tra 15 phút, nữ sinh lớp 10 có hành động khiến cả gia đình sợ hãi

DIỆU THUẦN - Ngày 08/04/2024 09:05 AM (GMT+7)

Từng là một học sinh giỏi nhiều năm và có nhiều hoạt động tích cực, sau khi có bài kiểm tra 15 phút được 8 điểm, Lan Anh trở nên lo lắng, dần rơi vào lo âu quá mức dẫn đến tự hại mình.

Từ lo lắng nhỏ đến trầm trọng rồi tự tử

Theo Ths.BS Phạm Minh Triết, nguyên trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), rối loạn lo âu và rối loạn trầm cảm là hai dạng rối loạn được xếp trong nhóm rối loạn khí sắc. Trong đó, rối loạn lo âu là một nhóm gồm những rối loạn liên quan đến sự sợ hãi quá mức dẫn đến những phản ứng bất thường và làm suy giảm những chức năng trong sinh hoạt, học tập, làm việc. Còn trầm cảm là rối loạn liên quan đến sự trầm buồn quá mức dẫn đến sự suy giảm về chức năng trong sinh hoạt, nhận thức cùng với những biểu hiện của triệu chứng liên quan đến cơ thể do tâm lý.

Theo thống kê, tại Mỹ, nghiên cứu cho thấy, cứ 100 trẻ em thì có khoảng 7 em mắc rối loạn lo âu và 3 em mắc trầm cảm. Tại Việt Nam, trong 100 trẻ em 6 - 16 tuổi có khoảng 7 trẻ mắc rối loạn lo âu và 6 trẻ bị trầm cảm.

Sau bài kiểm trả 15 phút được 8 điểm, nữ sinh lớp 10 thấy lo lắng, sợ hãi và tự trách mình. Ảnh minh họa.

Sau bài kiểm trả 15 phút được 8 điểm, nữ sinh lớp 10 thấy lo lắng, sợ hãi và tự trách mình. Ảnh minh họa.

Bác sĩ Triết chia sẻ về nữ sinh tên Phan Lan Anh, đang là học sinh lớp 10 tại một trường THPT tại TP.HCM được gia đình đưa đến khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 khám vì tự cắt tay mình để tự tử. Trước đó, trong những năm học cấp 1, cấp 2, Lan Anh là một học sinh xuất sắc và tích cực tham gia các hoạt động với lớp với trường. Khi vào năm học lớp 10, sau một lần nhận được điểm 8 cho bài kiểm tra 15 phút, em cảm thấy đó là một thất bại không thể chấp nhận được. 

Dần dần, Lan Anh bắt đầu có cảm giác sợ tiếp tục bị thất bại trong những lần kiểm tra tiếp theo. Cảm giác sợ hãi này tăng lên mỗi khi gần đến thời điểm có tiết kiểm tra.

Vì bị cảm giác lo sợ choáng ngợp, Lan Anh không thể tập trung làm bài kiểm tra được. Kết quả là, điểm của những bài kiểm tra sau này ngày càng thấp.

Từ một học sinh xuất sắc luôn đi đầu trong những hoạt động ngoại khóa của trường, Lan Anh dần học kém đi và thu mình lại. Không những thế, nữ sinh này còn thấy mình bất tài, vô dụng, thấp kém hơn so với bạn bè. Những điều này của em, trong gia đình không ai nhận ra. Bản thân em cũng không nhận được sự động viên, chia sẻ của người thân, bạn bè và thầy cô.

Cho đến khi không chịu đựng được nữa, Lan Anh đã tự cắt tay mình để kết thúc mọi chuyện. May mắn, gia đình phát hiện, đưa em đi cấp cứu kịp.

Bác sĩ Triết cho biết, đây là một trong những trường hợp diễn tiến thường gặp, khởi đầu từ một sự kiện tưởng chừng như bình thường (được điểm 8 trong bài kiểm tra), dẫn đến rối loạn lo âu (sợ thất bại trong những lần kiểm tra sau). Tình trạng lo âu kéo dài không được xử trí hợp lý dẫn đến trầm cảm. Cuối cùng là, người mắc có hành vi tự tử.

Theo  bác sĩ Triết, lo lắng là tốt nhưng lo lắng quá mức đến ảnh hưởng sức khỏe là không nên.

Theo  bác sĩ Triết, lo lắng là tốt nhưng lo lắng quá mức đến ảnh hưởng sức khỏe là không nên.

Trẻ biết lo lắng là tốt nhưng đừng để con lo lắng đến ảnh hưởng sức khỏe

Lo lắng là một biểu hiện bình thường. Nhờ sự lo lắng, chúng ta có thể chuẩn bị tốt cho những sự kiện sắp xảy ra. Đối với trẻ cũng vậy. “Khi trẻ lo lắng về bài kiểm tra vào ngày mai, trẻ sẽ cố gắng ôn bài để chuẩn bị làm bài kiểm tra được tốt”, bác sĩ Triết nói. Nhưng ở một số người, sự lo lắng phát triển quá mức tràn ngập tâm trí của họ. Vì vậy, những người này không thể suy nghĩ hay chuẩn bị được gì cho sự kiện chuẩn bị xảy ra. Lúc này, sự lo lắng đã trở thành rối loạn lo âu.

