Theo các chuyên gia, những loại đồ chơi độc hại ngoài việc gây tác hại trực tiếp (mẩn ngứa, dị ứng, khó thở…), chúng còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ về sau.
Nhiều loại đồ chơi dành cho trẻ nhỏ có chứa hóa chất độc hại
Mới đây, thông tin nhiều con vịt cao su được bán trực tuyến tại Trung Quốc bị phát hiện có chứa nhiều phthalic acid esters (PAEs) - một hóa chất gây hại cho hệ sinh sản đã khiến dư luận, nhất là những bố mẹ có con nhỏ hoang mang.
Theo đó, chất này có thể bị giải phóng khi tiếp xúc với nước nóng hoặc dầu gội, sau đó xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp, tiêu hóa và da. Hóa chất này đóng vai trò tương tự nội tiết tố nữ, có thể làm giảm chất lượng tinh trùng, dẫn đến vô sinh ở nam giới, nhất là đối với những bé trai đang trong giai đoạn phát triển, hoàn thiện cơ quan sinh dục.
Vịt cao su của Trung Quốc bị phát hiện có chất gây ảnh hưởng đến hệ sinh sản khiến dư luận hoang mang. Ảnh: TL
Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với bố mẹ trong việc lựa chọn đồ chơi an toàn cho con. Bởi lẽ, trước những con vịt độc hại này, nhiều đồ chơi dành cho trẻ nhỏ cũng được phát hiện có nhiều hóa chất ảnh hưởng đến hệ sinh sản của trẻ nhỏ, thậm chí gây ung thư.
Chẳng hạn, cách đây không lâu, hệ thống cảnh báo Rapex của Liên minh Châu Âu (EU) đã đưa những miếng dán in hình các nhân vật hoạt hình, siêu nhân… vào danh sách nguy hiểm. Cơ quan này còn liên tục đề nghị thu hồi miếng dán đồ chơi Trung Quốc chứa chất độc hại.
Tại Việt Nam, theo kết quả kiểm nghiệm của Cục Quản lý Chất lượng hàng hóa (Tổng cục Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng đã phát hiện những miếng dán tương tự có xuất xứ từ Trung Quốc có chứa chất độc Phthalate, vượt tới 480 lần ngưỡng an toàn.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm và Công nghệ sinh học (Đại học Bách khoa Hà Nội), Phthalate là một nhóm chất, được dùng làm phụ gia giúp tăng độ dẻo, đàn hồi của sản phẩm. Khi vào cơ thể, Phthalate có thể làm rối loạn hoạt động của các tuyến nội tiết.
Đối với trẻ em khi tiếp xúc với nhóm chất này, nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng là rất cao. Nguy hiểm hơn, nhóm chất này có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới, thậm chí có thể gây vô sinh. Trẻ em gái nhiễm Phthalate sẽ có nguy cơ dậy thì sớm.
Điều đáng nói, nhóm chất này trước đó đã được các cơ quan chức năng phát hiện có trong các loại thú nhún hình hươu, nai, tuần lộc, búp bê đầu quả, hạt nhựa dẻo... – những loại đồ chơi rất được các em nhỏ yêu thích. Tuy nhiên, các loại đồ chơi kể trên hiện vẫn được bày bán trên thị trường và nhiều bố mẹ vẫn mua về cho con chơi hàng ngày.
Lưu ý chọn đồ chơi an toàn cho con
Các loại thú nhún cũng từng bị phát hiện có chứa chất độc gây hại cho trẻ. Ảnh: TL
Theo bà Lưu Liên Hương, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, nhóm đồ chơi độc hại thường tập trung vào nhóm đồ chơi phát sáng, chạy pin; nhóm đồ chơi vũ khí; nhóm đồ chơi bằng bông, búp bê, mô hình; nhóm đồ chơi làm đẹp, trang điểm, móng tay giả, vòng đeo tay; nhóm đồ chơi nấu ăn; nhóm đồ chơi hóa trang, mặt nạ; nhóm đồ chơi âm nhạc: còi, kèm thổi, trống; nhóm đồ chơi làm bằng cao su; nhóm các loại miếng dán, sticker.
Đối với trẻ nhỏ, hệ miễn dịch còn yếu, rất dễ bị các tác nhân bên ngoài tấn công gây bệnh, trong đó, những loại đồ chơi không có xuất xứ, nguồn gốc cũng như thành phần rõ ràng cũng là một trong các tác nhân có thể gây hại cho bé.
Do đó, bố mẹ cần phải tỉnh táo khi lựa chọn đồ chơi cho bé, không nên ham đồ chơi giá rẻ bày bán ở vỉa hè, lòng đường vì những loại này có thể được tạo nên từ các loại nguyên liệu tái chế hoặc chứa các hóa chất, phụ gia độc hại để tạo màu sắc và độ bền cho sản phẩm.
Bố mẹ nên chọn các thương hiệu đồ chơi uy tín và chỉ mua đồ chơi ở những nơi bán chất lượng. Không nên chọn những đồ chơi có màu sắc quá bắt mắt, lòe loẹt hoặc khi cầm thấy dính màu ra tay.
Khi mua cần xem thành phần, chất liệu của đồ chơi. Tốt nhất là bằng gỗ, nếu là nhựa, cần phải kiểm tra xem nó có chứa các kim loại nặng như Asen, chì, cadimi, thủy ngân… gây hại cho trẻ hay không. Không mua những loại đồ chơi có mùi hắc, mùi khó chịu gây nhức đầu.
Trong trường hợp sau khi tiếp xúc với các loại đồ chơi trẻ có dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn, mẩn ngứa… bố mẹ cần ngừng ngay việc cho con chơi những món đồ chơi đó và cho trẻ đến các cơ sở y tế khám nếu các dấu hiệu không thuyên giảm, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.