Các chuyên gia cảnh báo, thói quen ăn đồ ăn chứa nhiều muối, ít uống nước, ít vận động và tự ý bổ sung vitamin… là những nguyên nhân chính làm hình thành nhanh sỏi thận ở trẻ.
Sau khi phát hiện con trai Nguyễn Trường Giang, (5 tuổi, Hà Nội) bị sỏi thận nhưng trước đó cả gia đình lầm tưởng con bị bệnh giun đã khiến cả gia đình “tá hỏa”.
Mẹ cháu bé cho biết, vài tháng nay bé thường kêu đau bụng. Chị tưởng con đau bụng do tiêu hoá nhưng dần dần tình trạng bé đau bụng, làm nũng tăng lên. Chị mua thuốc giun về cho con uống không khỏi, hơn tháng sau chị lại mua thuốc giun về tẩy lại nhưng bé vẫn đau bụng và kèm theo sốt.
Chị cho con đi kiểm tra nội soi dạ dày, không có vấn đề gì nhưng khi siêu âm bác sĩ đã phát hiện có sỏi trong đường tiết niệu của bé.
Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia, triệu chứng thường gặp của sỏi đường tiết niệu là đau vùng hông lưng, tiểu ít, tiểu máu, đặc biệt là nếu gia đình có tiền sử bị bệnh sỏi thận.
Ở trẻ nhỏ thì trẻ dễ kích thích, quấy khóc, nôn ói, tiểu khó, tiểu nhiều lần thường xuyên nhiễm trùng tiểu, biểu hiện qua triệu chứng la khóc mỗi lần đi tiểu.
Cũng theo các chuyên gia, khác với người lớn, sỏi bàng quang nói chung và sỏi tiết niệu nói riêng ở trẻ em là một bệnh khá hiếm gặp, tỷ lệ này chỉ khoảng 7,2 đến 14,2 trường hợp trong 100.000 trẻ (dưới 18 tuổi), và chiếm khoảng 0,15% trên tổng số các bệnh nhân mắc sỏi đường niệu.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sỏi thận ở trẻ, thường gặp nhất là do các bệnh gây rối loạn chuyển hóa như: rối loạn enzyme, hội chứng ống thận (sỏi calci-phosphat, sỏi cystinuria),...
Các chuyên gia cảnh báo, dù chưa được chứng minh nhưng cũng cần chú ý thói quen ăn nhiều thức ăn nhanh chứa nhiều muối, ít uống nước, ít vận động, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất như canxi, vitamin C… Đây là những nguyên nhân chính làm hình thành nhanh sỏi thận ở trẻ, nhất là những trẻ có sẵn các bệnh lý rối loạn chuyển hóa.
Ngoài ra, những trẻ thường bị nhiễm trùng đường tiểu, có bất thường những chỗ hẹp tự nhiên của đường tiết niệu (hẹp khúc nối bể thận - niệu quản, hẹp khúc nối bàng quang - niệu quản) hay những bệnh lý gây cản trở sự tống xuất nước tiểu như bàng quang.
Các thực phẩm nên tránh khi bị sỏi thận
Ảnh minh họa
Ăn ít thịt động vật: ăn thực phẩm chứa ít muối, ăn ít các loại thịt. Có thể ăn cá thay cho thịt. Tôm cua có thể ăn vừa phải được.
Giảm các thực phẩm chứa nhiều oxalate: bao gồm các loại đậu, đậu phộng, bột cám, sô-cô-la, cà phê và trà đặc. Trong khi cố gắng để loại bỏ các loại thực phẩm có chứa oxalate từ thịt thì cũng lưu ý một số loại rau quả có thể là “tòng phạm” gây nên sỏi thận. Ví như rau bina, rau muống được cho là tạo nhiều oxalat nhất.
Hạn chế muối và mỡ: nên cố gắng ăn nhạt vì những nghiên cứu cho thấy việc giảm lượng muối trong chế độ ăn cũng có thể cắt giảm lượng oxalate trong nước tiểu. Tránh ăn nhiều thực phẩm chứa chất purin gây sỏi thận như: cá khô, thịt khô, tôm khô, lạp xưởng, các loại mắm, lòng heo, lòng bò.
Chế độ ăn được khuyến khích cho người bị sỏi thận - Bổ sung nước thường xuyên. - Ăn uống điều độ thực phẩm chứa calci như sữa, pho mai, không nên kiêng cữ quá mức những thực phẩm chứa calci vì như thế sẽ gây mất cân bằng trong hấp thụ calci. - Nên uống nhiều nước cam, chanh, bưởi tươi, đây là những thức uống chứa nhiều citrate giúp chống tạo sỏi. - Nên ăn nhiều rau tươi: giúp tiêu hóa nhanh, giảm hấp thu các chất gây sỏi thận. |