Mất máu cấp đối với sản phụ có tỷ lệ tử vong cao, đòi hỏi bác sĩ vừa phải nhanh, vừa phải có chuyên môn cao để xử lý.
Liên quan đến sự việc một sản phụ 24 tuổi tử vong sau khi sinh con tại Bệnh viện Việt-Pháp (Hà Nội), ngày 5/11 phía bệnh viện cho biết, sản phụ tử vong do mất nhiều máu dẫn tới suy đa tạng, có thể do rối loạn đông máu.
Một lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, do gia đình không đồng ý mổ tử thi để làm pháp y nên chưa thể có kết luận về nguyên nhân tử vong mà chỉ nghĩ nhiều do rối loạn đông máu.
Hiện chưa xác định chính xác nguyên nhân khiến sản phụ tử vong mà chỉ nghĩ nhiều do rối loạn đông máu.
Rối loạn đông máu nguy hiểm thế nào?
Trao đổi về vấn đề này, một bác sĩ có 20 năm kinh nghiệm từng công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và đã tham gia cấp cứu nhiều ca tai biến sản khoa nặng cho biết, đây là sự việc đáng tiếc đối với gia đình sản phụ.
Đối với vấn đề rồi loạn đông máu, vị bác sĩ này cho rằng có thể xảy ra 2 trường hợp, đó là mắc các bệnh lý về máu (sẽ phát hiện trong quá trình xét nghiệm khi mang thai) hoặc bị rối loạn đông máu do mất máu quá nhiều, không bù được khiến cơ thể thiếu máu, thiếu ô xy.
Trường hợp sản phụ bị thiếu ô xy sẽ dẫn đến đờ tử cung thứ phát do rối loạn đông máu, mất máu cấp… Đây cũng là tai biến sản khoa gây ra tỷ lệ tử vong cao.
“Với những trường hợp này thì cần phải vừa kết hợp điều trị triệu chứng, vừa kết hợp tìm nguyên nhân, hồi sức tích cực và truyền máu khẩn cấp ngay tại phòng mổ.
Đây là trường hợp cấp cứu khẩn cấp, nếu không xử lý nhanh thì sẽ lỡ mất thời cơ vàng để cứu bệnh nhân. Thời cơ vàng cứu bệnh nhân trong trường hơp này được tính bằng phút, thậm chí bằng giây. Với trường hợp sản phụ tử vong trên, trong trường hợp tử vong do rối loạn đông máu dẫn đến mất máu cấp thì rất có thể là đã bị bỏ lỡ thời cơ vàng để cứu và xử lý cho bệnh nhân”, vị bác sĩ sản khoa này cho hay.
Cấp cứu trường hợp mất máu khi sinh con cần phải rất nhanh. (Ảnh minh họa)
Về cách xử lý, vị bác sĩ này cho rằng cần phải có chuyên môn và kỹ năng tối thiểu để xử trí. Ngoài ra có thể phải nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên khoa khác như ngoại khoa, hồi sức…
Kỹ năng tối thiểu vị chuyên gia này đề cập tới đối với những trường hợp cấp cứu mất máu trong sản khoa đó là nếu cần thiết thì phải mở ổ bụng, kẹp cấp máu sau đó có bác sĩ chuyên môn cao để xử lý. Ngoài ra, cần phải kết hợp hồi sức tích cực, phải có máu truyền đủ, sản phụ mất bao nhiêu máu phải truyền đủ bấy nhiêu,…như vậy mới có thể cứu được người bệnh.
“Nhiều năm làm bác sĩ sản khoa, tôi gặp rất nhiều các sản phụ mất máu nhiều, tuy nhiên, với kinh nghiệm xử trí của các bác sĩ nhiều kinh nghiệm thì luôn cứu được bệnh nhân. Trừ trường hợp bệnh nhân tắc mạch ối, tắc mạch phổi thì chúng tôi buộc phải chịu”, vị bác sĩ này cho hay.
Được biết, trong ngày 5/11, Bộ Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Việt Pháp xác minh, báo cáo thông tin và yêu cầu lập Hội đồng chuyên môn theo quy định để đánh giá toàn bộ về sự cố y khoa khiến sản phụ tử vong trên.
Ông Jozef Alfons Peeters - Tổng giám đốc Bệnh viện Việt - Pháp (Hà Nội) cho biết, trường hợp sản phụ tử vong là một ca bệnh khó, ít gặp, diễn biến nhanh và biến chứng nặng.
Trước thông tin cho rằng, bệnh nhân sau sinh nằm nhiều tiếng không có người chăm sóc, gia đình phát hiện mới báo bác sĩ, lãnh đạo BV Việt - Pháp cho biết, đó là thông tin chưa chính xác. Từ khi vào viện bệnh nhân có bác sĩ sản khoa, hộ sinh theo sát, khi sinh xong phát hiện sự việc đưa ngay đi điều trị, giám sát tuyệt đối chứ không có chuyện bỏ rơi hay bỏ quên.