Theo bác sĩ Triết, biểu hiện của rối loạn lo âu ở trẻ em thường là trẻ có những than phiền như đau bụng, nhức đầu, muốn ói, cáu gắt, dễ bực bội, chống đối hoặc tức giận, đặc biệt là khi trẻ phải đối diện với hoàn cảnh, yếu tố gây sợ hãi. Tuy nhiên, việc phát hiện thường khó khăn, nhất là khi trẻ ở độ tuổi mầm non không biết diễn tả được bản thân đang bị sợ hãi hoặc lo lắng quá mức.

Có nhiều dạng rối loạn lo âu. Việc phân biệt các dạng này chủ yếu dựa vào yếu tố gây ra sự sợ hãi, lo lắng ở trẻ. Rối loạn trầm cảm cũng có nhiều phân loại. Trong đó, 2 nhóm trầm cảm thường gặp ở trẻ em là rối loạn trầm cảm chính và rối loạn trầm cảm mãn tính. Biểu hiện chung của rối loạn trầm cảm là cảm giác buồn bã, trống rỗng hoặc tính tình cáu gắt, rất dễ bực bội cùng với sự suy giảm rõ những chức năng trong sinh hoạt, học tập và công việc. Ở trẻ em, biểu hiện cáu gắt, dễ bực bội thường gặp hơn là biểu hiện buồn bã”, bác sĩ Triết chia sẻ.

Dấu hiệu trầm cảm chính ở trẻ thường là trẻ có biểu hiện cáu gắt, bực bội, mất hết hứng thú đối với những sở thích trước đây kéo dài ít nhất 2 tuần. Ngoài ra, trẻ có thể tăng cân, giảm cân rõ rệt, ngủ quá nhiều hoặc quá ít, chậm chạp, mệt mỏi, cảm thấy bản thân vô dụng hoặc có tội, khó tập trung, tuyệt vọng và có ý định hoặc hành vi tự tử. Trẻ mắc trầm cảm mãn tính ngoài các biểu hiện trên có có dấu hiệu buồn bã kéo dài ít nhất 1 năm. Trẻ trầm cảm thường thu mình lại, thích ở một mình, học hành sa sút.

Theo bác sĩ Triết, việc can thiệp và điều trị những rối loạn lo âu hoặc trầm cảm thay đổi tùy theo độ tuổi của trẻ và mức độ của những biểu hiện, nhưng gia đình sẽ đóng vai trò chủ lực. Đối với trẻ tuổi teen như trường hợp của Lan Anh, gia đình cần lưu ý đến nguy cơ tự tử, đặc biệt cần giám sát kỹ nếu trẻ từng có hành vi này.

Sự động viên, chia sẻ, khích lệ của cha mẹ là cách giúp trẻ có thể tránh được các rối loạn tâm lý. Ảnh minh họa.

Sự động viên, chia sẻ, khích lệ của cha mẹ là cách giúp trẻ có thể tránh được các rối loạn tâm lý. Ảnh minh họa.

Can thiệp và điều trị rối loạn lo âu hoặc trầm cảm ở trẻ cần nhiều thời gian nên đòi hỏi phải có sự kiên trì cũng như cần sự hợp tác của bản thân trẻ và người chăm sóc. Việc điều trị tâm lý chỉ thành công khi bản thân trẻ và gia đình sử dụng được những kỹ năng đã được huấn luyện thông qua những thói quen hàng ngày.

Phần lớn các nguyên nhân dẫn đến rối loạn lo âu hoặc rối loạn trầm cảm ở trẻ xuất phát từ cuộc sống hàng ngày. Do đó, cha mẹ có thể giúp trẻ tránh được bằng cách:

- Giúp trẻ xây dựng lối sống khoa học, thường xuyên tập thể dục thể thao.

- Giúp trẻ nhận biết và xây dựng các mối quan hệ xã hội lành mạnh.

- Lựa chọn môi trường an toàn cho trẻ, đặc biệt là môi trường học đường.

- Cân bằng thời gian học tập, vui chơi và ngủ nghỉ cho trẻ, tránh để trẻ cảm thấy căng thẳng, áp lực.

- Cho trẻ ăn uống đủ chất, phù hợp với lứa tuổi để trẻ phát triển toàn diện.

- Thường xuyên tâm sự, hỏi han và chia sẻ với trẻ. Đặc biệt là, cha mẹ không nên gây áp lực, đòi hỏi quá cao ở trẻ, mà hãy luôn tạo sự thoải mái, động viên, khuyến khích trẻ.

* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.

Nữ biên tập viên trầm cảm năm 22 tuổi vì bị bạn trai phản bội, đến khi nhận cái tát mới tỉnh ra
Phát hiện bạn trai ngoại tình, Tuyết Lam buồn bã, mệt mỏi, tự hành hạ bản thân đến trầm cảm. Phải một năm sau, trải qua cú sốc bị bạn trai đánh, chị...

Bệnh trầm cảm

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mental Health