Tin vào bói bài, cô gái ở Hà Nội phải nhập viện điều trị tâm thần

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 29/05/2024 13:40 PM (GMT+7)

Đang điều trị bệnh, nhưng tin vào bói toán bỏ dùng thuốc, cô gái trẻ đã phải đi điều trị tâm thần vì bệnh tình tiến triển ngày càng nặng hơn.

ThS.BS Nguyễn Viết Chung

ThS.BS Nguyễn Viết Chung có nhiều năm kinh nghiệm khám và điều trị các bệnh về tâm lý, thần kinh, đặc biệt là các rối loạn lo âu, ám ảnh,...

Xem tất cả bài viết của chuyên gia

Nhập viện tâm thần vì tin bói bài bỏ điều trị

Nguyễn Hồng My (25 tuổi, ở Hà Nội), mới đây được người thân đưa đến khoa Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện E) điều trị vì bị rối loạn tâm thần, trầm cảm. Trước đó, khi đang điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, Hồng My đi xem bói (bói bài), được “phán” rằng, thời gian tới sẽ gặp một số điều không thuận lợi, nhất là vấn đề sức khỏe. Nghe thấy vậy, My lo lắng và hỏi cách để giải quyết.

Nghe lời thầy bói, My đã bỏ thuốc và phác đồ điều trị bác sĩ đưa ra. Gần đây, khi bắt đầu vào mùa nắng nóng, tình trạng bệnh càng nặng lên, My được gia đình đưa vào viện với biểu hiện trầm cảm khá nặng.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Viết Chung - Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện E) cho biết, bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực cần điều trị lâu dài và việc tuân thủ điều trị rất quan trọng. Nếu bỏ ngang, nguy cơ tái phát rất cao, nhất là khi gặp những yếu tố thúc đẩy bệnh tăng nặng.

Tin vào bói toán bỏ điều trị, cô gái trẻ sau đó phải đi điều trị tâm thần trong tình trạng nặng. Ảnh minh họa.

Tin vào bói toán bỏ điều trị, cô gái trẻ sau đó phải đi điều trị tâm thần trong tình trạng nặng. Ảnh minh họa. 

Bác sĩ Chung dẫn chứng, nữ bệnh nhân trên có hai yếu tố khiến bệnh tiến triển nặng, đó là tin vào bói bài, bỏ điều trị, không dùng thuốc, cộng yếu tố ngoại cảnh - bước vào mùa nắng nóng, cũng khiến tình trạng rối loạn cảm xúc  nặng hơn.

Theo bác sĩ Chung, người bị rối loạn lưỡng cực hay OCD (rối loạn ám ảnh cưỡng chế), dù có tính cách khá cầu toàn, nhưng rất dễ bị "dắt mũi". Ví dụ như trường hợp bệnh nhân trên, khi đi xem bói, người bệnh bị bói toán reo rắc niềm tin vào đầu, họ rất khó để thoát ra và dẫn tới những cơn rối loạn tâm thần ngày càng nặng.

“Với kết quả xem bói của bệnh nhân trên là “sẽ gặp những điều không thuận lợi trong thời gian tới”, thì rõ ràng bệnh nhân đã bị "dắt mũi". Bởi thực tế cuộc sống chẳng ai gặp thuận lợi được mãi, nhất là những người đang có bệnh lý. Vì thế, mọi người cần tỉnh táo trước những chiêu trò bói toán. Đặc biệt, người có bệnh lý cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, tin vào khoa học để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng”, bác sĩ Chung tư vấn.

Người bị rối loạn lưỡng cực đối diện với nhiều thách thức

Theo các chuyên gia, rối loạn lưỡng cực (hay rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn hưng-trầm cảm…) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ và hành động của con người. Biểu hiện đặc trưng của rối loạn này là các giai đoạn rối loạn cảm xúc hưng cảm (cảm xúc vui vẻ, hưng phấn quá mức) hoặc có thể kèm theo trầm cảm (buồn chán, bi quan).

Người bị rối loạn lưỡng cực thường có biểu hiện hưng cảm hoặc trầm cảm kèm theo. Ảnh minh họa.

Người bị rối loạn lưỡng cực thường có biểu hiện hưng cảm hoặc trầm cảm kèm theo. Ảnh minh họa. 

Biểu hiện của rối loạn lưỡng cực trải qua hai giai đoạn, đó là giai đoạn hưng cảm và giai đoạn trầm cảm.

Ở giai đoạn hưng cảm, bệnh nhân thường có biểu hiện:

- Năng lượng tăng cao, hoạt động quá mức.

- Cảm giác vui vẻ, hưng phấn, hoặc dễ bị kích động.

- Giảm nhu cầu ngủ.

- Nói nhiều, suy nghĩ nhanh.

- Dễ mất tập trung.

- Hành vi bốc đồng, liều lĩnh.

Ở giai đoạn trầm cảm, bệnh nhân thường có biểu hiện

- Cảm giác buồn bã, chán nản.

- Mất hứng thú với các hoạt động thường ngày.

- Thay đổi khẩu vị và giấc ngủ.

- Mệt mỏi, thiếu năng lượng.

- Khó tập trung, suy nghĩ tiêu cực.

- Có ý tưởng tự sát.

Rối loạn lưỡng cực gây khó khăn lớn cho người bệnh trong việc duy trì các chức năng sống tương ứng với năng lực bản thân cũng như khiến họ đối mặt với nhiều thách thức trong việc kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ, hành động. Song, nếu được chẩn đoán sớm, điều trị đúng cách và nhận sự hỗ trợ phù hợp, đúng mức từ gia đình và cộng đồng, người bệnh hoàn toàn có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Nam sinh bị tâm thần, cơ thể suy kiệt không thể đi lại được sau khi ăn thực dưỡng vì sợ mắc ung thư
Do gia đình có người bị ung thư qua đời, nam sinh lo lắng mình mắc bệnh, sau đó đã thực hiện chế độ ăn thực dưỡng để rồi phải nhập viện trong tình...

Chế độ ăn ảnh hưởng sức khỏe

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh lý trầm cảm