Truy nguồn lây bệnh Zika

Ngày 08/04/2016 00:06 AM (GMT+7)

Trong thời điểm này, biện pháp quan trọng nhất để cắt đứt nguồn lây bệnh Zika trong cộng đồng là đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện tốt việc diệt lăng quăng (bọ gậy), muỗi truyền bệnh, kịp thời phát hiện các ổ bệnh mới.

Ngay sau khi Việt Nam ghi nhận 2 trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên, nhiều hoạt động phòng chống bệnh và truy tìm các ổ bệnh mới đã được triển khai nhằm hạn chế nguy cơ lây lan.

Không để lan rộng

Trong sáng 6-4, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại toàn bộ các hộ gia đình, khu phố của phường Phước Hòa, TP Nha Trang - địa bàn có bệnh nhân dương tính với virus Zika. Tại TP HCM, Sở Y tế TP HCM cũng đã ban hành kế hoạch phòng chống, thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng.

Truy nguồn lây bệnh Zika - 1

Phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh do virus Zika tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa sáng 6-4 Ảnh: Nguyễn Huỳnh

Trong khi đó, các cơ quan chức năng đang tập trung truy tìm nguồn lây bệnh Zika. Một chuyên gia y tế cho rằng Việt Nam nằm trong vùng có muỗi mang virus Zika nhưng trước đó, các nước láng giềng là Lào, Trung Quốc và Campuchia đã có ca bệnh xâm nhập nên có thể nguồn lây bắt nguồn từ việc giao lưu thương mại, du lịch, lao động. Một trường hợp khác không thể bỏ qua là bệnh nhân người Úc. Không loại trừ khi đến Việt Nam du lịch, bệnh nhân này đang trong thời kỳ ủ bệnh và truyền virus Zika cho người khác qua muỗi.

Nói rõ hơn về nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, nhấn mạnh virus Zika lây truyền qua muỗi vằn Aedes, loài muỗi lây truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở Việt Nam.

“Với bệnh SXH, muỗi mang mầm bệnh đẻ trứng sẽ truyền virus cho trứng và trứng tiếp tục truyền cho thế hệ con và cháu. Trung bình, một con muỗi lây truyền SXH có thể đẻ hàng chục đến cả trăm trứng. Vì thế, lo ngại nhất vẫn là virus Zika truyền qua nhiều đời của muỗi” - bác sĩ Cấp phân tích.

Cũng theo bác sĩ Cấp, trong điều kiện lý tưởng, muỗi bay xa tới 200 m nên có thể không tiếp xúc gần với nguồn bệnh nhưng muỗi mang mầm bệnh có thể di chuyển để truyền bệnh.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho rằng tại thời điểm này, biện pháp quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng và thực hiện tốt việc diệt lăng quăng, muỗi truyền bệnh cũng như phát hiện sớm các ổ bệnh mới để cắt đứt nguồn bệnh, không để lan rộng.

Phụ nữ có thai nên cảnh giác

Trước nguy cơ gây hội chứng đầu nhỏ đối với trẻ sơ sinh do virus Zika, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tạm thời chăm sóc các phụ nữ mang thai. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, mặc dù virus Zika có thể ảnh hưởng đến thai nhi trong thời kỳ 3 tháng đầu với tỉ lệ rất thấp (khoảng 1%) nhưng phụ nữ mang thai phải hết sức lưu ý, ưu tiên thăm khám thai định kỳ.

Đối với các cơ sở y tế, Bộ Y tế yêu cầu trong hoạt động khám thai thường quy, cần hỏi tiền sử đi lại để phát hiện nếu người phụ nữ hoặc chồng/bạn tình đã từng có mặt ở vùng dịch; nhân viên y tế thực hiện khám phát hiện các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng liên quan đến căn bệnh do nhiễm virus Zika.

Trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ thai nhi đầu nhỏ hoặc bất thường về não, cần chuyển thai phụ đến cơ sở có khả năng chẩn đoán trước sinh để chẩn đoán chính xác. Cán bộ y tế cung cấp đầy đủ thông tin và tư vấn cho phụ nữ đang mang thai và người nhà để gia đình tự quyết định.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai hoặc dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch hoặc/và đi về từ vùng có dịch nếu có triệu chứng như sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn.

Muỗi truyền virus Zika phổ biến tại Hà Nội

Chiều 6-4, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do virus Zika và SXH, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết tuy chưa ghi nhận ca bệnh do virus Zika ở Hà Nội nhưng qua khảo sát, ghi nhận muỗi vằn Aedes - muỗi truyền bệnh do virus Zika - lưu hành phổ biến tại TP này. Hiện 584 xã, phường của Hà Nội đều có muỗi Aedes.

Trước nguy cơ virus Zika xâm nhập Hà Nội, Bộ Y tế đề nghị Hà Nội thực hiện tổng vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng; đồng thời áp dụng mô hình xử phạt những hộ dân chống đối, không hợp tác trong công tác phòng chống dịch bệnh.

“Thủ phạm” gây ra nhiều bệnh về não?

Theo Reuters, các nhà nghiên cứu hàng đầu về Zika tuyên bố loại virus này không chỉ liên quan tới chứng dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh mà còn có thể dính líu tới hàng loạt chứng bệnh khác như viêm não, viêm màng não và viêm tủy sống. Hiện các nhà khoa học đang tìm hiểu liệu Zika có khả năng lây nhiễm trực tiếp vào dây thần kinh ở người lớn hay không.

Đợt bùng phát đầu tiên của Zika xảy ra ở Brazil hồi năm ngoái rồi lây lan qua các nước châu Mỹ. Hàng ngàn trường hợp trẻ sơ sinh đầu nhỏ bị nghi ngờ do virus Zika gây ra khiến Tổ chức Y tế thế giới phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu hồi tháng 2 vừa qua.

Nghi vấn Zika tác động trực tiếp lên các tế bào thần kinh được phát hiện sau khi các nhà khoa học khám nghiệm những bào thai bị phá hoặc chết lưu, trong đó virus nhân bản trong mô não người. Ngoài dị tật đầu nhỏ, các nhà nghiên cứu còn phát hiện các bất thường khác liên quan đến Zika, bao gồm bào thai tử vong, suy nhau thai, thai nhi chậm phát triển và hệ thống thần kinh trung ương bị tổn thương.

Ph.Nghĩa

Theo Ngọc Dung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan